SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ý trước cả ca nhiễm tại chợ thủy sản Vũ Hán, Trung Quốc?

13/12/2020 - 11:19

PNO - Các nhà khoa học Ý cho biết mẫu xét nghiệm của 1 cậu bé 4 tuổi, được lấy vào tháng 11/2019, trước khi phát hiện trường hợp COVID-19 đầu tiên ở Ý, có kết quả dương tính với COVID-19.

Theo trình tự thời gian, phát hiện này cũng xảy ra trước các trường hợp "viêm phổi do virus" liên quan đến chợ thủy sản ở Vũ Hán, Trung Quốc, báo cáo vào ngày 31/12/2019.

Nói về cậu bé, Giáo sư Y tế Toàn cầu tại Đại học Milan, Mario C. Raviglione, nói với Sky News: “Một năm trước, đứa trẻ này bắt đầu có các triệu chứng vào ngày 21/11, nghĩa là giả sử thời gian ủ bệnh là 3-4 ngày, cậu bé đã nhiễm bệnh vào khoảng giữa tháng 11”.

Trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của Ý được ghi nhận ở vùng Lombardy vào ngày 21/2/2020 và là quốc gia phương Tây đầu tiên xuất hiện nhiễm virus viêm phổi mới, sau đó trở thành tâm dịch của châu Âu.

Quốc gia này báo cáo gần 20.000 ca nhiễm mới và 649 ca tử vong liên quan đến COVID-19 vào thứ Bảy 13/12, nâng tổng số người tử vong lên 64.036.

Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi, được xuất bản trực tuyến hôm 8/12 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cậu bé Milan 4 tuổi bị ho và viêm sưng màng nhầy của mũi vào ngày 21/11/2019.

Bài báo viết: "Khoảng 1 tuần sau (ngày 30/11), cậu bé được đưa đến khoa cấp cứu với các triệu chứng về hô hấp và nôn mửa. Vào ngày 1/12, bệnh nhân bị phát ban giống như bệnh sởi".

Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận các triệu chứng tương tự COVID-19 bao gồm “hội chứng viêm đa hệ giống bệnh Kawasaki và các biểu hiện trên da đi kèm với các bệnh nhiễm trùng do virus thông thường như bệnh thủy đậu và bệnh sởi”.

Họ cho biết quá trình lâm sàng của cậu bé, chẳng hạn như những thay đổi trên da “giống với những gì đã được báo cáo bởi các tác giả khác” trong đại dịch COVID-19”, và một số nghiên cứu đã nhận thấy sự khởi phát muộn hơn ở những bệnh nhân nhỏ tuổi.

Một mẫu thử lấy từ họng được thực hiện vào ngày 5/12, 2 tuần sau khi cậu bé bắt đầu có triệu chứng, để chẩn đoán lâm sàng vì nghi ngờ mắc bệnh sởi.

Bệnh phẩm cho kết quả dương tính với RNA của SARS-CoV-2, hội chứng hô hấp cấp tính.

Ý là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu và nhanh chóng trở thành tâm dịch của khu vực.
Ý là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu và nhanh chóng trở thành tâm dịch của khu vực

Phát hiện này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu của Đại học Milan nhận thấy nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sởi vào cuối mùa thu ở châu Âu cuối cùng lại có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh sởi.

Họ đã “truy vết”, xem xét khả năng mắc SARS-CoV-2 trong “các trường hợp phát ban không liên quan đến bệnh sởi” và phân tích các mẫu bệnh phẩm thu thập từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020 của 39 bệnh nhân, từ 8 tháng đến 73 tuổi.

Chiếc tăm bông của cậu bé bốn tuổi, sống ở khu vực xung quanh Milan và không có tiền sử đi nước ngoài, là chiếc duy nhất cho kết quả dương tính.

Các nhà nghiên cứu cho biết mẫu tăm bông của cậu bé “giống 100%” với chủng coronavirus mới ở Vũ Hán, “cũng như trình tự của các chủng SARS-CoV-2 khác lưu hành trên toàn thế giới ở giai đoạn sau”; “do đó, việc xác định chính xác nguồn gốc của chủng được xác định là không thể”.

Họ cho biết tăm bông là phương án "không tối ưu" để phát hiện COVID-19 vì nó được lấy từ cổ họng của cậu bé với mục đích chẩn đoán bệnh sởi, chứ không phải từ mũi. Mặt khác, mẫu cũng được thu thập 14 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu, nghĩa là sự lây lan của virus đã giảm.

Các nhà nghiên cứu cho biết các nghiên cứu sâu hơn nhằm phát hiện SARS-CoV-2 trong các mẫu lưu trữ phù hợp sẽ là “yếu tố quan trọng” để xác định tiến trình của dịch COVID-19 ở Ý.

Các chuyên gia tin rằng SARS-CoV-2 có thể đến từ dơi và thông qua một vật chủ trung gian, với khả năng lây truyền từ người sang người đã được chính quyền Trung Quốc xác nhận vào tháng 1/2020. Các lý thuyết xoay quanh việc liệu loài tê tê có phải là động vật đóng vai trò trung gian hay không.

Giáo sư David Robertson, Trưởng khoa nghiên cứu Gen virus và Thông tin sinh học tại Đại học Glasgow (Anh), nói với Tạp chí y khoa The Lancet: “Virus không cần phải tiến hóa ở tê tê mà chỉ cần tiếp xúc với con người”.

Tấn Vĩ (theo News.com.au)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI