Rác “tấn công” không gian công cộng

13/04/2022 - 08:24

PNO - Sau gần bốn năm triển khai cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch”, vấn nạn xả rác bừa bãi tại các không gian công cộng đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Những bãi rác "vô chủ"

Theo ghi nhận, dù chính quyền các quận huyện, đoàn thể vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, tuyên truyền, ra quân dọn dẹp đường phố, kênh rạch, nhưng vẫn không ngăn nổi sự xuất hiện của nhiều bãi rác, đặc biệt là ở các “điểm tập kết rác” như trên cầu, đường dẫn lên cầu, kênh rạch hoặc cửa cống thoát nước… Tại cầu Tân Thuận 1 (nối Q.4 và Q.7), ở làn dành cho người đi bộ ngập ngụa rác, những bịch rác to nhỏ bốc mùi hôi thối. Bên hông cầu, phía Q.4, một bãi rác kéo dài cả chục mét, gồm đủ các loại rác thải sinh hoạt và xà bần. Phía dưới gầm cầu rác cũng ngổn ngang, bốc mùi hôi hám. Cây cầu với kiến trúc vòm sắt đặc sắc của thành phố đang trở thành nơi tập kết rác.

Một công trình khá mới là cầu Thủ Thiêm (nối Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức) cũng đang trở thành điểm tập kết rác. Ở phần đường bên hông cầu phía P.Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), một bãi rác dài cả trăm mét, gồm cả rác thải sinh hoạt và rác xây dựng, ngang nhiên tồn tại. Tương tự, cầu Bình Lợi (nối Q.Gò Vấp với TP.Thủ Đức) là cây cầu vòm thép lớn nhất Việt Nam với thiết kế đẹp mắt cũng đang bị rác “tấn công”. Bên đường dẫn lên cầu phía Thủ Đức hình thành một bãi rác thải sinh hoạt rất lớn, rác lấn cả lên mặt cầu.

Tình trạng vứt rác bừa bãi ra kênh rạch, sông tại TPHCM đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay. Trên rạch Xuyên Tâm qua các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, rác thải ngập ngụa, nhiều chỗ rác phủ kín mặt nước. Trên các tuyến kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình), Tham Lương (qua các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình), sông Vàm Thuật (Q.Gò Vấp)… cũng tràn ngập rác. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người sống ở ven kênh đã xả rác trực tiếp xuống kênh, hoặc vứt rác ra ven kênh rạch, sông, cửa cống thoát nước để nước mưa cuốn xuống dòng nước. 

Rác trên cầu Tân Thuận 1 - ẢNH: P.T.
Rác trên cầu Tân Thuận 1 - Ảnh: P.T.

Từ tháng 4 đến tháng 12/2021, Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải) phối hợp Công ty cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn thí điểm vận hành thiết bị công nghệ mới trong việc thu gom rác trên sông Vàm Thuật, trung bình mỗi ngày vớt được từ 35 - 40 tấn rác.

Xử lý không xuể

Ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm - cho biết, thời gian qua xảy ra tình trạng dân lén đổ rác sinh hoạt ra ven đường bên hông cầu Thủ Thiêm. Một số đơn vị còn lén đổ rác xây dựng, xà bần. Khu vực này có lắp camera nhưng cũng khó ghi lại được, vì dân thường lén đổ vào đêm khuya. Phường phối hợp với các lực lượng công an kinh tế, công an môi trường ráo riết ra quân, mai phục và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, vừa qua đã thu giữ hai xe ba gác chuyên chở rác đi đổ trộm. Nhưng theo ông Kiên, sẽ không thể xử lý xuể khi người ta lén lút đổ rác vào giờ nghỉ ngơi. Thậm chí có tình trạng người dân bên kia cầu (phía Q.Bình Thạnh) qua vứt rác ở phía TP.Thủ Đức. Phường đã có văn bản đề nghị phía P.22, Q.Bình Thạnh phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) - cũng cho rằng, đối với những vị trí có xe chạy liên tục như cầu, đường thì việc ra quân kiểm tra, xử lý nạn vứt rác bừa bãi bị hạn chế. Các lực lượng xung kích của phường vẫn thường xuyên ra quân dọn dẹp những nơi phát sinh rác thải, kiểm tra, xử lý tình trạng xả thải bừa bãi. Ông Tuấn khẳng định: sẽ cho kiểm tra và xử lý bãi rác dưới chân cầu Bình Lợi! 

Đối với rác xả trên cầu Tân Thuận 1, theo phân cấp sẽ do UBND Q.4 quản lý. Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND quận - cho biết, đã giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường chấn chỉnh tình trạng này.

Theo một cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, việc phân cấp quản lý vệ sinh môi trường hiện nay tại các vị trí giáp ranh còn bất cập. Một cây cầu bắc qua hai quận, phần thân cầu do bên này quản lý, còn đường dẫn vào cầu lại do bên kia quản lý, nên dẫn đến tâm lý “cha chung không ai khóc”. Tương tự, với một con kênh chảy qua nhiều quận huyện, nếu không tuyên truyền rộng rãi và ra quân dọn dẹp đồng bộ mà để tình trạng quận này làm, quận kia không làm, thì kết quả cũng không khả quan.
 

Trung bình mỗi ngày công nhân vớt được 10 tấn rác  trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - ẢNH: P.T.
Trung bình mỗi ngày công nhân vớt được 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: P.T.

Phân cấp mạnh trong quản lý, xử phạt kịp thời

Phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng thực trạng rác thải khó kiểm soát như thời gian qua là do các quy định về quản lý không thống nhất. Trước đây, việc quản lý và xử lý chất thải được giao cho ngành xây dựng, đến năm 2019 mới được giao “đúng chuyên môn” về cho ngành tài nguyên môi trường. TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc giao Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chất thải sinh hoạt và sở cũng thành lập hẳn một Phòng Quản lý chất thải rắn. Nhưng do chỉ có mình TPHCM làm theo mô hình này nên chưa có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể mà chủ yếu tự làm.

Theo ông Sỹ, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022 có nhiều quy định sẽ giúp các địa phương kiểm soát tốt việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đặc biệt là việc phân cấp theo dõi, kiểm tra, giám sát, xử phạt việc xả rác bừa bãi cho UBND cấp xã, phường.

Đây là quy định mới vì thời gian qua giao cho cấp quận huyện, nhưng quận huyện ở “trên cao” khó phát hiện hành vi vi phạm, còn xã, phường trực tiếp quản lý, phát hiện vi phạm thì lại không có quyền xử phạt. Việc phân cấp hẳn cho xã, phường sẽ tăng trách nhiệm của cơ sở trong việc quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng “cha chung không ai khóc”, bởi cứ có xả rác bừa bãi trên xã, phường nào thì “nắm tóc” lãnh đạo nơi đó.

Với quy định phân cấp mới thì các xã, phường sẽ có thêm lực lượng, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, chúng ta tuyên truyền, vận động cũng chỉ mang tính một chiều để người dân hiểu, tự giác chấp hành. Khi Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, song song với công tác tuyên truyền, thì việc quản lý sát sao từ cấp phường, xã kết hợp với xử phạt kịp thời, đủ sức răn đe sẽ giúp chấn chỉnh hiệu quả nạn xả rác bừa bãi như thời gian qua. Bên cạnh đó, việc triển khai rộng rãi camera giám sát nơi công cộng và cho phép “phạt nguội” cũng sẽ tăng hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường. 

Mong người dân tiếp tục chung tay gìn giữ màu xanh những dòng kênh

Nhận lãnh trọng trách làm xanh hóa hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) và kênh Tân Hóa - Lò Gốm (qua các quận Tân Bình, Tân Phú, Q.6, Q.11), thời gian qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã có rất nhiều nỗ lực. Để tạo được cảnh quan thông thoáng và xanh sạch cho các lòng kênh, trung bình mỗi ngày, đơn vị vớt khoảng 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc và 5 tấn rác ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, chưa kể các con kênh rạch nhỏ còn lại. Bên cạnh việc vớt rác, đơn vị còn phối hợp các cơ quan truyền thông, báo đài vận động người dân cùng giữ vệ sinh môi trường cho các dòng kênh. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn còn tình trạng người dân lén lút đẩy rác xuống các dòng kênh. 

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - cho biết: “Nỗ lực của đơn vị sẽ không có kết quả tốt nhất khi không có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Chúng tôi mong mỗi người dân hãy tiếp tục chung tay gìn giữ màu xanh cho những dòng kênh”. 

Phấn đấu 100% phường, xã không xả rác

Tháng 9/2021, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 (năm 2018) của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”.

Một số chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch như: 100% phường, xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường; 100% phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị được tiếp nhận và xử lý kịp thời; 100% phường, xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch; 100% điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn thành phố được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực đã cải tạo, chuyển hóa; không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới…

Phương Thanh

Nguồn: MTĐT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI