Quyền lực mềm của nền ngoại giao Indonesia

30/10/2014 - 11:25

PNO - PN - Một trong những sự kiện chính trị nổi bật nhất khu vực hiện nay là việc tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo “ra mắt” nội các. Lần đầu tiên, người phụ trách đối ngoại của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này là một...

Quyen luc mem  cua nen ngoai giao Indonesia

"Nội các làm việc" của tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Ảnh: AP

Tổng thống Joko Widodo đã dựa trên ý kiến của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPK) để lựa chọn thành viên nội các, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ông Widodo với nhân dân, nhằm đưa Indonesia thoát khỏi “bóng ma” tham nhũng. Chính phủ mới của Indonesia giữ nguyên tổng số 34 bộ trưởng, nhưng số bộ trưởng nữ tăng từ ba lên tám người. Tổng thống Widodo gọi chính phủ mới là “chính phủ làm việc” với những nhân vật chủ chốt được lựa chọn dựa trên trình độ và năng lực, khả năng quản lý và lãnh đạo, phẩm chất đạo đức và sự trong sạch.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Tổng thống Widodo muốn định hướng đường lối ngoại giao của Indonesia theo hướng “bạn bè rộng, không thù địch”. Ông Widodo, trước khi nhậm chức, đã giới thiệu chính sách đối ngoại mới với bốn ưu tiên, gồm: thúc đẩy khái niệm “quốc đảo”; đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nước lớn thông qua việc tích cực tham dự các diễn đàn khu vực và quốc tế; phát triển mạnh cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tăng cường vai trò các cơ quan ngoại giao Indonesia.

Trong bối cảnh này, bà Retno Lestari Priansari Marsudi được Tổng thống Widodo “chọn mặt, gửi vàng”. Nữ ngoại trưởng có gương mặt phúc hậu và điềm đạm là ấn tượng ban đầu nhiều thiện cảm người ta dành cho bà Retno. Hơn nữa, kinh nghiệm “chiến trường” của bà Retno là cơ sở để dư luận quốc tế và trong nước kỳ vọng vào nội các mới lần này. Bà Retno tốt nghiệp cử nhân ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Gadjah Mada ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), sau đó bà là thạc sĩ ngành luật tại Đại học Khoa học ứng dụng Hague (Hà Lan). Trước khi được ông Widodo giao phó vị trí ngoại trưởng, bà Retno là Đại sứ Indonesia tại Hà Lan từ năm 2012, đồng thời là nữ đại sứ hiếm hoi của lịch sử ngành ngoại giao Indonesia. Trước đó, từ năm 2005-2008, bà đến Na Uy và Iceland cũng với công việc đại sứ. Sau đó bà giữ chức Giám đốc phụ trách ngoại giao của khu vực châu Âu và châu Mỹ.

Quyen luc mem  cua nen ngoai giao Indonesia

Nữ ngoại trưởng đầu tiên của Indonesia, bà Retno Lestari Priansari Marsudi

Uy tín của bà Retno mở đường cho hàng loạt sự kiện hợp tác kinh tế giữa Indonesia với các nước. Từng có việc EU cấm tất cả 51 hãng hàng không Indonesia đến châu Âu hồi tháng 7/2007 vì lý do an toàn bay, nên một số đường bay đến châu Âu của Garuda Indonesia phải thực hiện dưới dạng liên danh (code share). Nhờ sự can thiệp ngoại giao của bà Retno mà tháng 7/2009, EU dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Tiến tới Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Indonesia, bà Retno cũng đóng vai trò quan trọng trong đàm phán.

Với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong Bộ Ngoại giao, bà Retno am hiểu tình hình chính trị, có khả năng tạo nên hình ảnh Indonesia mạnh mẽ và tích cực hơn trên bình diện đối ngoại của khu vực. Chia sẻ đôi điều sau khi nhậm chức, bà Retno Lestari Priansari Marsudi nhấn mạnh: “Indonesia có rất nhiều điều để chia sẻ với thế giới trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy và nâng cao vị thế của đất nước mình trên toàn cầu”.

Chuyên gia đối ngoại thuộc Đại học Quốc phòng Indonesia Bantarto Bandoro đánh giá rất cao vị nữ ngoại trưởng này: “Bà Retno quyết đoán và rõ ràng trong đường lối đối ngoại, đồng thời không thiếu sự khéo léo, mềm mỏng khi cần thiết”.

Quyen luc mem  cua nen ngoai giao Indonesia

Nữ ngoại trưởng Retno Lestari Priansari Marsudi là người quyết đoán nhưng không thiếu sự khéo léo, mềm mỏng khi cần thiết

Bà Retno từng được tạp chí uy tín nhất dành cho giới doanh nhân, chính trị gia Indonesia là Globe Asia bình chọn là một trong số 99 phụ nữ quyền lực nhất của quốc gia này. Bà Retno có mái ấm gia đình đong đầy yêu thương với người chồng là kiến trúc sư Agus Marsudi cùng hai con. Vợ chồng bà luôn đồng thuận việc dạy con lối sống độc lập, dễ thích nghi, nhất là khi gia đình bà thường xuyên phải “dịch chuyển” tùy thuộc công việc của bà.

THIÊN ANH (Theo Jakarta Globe, Bloomberg,Antara News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI