Anh quá yêu thương, thân thiết với em gái khiến tôi hơi lo

10/05/2025 - 08:00

PNO - Thể hiện sự quan tâm dưới góc độ một người vừa là chị gái, vừa là bạn gái, em sẽ khiến bạn trai cảm kích và chấp nhận lời góp ý dễ dàng hơn.

Chị Hạnh Dung ơi,

Em quen bạn trai được gần 1 năm. Anh ấy sống tình cảm, quan tâm và rất yêu thương gia đình. Nhưng có một điều khiến em thấy hơi lăn tăn: gia đình anh vẫn có thói quen ngủ chung phòng, trong khi anh và em gái đều đã trưởng thành. 2 anh em rất thân, thường có những cử chỉ ôm vai bá cổ hoặc gọi nhau bằng những biệt danh dễ thương, ngọt ngào.

Em biết chắc họ thương nhau như anh em ruột thịt, không có gì lệch lạc. Nhưng rõ ràng khi đã trưởng thành, ai cũng cần có không gian riêng. Nhiều khi đến chơi nhà anh, tụi em cũng có lúc vào phòng anh nói chuyện, nhưng sự có mặt của em gái anh khiến em bối rối.

Chị ơi, trong trường hợp này em có nên góp ý? Và nếu có thì nên nói như thế nào để bạn trai không hiểu lầm là em đang chia rẽ tình cảm anh em của họ? Em thật sự muốn mọi chuyện được thoải mái và chân thành, không phải giữ khoảng cách vì ngại ngùng chuyện tế nhị như thế này. Mong chị cho em lời khuyên.

Hoài Thu

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Hoài Thu thân mến,

Hạnh Dung rất hiểu cảm giác em đang trải qua: vừa ngại chạm vào chuyện tế nhị giữa người yêu và em gái anh ấy, vừa không thể dứt bỏ cảm giác lăn tăn trong lòng dù biết rằng họ trong sáng. Thật may mắn là em không phản ứng vội vàng mà cố gắng tìm cách ứng xử phù hợp.

Hạnh Dung khẳng định rằng em không sai khi cảm thấy băn khoăn trước những cử chỉ thân mật giữa người yêu và em gái. Cảm xúc của em là hoàn toàn tự nhiên. Điều đó có thể bắt nguồn từ quan niệm Á đông từ xa xưa: "Nam nữ thụ thụ bất thân". Điều này không chỉ áp dụng với những người không có quan hệ huyết thống mà cả với người trong gia đình. Cha con, anh chị... dù thương yêu nhau đến mấy, nhưng khi đã là người trưởng thành thì phải có ranh giới rõ ràng.

Người xưa quan niệm như thế và người nay cũng vậy. Một trong những bài học quan trọng các bậc cha mẹ hiện đại dạy con là bảo vệ chính cơ thể mình. Những sự đụng chạm dẫu vô tình, dù là giữa những người thân cũng có thể làm xuất hiện những cảm xúc không tích cực, nếu người thực hiện nó không biết kiểm soát bản thân. Bạn trai em là người trưởng thành, thế nên cả anh ấy lẫn em gái cần có những thay đổi trong cách thể hiện tình cảm với nhau.

Hơn nữa, anh ấy đang có mối quan hệ tình cảm nghiêm túc với em. Những nếp sống cũ cần được điều chỉnh để phù hợp với vai trò người yêu, người bạn đời tương lai của em.

Em đang phân vân liệu có nên góp ý chuyện này. Chắc chắn là có. Bởi nếu cứ giữ trong lòng càng lâu, em càng cảm thấy khó chịu và bức bối. Điều đó có thể ảnh hưởng lớn tới tình cảm của 2 em, nhất là khi bột phát, em có thể có những phản ứng thiếu cân nhắc.

Điều quan trọng là nên nói thế nào để bạn trai em không cảm thấy ngại ngùng. Em có thể bắt đầu từ việc chia sẻ cảm xúc chứ không phán xét. Ngay cả cảm xúc đó cũng cần được giảm nhẹ bằng những từ ngữ nhẹ nhàng.

Hãy nói về việc em rất quý tình cảm của anh em họ, rất tôn trọng và đánh giá cao điều đó, rất mong được trở thành người một nhà với cô bé.

Em cũng thử cùng anh xem xét thử liệu việc tạo không gian sống riêng cho hai anh em có gặp khó khăn nào không, chẳng hạn nhà chật, không đủ phòng, hay em gái anh sợ bóng tối, không quen ngủ một mình... Nếu có khó khăn thực sự, liệu họ có giải pháp nào tốt hơn không? Em cũng có thể gợi ý một số giải pháp cho anh em họ.

Hãy nhấn mạnh vào điều em nghĩ, rằng em gái của anh ấy cần có: sự riêng tư, độc lập, thoải mái. Thể hiện sự quan tâm dưới góc độ một người vừa là người nhà, vừa là bạn gái, em sẽ khiến bạn trai cảm kích và chấp nhận lời góp ý dễ dàng hơn.

Nếu yêu thương và tôn trọng em, anh ấy sẽ lắng nghe và hiểu được cảm xúc của em. Còn nếu anh ấy khó chịu và quy chụp rằng em nhỏ nhen, ích kỷ, có lẽ đó cũng là một dấu hiệu của sự khác biệt giữa hai người mà em cần cân nhắc.

Dù có yêu thương hay tiếc nuối đến đâu, em cũng nên ưu tiên cho cảm xúc của bản thân.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI