Bác sĩ chỉ đường, người bệnh bước đi

12/05/2025 - 06:25

PNO - Bảo vệ sức khỏe không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân.

Trước đây, khi bị bệnh, người ta chỉ có thể đến cơ sở y tế cho bác sĩ khám bệnh rồi dùng thuốc theo toa; còn bây giờ, với sự trợ lực của các phương tiện thông tin, người bệnh có thể chủ động tìm hiểu bệnh cảnh của mình. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet, bệnh nhân có cơ hội tiếp cận lượng thông tin y tế khổng lồ, nhưng trên không gian mạng, có vô vàn nội dung chưa chính xác, thậm chí có tin bịa đặt về thuốc, về phương pháp điều trị “thần kỳ”.

Trên mạng, xuất hiện nhiều “thần y” chữa bệnh như thần, có các bài thuốc chữa bá bệnh, dẫn ra hàng trăm trường hợp được chữa khỏi bằng những bài thuốc bình dân dễ mua, dễ tìm, trong khi bác sĩ tây y đã “bó tay”. Bên cạnh “thần y”, còn nổi lên nhiều thầy cúng chữa bệnh bằng bùa. Khi bị thông tin sai lệch dẫn dắt, bệnh nhân sẽ tốn kém thời gian, chi phí, mất đi “thời gian vàng” điều trị khiến bệnh càng nặng hơn.

Một người bệnh thông thái không nhất thiết am hiểu lĩnh vực y khoa, chuyên môn chữa trị nhưng phải biết lắng nghe và đặt câu hỏi đúng, cũng như chủ động tìm kiếm, thu nạp thông tin từ cơ sở y tế chính thống hay bác sĩ có chuyên môn, uy tín và hợp tác tích cực với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.

Để bệnh nhân tin tưởng, bác sĩ phải tôn trọng người bệnh, không khám qua loa, không vội kết luận bệnh. Trên hết, bác sĩ phải xem bệnh nhân là một thực thể duy nhất, không đưa ra phương pháp chung chung, đại trà, không kê thuốc từ xa. Bác sĩ phải giải thích rõ bệnh trạng, tác dụng của thuốc, ưu và nhược điểm cũng như thời gian điều trị dự kiến của từng phương pháp trị liệu. Chỉ khi người bệnh hiểu đúng và tin tưởng, mới hợp tác đúng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho bản thân, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Mặt khác, các phương pháp y tế chỉ được thực hiện khi đã trải qua các thử nghiệm khoa học, có kết quả. Theo thời gian, hiệu quả điều trị dần được hoàn thiện hơn. Phác đồ điều trị hôm nay tiến bộ hơn hôm qua nhưng có thể thua xa ngày mai. Thuốc cũng có thuốc thế hệ cũ và thuốc thế hệ mới, bệnh nhân có quyền thắc mắc về chúng và bác sĩ cần giải thích rõ. Cũng vậy, khi áp dụng một số biện pháp trên mạng, nhận thấy các triệu chứng thuyên giảm, người bệnh không nên vội cho đó là phương pháp tuyệt đối tốt.
Người bệnh có quyền được biết đầy đủ thông tin về căn bệnh của mình và bác sĩ cần cung cấp đầy đủ kế hoạch điều trị để người bệnh lựa chọn. Sau khi đã nhất trí phương pháp điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nghiêm túc hợp tác và thực hiện đúng theo hướng dẫn về sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, phản hồi, trao đổi kịp thời với bác sĩ về hiệu quả điều trị, cũng như các biến chứng, tác dụng phụ đang xảy ra để bác sĩ điều chỉnh thuốc hoặc có các phương thức chữa trị phù hợp tiếp theo. Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc hoặc tìm kiếm phương án điều trị khác.

Trong hành trình chăm sóc sức khỏe, bác sĩ là người chỉ đường nhưng chính người bệnh quyết định bước đi. Sức khỏe không chỉ nằm ở toa thuốc mà còn ở thái độ sống chủ động, tỉnh táo và trách nhiệm. Hãy chọn làm người bệnh hiểu biết, để bảo vệ bản thân hôm nay và vun đắp cho một cộng đồng khỏe mạnh ngày mai.

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI