Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phim Việt có triệt tiêu sáng tạo?

12/05/2025 - 07:47

PNO - Xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Các nhà làm phim Việt cũng bắt đầu ứng dụng chúng trong tác phẩm của mình, kèm theo đó là những băn khoăn về việc liệu AI có triệt tiêu tính sáng tạo trong nghệ thuật?

Trải nghiệm khác biệt

Bộ phim truyền hình Nắng khuya (VTV9) gây ngạc nhiên cho khán giả khi có đến 6 ca khúc nhạc phim. Đây là số lượng bài hát nhiều “không tưởng” đối với một bộ phim truyền hình vì việc đặt hàng sáng tác ca khúc vốn khá tốn kém trong khi chi phí sản xuất phim truyền hình có hạn.

Poster phim Kính vạn hoa được vẽ bởi AI - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Poster phim Kính vạn hoa được vẽ bởi AI - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Đạo diễn bộ phim là Nhâm Minh Hiền tiết lộ các ca khúc đó đều là sản phẩm của AI: “Tôi muốn thử nghiệm và thử đo lường phản ứng người xem. Bài hát Yêu anh, Nắng khuya đang làm khán giả rất tò mò và muốn tìm trên mạng nhưng chưa tìm ra. Lý do đây là sáng tác của AI, nhà sản xuất chưa công bố nhưng đã đăng ký bản quyền. Gino Tống - diễn viên trong phim - viết lời bài hát còn giai điệu, âm hưởng do AI tạo ra. AI giúp cho ra cả trăm giai điệu trong khi bình thường, sáng tác 1 bài cũng phải mất nhiều ngày. Nhờ vậy mà tiết kiệm thời gian và giá thành”.

Ở mảng điện ảnh, nhạc phim Quỷ nhập tràng cũng là sản phẩm của AI. Theo nhà sản xuất Nhất Trung, toàn bộ ca khúc và giọng hát của bài nhạc chủ đề Hoang tưởng đêm khuya đều do AI thực hiện. Xác nhận của “người trong cuộc” không gây bất ngờ vì lúc nghe bài hát kết, nhiều khán giả đã ngờ ngợ đây là sản phẩm của AI vì ca từ thiếu chiều sâu, bố cục rời rạc, giọng hát không có điểm nhấn.

Ở phim Kính vạn hoa, ngay khi tấm poster đầu tiên trình làng, nhiều người đã nhận ra là hình ảnh được vẽ bởi AI. Khuôn mặt, dáng hình các nhân vật thiếu tự nhiên; bàn tay nhân vật biến dạng mờ nhòe… Đây là điểm yếu của các công cụ tạo ảnh bằng AI.

Một ứng dụng khác của AI là hỗ trợ cảm xúc cho diễn viên và cảnh quay. Trong loạt phim Khu rừng kỳ diệu với dàn diễn viên là thú cưng, đạo diễn Đỗ Nam sử dụng AI để tìm ra cách thể hiện cảm xúc cho các diễn viên đặc biệt như khóc, cười, nói, nháy mắt... Phim hoạt hình Trạng Quỳnh thời nhí nhố đang phát trên các nền tảng mạng đã dùng ChatGPT trong quá trình tổng hợp dữ liệu và nhu cầu khách hàng để sáng tạo ý tưởng, đưa ra tình huống. Phim ngắn Chạm của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương được tạo ra hoàn toàn bởi AI từ khâu lên ý tưởng ban đầu cho đến những thước phim cuối cùng. AI đang len lỏi vào một số sản phẩm phim ảnh trong nước. Dù chưa gây ra tranh cãi lớn nhưng bấy nhiêu cũng đủ khiến người trong nghề và cả khán giả băn khoăn về việc AI liệu có triệt tiêu sáng tạo của con người?

Nghệ thuật không lệ thuộc vào ai

AI đang cho thấy tương lai mới của việc sản xuất phim ảnh khi có thể tham gia vào các khâu trong quá trình làm phim, từ kịch bản, tổ chức sản xuất đến hậu kỳ. Với hoạt hình - thể loại phim chủ yếu sáng tác trên máy tính - AI càng hữu ích.

Phim Chạm
Phim Chạm được tạo ra hoàn toàn bởi AI

Họa sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Lâm Tùng - Giám đốc điều hành Alpha Animation Studio AI, sắp trình làng phim hoạt hình Trạng Quỳnh nhí - Truyền thuyết Kim Ngưu - cho biết: “AI hỗ trợ rất tốt trong nhiều khâu tiền kỳ như tổng hợp dữ kiện nhanh, hỗ trợ phát triển concept hình ảnh, storyboard (bảng phân cảnh) sơ bộ, thử tạo hình nhân vật, dựng background 2D, hỗ trợ chuyển động cơ bản, tạo nhạc nền thử nghiệm hoặc gợi ý phối âm. AI giúp hình dung nhanh hơn các thế giới giả tưởng, thử nghiệm đa dạng hơn các góc nhìn hình ảnh, tiết kiệm thời gian cho những khâu lặp lại. Từ đó, nghệ sĩ có thêm dư địa và năng lượng để đầu tư vào những phần cốt lõi nhất như cảm xúc, tính cách nhân vật, thông điệp nhân văn. Tôi có ứng dụng AI trong quá trình làm phim nhưng rất hạn chế, chủ yếu ở những giai đoạn đầu khi xây dựng câu chuyện, tổng hợp thông tin và đẩy nhanh quá trình lên ý tưởng để phù hợp tiến độ sản xuất. AI chưa thể và khó thay thế tư duy sáng tạo mang tính độc bản của con người - đặc biệt là với đạo diễn, biên kịch hay họa sĩ chính. Một bộ phim không chỉ là hình ảnh chuyển động mà còn là quan điểm sáng tạo, cái nhìn riêng biệt của người kể chuyện. AI chưa thể tự “cảm” và “kể” được như con người”.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng nhận định: “AI không thay thế được con người, nhất là lĩnh vực diễn xuất và đạo diễn. Với các thành phần khác như quay phim, thực hiện ánh sáng, thiết kế, đạo cụ, hóa trang, AI cũng không thể thay thế. AI chỉ là công cụ tổng hợp trí tuệ của con người, giúp con người lập kế hoạch, triển khai hoặc sáng tạo thêm những ý tưởng đã có. Con người đào tạo AI để phục vụ tốt hơn cho công việc, kích thích suy nghĩ được tốt hơn chứ không có nghĩa AI làm hết. Chúng ta kích hoạt AI để phục vụ ý tưởng của mình và AI triển khai những phương án, tình huống, cú twist cho chúng ta lựa chọn. Người dùng AI phải có trình độ trong lĩnh vực đó. AI chỉ là một công cụ để sáng tạo của người làm nghệ thuật được thăng hoa hơn, chi tiết hơn, tiết kiệm thời gian hơn”.

Từ các nhận định trên, có thể thấy là không cần quá lo lắng bởi những gì AI thực hiện xuất phát từ tư duy, mệnh lệnh của con người. Dù vậy, người làm phim vẫn nên cân nhắc, cân đối “liều lượng”, nhất là với phim điện ảnh, để đảm bảo tính nghệ thuật cũng như các tiêu chí khắt khe của dòng phim này.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI