Hơn 1 nửa dân số Hàn Quốc sống trong sự "oán giận cuộc đời" dai dẳng

08/05/2025 - 18:04

PNO - Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn một nửa người dân Hàn Quốc đang trong tình trạng bất bình kéo dài, với gần 70% số người được hỏi trả lời rằng họ tin rằng thế giới này không công bằng.

Nhận thức về sự công bằng nhìn chung là tiêu cực trong cuộc khảo sát do Đại học Quốc gia Seoul thực hiện, với 69,5 phần trăm số người được hỏi không đồng ý với tuyên bố thế giới về cơ bản là công bằng. ẢNH: EPA-EFE
Nhìn chung người Hàn Quốc nhận thức về sự công bằng xã hội rất tiêu cực - Ảnh: EPA-EFE

Theo một cuộc khảo sát do trường Đại học Quốc gia Seoul (SNU) thực hiện cho thấy, 54,9% số người được hỏi cho biết đang trong trạng thái oán giận dai dẳng, trong đó 12,8% cho biết ở mức độ nghiêm trọng.

Trong số các nhóm tuổi, tỷ lệ cao nhất những người trải qua sự oán giận nghiêm trọng, kéo dài là những người ở độ tuổi 30 với 17,4%, trong khi tỷ lệ thấp nhất là những người từ 60 tuổi trở lên với 9,5%.

Những người tự nhận mình thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn là có mức độ phẫn nộ nghiêm trọng cao nhất là 16,5%.

Nhưng ngay cả trong tầng lớp thượng lưu, 15% báo cáo cảm thấy phẫn nộ cao. Những người ở tầng lớp trung lưu có tỷ lệ tương đối thấp hơn là 9,2%.

Nhận thức về sự công bằng trong cuộc khảo sát nhìn chung là tiêu cực, với 69,5% số người phản đối quan điểm "thế giới này công bằng".

Theo nhóm nghiên cứu, mức độ oán giận với niềm tin rằng thế giới này không công bằng. "Mức độ tin tưởng xã hội công bằng càng thấp thì mức độ oán giận càng cao"- các nhà nghiên cứu cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng các vấn đề gây ra cảm giác phẫn nộ nhiều nhất là tham nhũng, hành vi phi đạo đức của các chính trị gia, đảng phái chính trị và các thảm họa do giám sát an toàn kém.

Gần một nửa số người được hỏi (47,1% ) cho biết họ đã trải qua căng thẳng nghiêm trọng trong năm qua ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Những nguồn cơn gây nên căng thẳng chính là những khó khăn về sức khỏe cá nhân hoặc gia đình, sự thay đổi trong các mối quan hệ xã hội và những thay đổi trong bối cảnh chính trị.

Tiến sĩ Lee Yoon-kyoung, một nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu của SNU, cho biết: "Những phát hiện như vậy cho thấy sức khỏe tâm thần của người Hàn Quốc đang gặp vấn đề và xã hội Hàn Quốc cần phải coi trọng vấn đề sức khỏe tâm thần hơn. Cần có những cải thiện thực tế và thiết thực hơn trong các chương trình phòng ngừa và quản lý sức khỏe tâm thần".

Thảo Nguyễn (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI