Trong khi đó, điểm chuẩn của ngành này tại nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chỉ ở mức vừa phải, song lại ít được thí sinh chú ý. Sự lệch pha giữa nhu cầu thực tế và xu hướng chọn ngành đang khiến cơ hội việc làm rộng mở này bị bỏ lỡ.
Cầu luôn cao hơn cung
Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh thực phẩm đang ngày càng mở rộng, với nhiều vị trí từ vận hành kỹ thuật, nghiên cứu phát triển (R&D), cho đến giám sát chất lượng, kinh doanh và xuất khẩu.
 |
Giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại phòng thí nghiệm Trung tâm Khoa học và Công nghệ thực phẩm |
Tại TPHCM, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhất Lâm đang tuyển nhân viên R&D ngành thịt với mức lương đến 16 triệu đồng/tháng, ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm thực tế trong chế biến xúc xích, đồ viên, xốt... Tại tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH Nước giải khát và Bao bì thực phẩm Vinaken cần nhân viên vận hành công nghệ nấu, lên men với mức lương từ 13-15 triệu đồng/tháng, yêu cầu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành công nghệ thực phẩm hoặc tương đương.
Ở mảng sản xuất thực phẩm công nghiệp, Công ty TNHH Bel Việt Nam tại Bình Dương tuyển nhân viên vận hành dây chuyền sản xuất phô mai, yêu cầu trình độ trung cấp hoặc CĐ, phù hợp với sinh viên mới ra trường. Công ty Esuhai Technology (TPHCM) sẵn sàng tuyển dụng kỹ sư thực phẩm chưa có kinh nghiệm làm việc tại Nhật với mức lương khởi điểm khoảng 40-43 triệu đồng/tháng…
Với nhóm ngành thực phẩm chức năng và đồ uống truyền thống, Hợp tác xã An Sinh tại Hà Nội tìm kiếm kỹ sư công nghệ thực phẩm chuyên sản xuất trà và cà phê bột, yêu cầu hiểu biết về thiết bị, kỹ thuật phối trộn và kiểm soát chất lượng nguyên liệu. Còn Công ty OKAI ở Hưng Yên tuyển kỹ sư nghiên cứu quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm, mức lương dao động từ 8-20 triệu đồng/tháng…
Nhiều công ty thực phẩm và đồ uống, nhà hàng, khách sạn, chuỗi quán cà phê cũng đang tìm kiếm người có kiến thức về bảo quản, thiết kế thực đơn, tính toán dinh dưỡng - những công việc mới, có xu hướng phát triển mạnh sau dịch COVID-19. Đặc biệt, trong các vùng chuyên canh nông sản như Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Tháp, Bến Tre..., phong trào khởi nghiệp chế biến đang tạo ra làn sóng mới về tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thực phẩm.
Theo báo cáo của Cục Thống kê về nhu cầu nhân lực, dự tính đến năm 2030, công nghệ thực phẩm là 1 trong 9 nhóm ngành cần bổ sung nhân lực. Hằng năm, TPHCM cần có thêm 10.800 nhân sự ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm... Vì thế, nhân lực trình độ cao vẫn luôn được các công ty, nhà máy, viện nghiên cứu, trường học... tìm kiếm và chào đón.
Đầu tháng 3/2025, khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, ngành nghề thực phẩm, đồ uống chỉ có hơn 400 người tìm việc, trong khi nhu cầu cần hơn 1.200 người.
Ngành học gắn với tiêu dùng hiện đại
Trong khi nhu cầu nhân lực tăng cao, điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thực phẩm tại nhiều trường ĐH, CĐ lại khá “dễ thở”, tạo điều kiện tiếp cận cho nhiều học sinh, kể cả ở khu vực nông thôn.
Năm 2024, Trường ĐH Công Thương TPHCM lấy điểm chuẩn vào ngành công nghệ thực phẩm là 23; năm 2023 là 21; năm 2022 là 22,5. Trong khi đó, các trường: ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Văn Lang… có điểm chuẩn ngành này dao động từ 16-22 điểm qua các năm. Ở các trường lấy điểm cao hơn như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn cũng chỉ từ 23-24,6…
Năm 2025, chỉ tiêu ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là 143, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM 290, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM 163, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng 140. Chỉ tiêu ngành kỹ thuật thực phẩm của ĐH Bách khoa Hà Nội là 400. Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển 420 chỉ tiêu cho 2 ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ và kinh doanh thực phẩm…
Ở bậc CĐ, trung cấp, ngành công nghệ thực phẩm được rất nhiều trường đào tạo. Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường trung cấp Bách khoa TPHCM…, ngành này thường xuyên nằm trong nhóm ngành có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.
Công nghệ thực phẩm là một trong những ngành học mang tính ứng dụng cao, gắn với nhu cầu thiết yếu và xu hướng tiêu dùng hiện đại. Với sự phát triển của ngành thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt (người ăn kiêng, người tiểu đường, ăn chay…) như hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực đa dạng.
Theo thạc sĩ Huỳnh Thành Đạt - giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Văn Hiến - ngành công nghệ thực phẩm không đòi hỏi ở người học quá nhiều những tố chất đặc biệt. Chỉ cần là những người ham học hỏi, thích tìm hiểu, khám phá, kiên nhẫn, nắm bắt được tâm lý cũng như sở thích của người khác là đã có thể theo ngành học này.
Cơ hội nghề nghiệp đối với ngành học này rất rộng, với nhiều vị trí công việc tại các nhà máy sản xuất thực phẩm, trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan chứng nhận an toàn thực phẩm, chuyên viên tư vấn dinh dưỡng, hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản…
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú ý đến chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, chế độ ăn uống, công nghệ thực phẩm không chỉ là ngành giúp người học có việc làm ổn định mà còn mở “lối đi riêng” cho những ai đam mê đổi mới, phát triển sản phẩm.
Ngành mũi nhọn, tiềm năng phát triển rất lớn Công nghệ thực phẩm là một lĩnh vực đa ngành, kết hợp kiến thức hóa học, sinh học, vi sinh… để nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản và cải tiến thực phẩm. Các kỹ sư ngành này không chỉ đảm bảo sản phẩm an toàn, bổ dưỡng và hấp dẫn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghệ thực phẩm là một trong những ngành mũi nhọn có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, đóng góp hơn 20% doanh thu thuần từ sản xuất, kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống không ngừng tăng, nhiều tập đoàn nội địa quy mô lớn, có thương hiệu uy tín đã hình thành, với sự đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị và công nghệ hiện đại. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cũng thu hút hàng loạt thương hiệu thực phẩm, đồ uống nổi tiếng toàn cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, khiến nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này tăng mạnh. |
Ngọc Minh Tâm