Vì sao bệnh nhân tin vào “bác sĩ mạng”?

12/05/2025 - 06:25

PNO - Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - cho biết, viện đang điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú, 500 bệnh nhân nội trú, trong đó cũng có một số bệnh nhân đến điều trị các biến chứng do sử dụng “thần dược” được quảng cáo trên mạng xã hội.

Phóng viên: Theo bác sĩ, vì sao ngày càng có nhiều bệnh nhân tự ý ngưng điều trị theo phác đồ của bác sĩ thật để dùng thuốc của “bác sĩ mạng”?

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan: Người bệnh luôn mong muốn sớm khỏi bệnh, nghĩa là muốn thấy hiệu quả tức thì sau vài ngày uống thuốc. Tuy nhiên, không thể có “thuốc tiên” uống vào là khỏi bệnh ngay được mà cần có quá trình khám, kê đơn, theo dõi hiệu quả của thuốc.

Mạng xã hội phát triển rất nhanh. Bên cạnh những người có chuyên môn lên mạng tư vấn kiến thức y khoa chính thống, có không ít người sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có tư vấn bệnh, bán thuốc và thực phẩm chức năng. Nghe thổi phồng công dụng của thuốc hoặc thực phẩm chức năng, người bệnh như người đang đuối nước vớ được cọc.

Nhiều bệnh nhân nghe theo lời quảng cáo, tự ý ngưng điều trị ở viện và dùng sản phẩm mua từ mạng, lúc quay lại cầu cứu bác sĩ thật thì bệnh đã rất nặng, bị biến chứng, thậm chí có nguy cơ tử vong.

* Vì sao người bệnh lại dễ dàng tin vào lời quảng cáo trên mạng thay vì lời tư vấn của bác sĩ?

- Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến tâm lý, nhận thức, cách truyền thông y tế và cả mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, viêm gan, ung thư luôn hy vọng được sớm khỏi bệnh. Do đó, bác sĩ phải nói chính xác bệnh cảnh, phương án điều trị để người bệnh phối hợp, mới có hiệu quả. Có những bệnh không thể điều trị khỏi mà phải dùng thuốc suốt đời.

Một thực tế là bác sĩ thường không có thời gian nhiều để trò chuyện, giải thích cặn kẽ, lại hay dùng ngôn ngữ chuyên môn. Người bệnh chờ đợi lâu, vào khám trong vài phút, bác sĩ nói nhanh rồi kê toa. Bệnh nhân có thuốc nhưng về nhà vẫn không hiểu mình bị gì, vì sao phải uống thuốc. Trong khi đó, người quảng cáo trên mạng lại hứa hẹn “chữa khỏi hoàn toàn”, “không cần thuốc”, “không tác dụng phụ”. Phần lớn người dân không có kiến thức nền tảng về sức khỏe nên không phân biệt được thông tin khoa học với phi khoa học, chỉ thấy các triệu chứng mà người tư vấn đưa ra giống với triệu chứng của mình đang mắc phải và đọc thấy nhiều bình luận cho rằng mình đã áp dụng và khỏi bệnh nên tin theo.

* Một số người bệnh cho rằng thuốc tây có nhiều độc tính, thuốc nam, thuốc bắc lành tính. Bác sĩ nghĩ sao về ý kiến này?

- Trong một cây thuốc, có rất nhiều hoạt chất có lợi nhưng cũng có hại cho sức khỏe nếu không dùng đúng theo cơ địa của người bệnh. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ loại thảo dược nào, cũng cần có chứng cứ khoa học rõ ràng, không nên nghe thông tin chung chung rồi uống bất chấp.

Ví dụ, nhiều người nói lá đu đủ ức chế được tế bào ung thư, nhưng chất gì trong lá, cơ chế hoạt động và có tác dụng với loại tế bào ung thư nào? Những điều này giới khoa học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng bà con vẫn cứ truyền nhau rằng lá, hoa, thân của cây đu đủ điều trị được ung thư, thế là những người đang mang căn bệnh này có thể bỏ qua phương pháp điều trị khoa học, chỉ dùng đu đủ. Điều này sẽ rất nguy hiểm.

* Làm sao để khắc phục tình trạng tin lời “bác sĩ online” hơn bác sĩ bệnh viện?

- Nguyên lý điều trị của Viện Y Dược học dân tộc TPHCM là tôn trọng tất cả phương pháp mà bệnh nhân đang áp dụng. Nếu người bệnh đang trong quá trình điều trị bằng tây y thì dựa vào bệnh lý, thể trạng người bệnh, bác sĩ y học cổ truyền sẽ giảm từ từ liều thuốc tây. Nếu bỏ thuốc điều trị cũ ngay, bệnh nhân sẽ bị khoảng trống thuốc, tâm trạng dễ bất an.

Đặc thù của điều trị đông y là thời gian tiếp xúc bệnh nhân dài, bác sĩ có thể trò chuyện, tư vấn cho người bệnh trong khi châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, từ đó giải đáp bệnh cặn kẽ hơn, bệnh nhân khi đã hiểu căn bệnh mình đang mắc phải sẽ chủ động phối hợp điều trị.

Ngoài ra, bác sĩ cần được đào tạo về truyền thông cơ bản, sử dụng từ ngữ gần gũi, hiện đại, phù hợp với thời đại số để khi nói, người bệnh có thể nắm bắt thông tin ngay. Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý mạnh tay với những cá nhân, tổ chức quảng cáo sai sự thật, làm hại sức khỏe cộng đồng.

Người bệnh nên nhớ rằng sức khỏe của mình không phải chỗ để thử nghiệm. Đừng tin vào lời hứa không căn cứ. Bệnh mạn tính không thể được chữa khỏi bằng một loại lá, một viên thuốc “bí truyền”. Mạng xã hội là nơi để tìm thông tin tham khảo nhưng bác sĩ mới là người điều trị. Nếu còn nghi ngờ, hãy hỏi thêm bác sĩ khác, đừng vội bỏ thuốc dựa vào cảm tính bởi điều trị sai sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bản thân, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

An Khuê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI