10% người giàu nhất thế giới gây ra 2/3 tình trạng nóng lên toàn cầu

08/05/2025 - 13:35

PNO - Theo nghiên cứu mới công bố ngày 7/5, 10% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho 2/3 tình trạng nóng lên toàn cầu kể từ năm 1990.

Nhà máy lọc dầu thải khí carbon ô nhiễm ở thành phố Corpus Christi, bang Texas, Mỹ - Ảnh: Roschetzky/IStock
Nhà máy lọc dầu thải khí carbon ô nhiễm ở thành phố Corpus Christi, bang Texas, Mỹ - Ảnh: Roschetzky/IStock

Trong nghiên cứu đầu tiên nhằm định lượng tác động của khối tài sản tư nhân tập trung lên các sự kiện khí hậu cực đoan, các tác giả nhấn mạnh cách người giàu tiêu dùng và đầu tư đã làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng và hạn hán chết người.

"Chúng tôi liên kết dấu chân carbon của những cá nhân giàu nhất trực tiếp với các tác động khí hậu trong thế giới thực. Đó là sự thay đổi từ việc tính toán carbon sang trách nhiệm giải trình về khí hậu" - tác giả chính Sarah Schoengart, một nhà khoa học tại ETH Zurich, nói với hãng thông tấn AFP.

Ví dụ, 1% người giàu nhất đã ảnh hưởng gấp 26 lần so với mức trung bình toàn cầu vào các đợt nắng nóng kéo dài trong vòng một thế kỷ qua, và gấp 17 lần vào các đợt hạn hán ở Amazon.

Các phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Climate Change chỉ ra rằng lượng khí thải từ 10% người giàu nhất ở Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia vốn chiếm gần một nửa lượng ô nhiễm carbon toàn cầu – đã dẫn đến sự gia tăng gấp 2-3 lần nguy cơ xuất hiện nhiệt độ cực đoan.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng đã làm bề mặt trung bình của Trái đất nóng lên 1,30C, chủ yếu trong 30 năm qua.

Bà Schoengart và các đồng nghiệp đã kết hợp dữ liệu kinh tế và mô phỏng khí hậu để theo dõi lượng khí thải từ các nhóm thu nhập toàn cầu khác nhau, đồng thời đánh giá tác động đối với các loại thời tiết cực đoan cụ thể do khí hậu gây ra.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của khí thải gắn liền với đầu tư tài chính thay vì chỉ lối sống và tiêu dùng cá nhân.

Tác giả chính Carl-Friedrich Schleussner - người đứng đầu Nhóm nghiên cứu tác động khí hậu tích hợp tại Viện phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế gần Vienna (Áo) – nhận xét: "Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu không giải quyết được trách nhiệm quá lớn của những thành viên giàu có nhất trong xã hội, từ đó bỏ lỡ một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để giảm thiểu tác hại trong tương lai".

Ông lưu ý rằng chủ sở hữu vốn có thể phải chịu trách nhiệm về tác động của biến đổi khí hậu thông qua thuế lũy tiến đối với tài sản và các khoản đầu tư thâm dụng carbon.

Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng đánh thuế khí thải liên quan đến tài sản cho kết quả công bằng hơn so với thuế carbon rộng rãi, vốn có xu hướng gây gánh nặng cho những người có thu nhập thấp.

Các sáng kiến ​​gần đây nhằm tăng thuế đối với những người siêu giàu và các công ty đa quốc gia phần lớn đều bị đình trệ.

Năm 2024, Brazil - với tư cách là nước chủ nhà của G20 - đã thúc đẩy đánh thuế 2% đối với giá trị tài sản ròng của những cá nhân có tài sản trên 1 tỷ USD.

Mặc dù các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí "tham gia hợp tác để đảm bảo rằng những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao sẽ được đánh thuế hiệu quả", nhưng cho đến nay vẫn chưa có động thái tiếp theo nào.

Vào năm 2021, gần 140 quốc gia đã nhất trí về việc thực hiện thuế doanh nghiệp toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, với gần một nửa ủng hộ mức thuế tối thiểu là 15%, nhưng các cuộc đàm phán đó cũng đã bị đình trệ.

Theo tạp chí Forbes, gần 1/3 số tỷ phú trên thế giới đến từ Mỹ - nhiều hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ và Đức cộng lại.

Theo tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo Oxfam, 1% những người giàu nhất đã tích lũy được 42 nghìn tỷ USD tài sản mới trong thập kỷ qua. Báo cáo tiết lộ người giàu nhất có nhiều tài sản hơn 95% người nghèo nhất cộng lại.

Ngọc Hạ (theo Science Alert, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI