Nỗi "sợ con" của mẹ

11/05/2025 - 18:03

PNO - Trái tim của đàn bà dành cho con thiên thu ngàn kiếp không đổi thay. Nỗi “sợ con” không bao giờ mất đi.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngày của Mẹ, gọi cho mẹ, tôi nghe giọng mẹ thật nhỏ qua điện thoại, thì thào như tiếng gió, nhưng tôi vẫn nghe rõ từng tiếng: “Mẹ sợ các con lắm!”.

Suốt đêm, gọi giấc ngủ mãi không về, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh mẹ, dù là 30 năm trước, hay bây giờ, giọng nói vẫn luôn ngân ngân ngấn nước, khuôn mặt không hẳn buồn nhưng nặng trĩu. Đời đàn bà sinh ra con, có ai là không trĩu nặng?

Không phải lần đầu tiên mẹ trả lời như vậy, khi tôi hỏi mẹ có ăn uống điều độ không? Có còn mỗi ngày lôi vào lôi ra "lau chùi" mắng mỏ, chì chiết những lỗi lầm của ba trong quá khứ hay không? Mà chị em chúng tôi đã nghe thật nhiều lần mẹ nói rằng: “Mẹ sợ các con lắm!”

Mẹ kể. Mẹ phấp phỏng sợ hãi từ ngày biết trong bụng mình có một sinh linh. Mẹ không dám ghét ai vì người lớn nói rằng ghét ai con sẽ giống người đó. Không dám buồn, không dám khóc vì sợ con sinh ra sẽ không vui vẻ đáng yêu. Thèm cái gì cố ăn cho bằng được, sợ con sẽ thiếu chất, sẽ chảy nước miếng. Xem hình em bé tươi cười để con chào đời vui vẻ...

Nặng nhọc mang con 9 tháng 10 ngày, chịu cơn đau trở dạ: “Thấy ông trời xay bột!”. Cạn cùng sức lực mẹ cũng sợ không dám thiếp đi. Nhất định, 5 lần sinh con, là 5 lần phải tận tay sờ nắn cho được bàn tay bàn chân nhỏ xíu, nhất định phải nhìn thấy mắt mũi miệng tóc tai của con, thở phào nhận ra con tròn trịa khỏe mạnh mới có thể buông mình đi vào giấc ngủ.

Trong từng ấy tháng năm, con ăn lỏng, ăn đặc rồi ăn cơm, con lẫy, lật trườn bò, chập chững rồi biết đi có cái gì mẹ không sợ? Mẹ sợ con đói, sợ con no, sợ con té, sợ con bị trầy xước…

Mẹ đi làm ăn buôn bán để con ở nhà cho bà - mẹ sợ, mẹ lo. Rồi con lớn lên, có bạn bè, có người yêu, có những cuộc đi chơi; nhất là con đi học xa, rời hẳn tầm mắt mình, có đêm nào mẹ được một giấc ngủ yên?

Tôi từng không muốn giống mẹ. Tôi nghĩ nhất định mình phải là người đàn bà biết yêu bản thân, ưu tiên cho bản thân. Nhất định không làm người đàn bà cúi đầu nhẫn nhịn, hy sinh cam chịu, thế giới thu nhỏ lại chỉ có chồng, có con như mẹ.

Tôi đã sống khác mẹ, thế hệ chúng tôi sống khác thế hệ mẹ. Mãi cho đến khi có con, nuôi con, con cũng rời hẳn mình, tôi mới hiểu. Hóa ra, đàn bà có thể khác, có thể học nhiều hơn, có thể giỏi giang mạnh mẽ hơn, có thể sòng phẳng với đàn ông hơn… nhưng trái tim của họ dành cho con thì bất biến. Thiên thu ngàn kiếp không đổi thay. Nỗi “sợ con” không bao giờ mất đi.

Giờ đây, ba mẹ tôi ở một mình khi đã ngoài 70. Chúng tôi thay nhau gọi điện mỗi ngày. Mang chứng hen suyễn mãn tính, trời lạnh tôi biết mẹ sẽ ho, trời nóng tôi biết mẹ khó thở. Ba bệnh, tôi biết mẹ mất ngủ. Cháu bệnh tôi biết mẹ đứng ngồi phấp phỏng. Em tôi mất việc tôi biết mẹ không an lòng. Nhưng lần nào như lần ấy, mẹ vẫn trả lời mẹ khỏe lắm, mẹ không sao.

"Mẹ già rồi, thở được mấy hơi nữa mà lo. Ba già thì ba phải bệnh chứ, có ai già mà không bệnh đâu. Cháu bệnh thì ba mẹ nó lo chứ, mắc gì bà ngoại. Út mất việc này thì tìm việc khác, không thì ở nhà chồng nó nuôi, liên quan gì đến mẹ", mẹ hay nói một hồi như vậy.

Không hiểu sao nghe mẹ nói, trong đầu tôi lại thấy hình ảnh của bà cố tôi ngày trước. Bà ngồi một chỗ vì chân yếu, mỗi lần đi học, tôi chạy lên xin tiền. Đôi tay nhăn nheo run run trầy trật bà mở gói tiền được bọc trong chiếc khăn tay cũ, gói mấy lần giấy báo, nilon, bỏ trong túi áo, cài kim tây cẩn thận. Mẹ cũng như bà cố, đang run run gói ghém cất giấu tình thương của mình dành cho các con. Sợ không dám nói ra.

Ảnh minh họa
Mẹ run rẩy gói ghém cất giấu tình thương dành cho con - Ảnh minh họa

Tôi muốn hỏi mẹ, mẹ đã đi gần hết đời mình, yếu ớt như lá vàng, chuối chín, mẹ vẫn còn sợ các con phải lo lắng cho mẹ sao? Mẹ sợ các con bận lòng? Sợ các các con không an tâm về mẹ? Nước mắt cứ chảy xuôi, chảy dài. Rồi suốt một đời mẹ mãi “sợ” các con thế sao mẹ!

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI