Thảo nguyên Mông Cổ: Ngủ lều, cưỡi lạc đà, sống chậm

11/05/2025 - 12:05

PNO - Chẳng có cảnh báo trước nào. Một buổi sáng còn cà phê trong văn phòng máy lạnh, hôm sau đã thấy mình ngủ giữa đồng hoang, cưỡi lạc đà băng qua sa mạc Gobi như một gã du mục không biết ngày mai sẽ trôi về đâu. Nếu phải chọn một nơi để rũ bỏ mọi tàn tích đô thị trong tâm trí, tôi chọn Mông Cổ.

Đêm ngủ lều - ger, nghe gió rít, khói cay

Những lều tròn trên nền xanh của cỏ, cây và bầu trời. Ảnh: H.Đ
Những lều tròn, trắng lốp trên nền xanh của cỏ, cây và bầu trời - Ảnh: H.Đ

Mông Cổ mở ra trước mắt tôi bằng một màu xanh thẳm và rộng đến… không tưởng. Không phải kiểu xanh có cây rợp bóng, mà là màu xanh của thảo nguyên, xanh của trời - cùng trải dài từ chân trời đến tận nơi mắt không thể với tới. Tôi ngồi trong xe, lặng nhìn từng đàn cừu trắng lững thững băng qua đường, những đồi cỏ gợn sóng, bầu trời cao vời vợi, xanh thẳm, tưởng chừng chỉ cần giơ tay lên là có thể khẽ chạm vào.

Càng đi sâu vào thảo nguyên, tôi càng nhận ra: ở đây không có khái niệm “khoảng cách” như nơi đô thị. Mỗi điểm dừng cách nhau hàng trăm cây số, nhưng người dân sống thong dong như thể thời gian cũng co giãn theo nhịp thở của đất trời. Những con đường đất bụi mịt mù, bánh xe in vết ngoằn ngoèo xuyên qua đồng cỏ, nhưng chẳng ai vội vã.

Người ta sống cách nhau hàng trăm kilomet, mà chẳng ai thấy cô đơn. Vì bên họ luôn có gió, có lửa, và có những con vật trung thành hơn mọi lời hứa hẹn. Mông Cổ dường như dành cho những ai biết chờ đợi, chờ cái đẹp hiện ra từ những gì đơn sơ, bình dị nhất.

Chúng tôi đến một trại du mục vào xế chiều. Giữa đồng cỏ rộng mênh mông, những túp lều - ger tròn trắng muốt như những chiếc nấm lớn trên nền xanh mơn mởn. Chủ trại không nói nhiều, chỉ gật đầu, rót trà sữa nóng và đặt vài miếng bánh bơ khô trước mặt chúng tôi. Mộc mạc, nhưng ấm lòng.

Ger trong buổi chiều tà. Ảnh: H.Đ
Ger trong buổi chiều tà - Ảnh: H.Đ

Bên trong ger, không có thứ gì thừa: bếp củi ở giữa, vài tấm thảm, chiếc giường gỗ kê sát vách. Tôi cuộn tròn trong chiếc chăn dày, nghe mùi khói cay len vào mũi, đón tiếng gió rít xuyên qua khe lều mà lòng thấy nhẹ như vừa trút bỏ một balo đầy những… deadline.

Đêm xuống nhanh và lạnh như một cú đánh úp. Không điện thoại, không chuông báo, không gì khác ngoài tiếng gió u u và bầu trời đầy sao. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi ngủ như thể ngày mai không cần tỉnh dậy. Ở nơi này, tôi được sống chậm lại một cách tự nhiên, như hòa cùng nhịp thở của đất trời.

Cưỡi lạc đà, thấy lòng mình dịu lại

Lạc đà đón khách trên sa mạc Gobi. Ảnh: Đ.H
Lạc đà 2 bướu đón khách trên sa mạc Gobi - Ảnh: Đ.H

Sáng hôm sau, cưỡi lạc đà xuyên qua Gobi, thứ trải nghiệm mà sách du lịch gọi là “thú vị”. Thực tế đúng là “thú vị” thật - mông đau, mặt rát, tay đau vì nắm dây cương, cát bám vào tóc như thể vẽ lại dáng đi của sa mạc. Con lạc đà chẳng bận tâm đến cảm giác trải nghiệm của khách, nó vẫn đủng đỉnh, nhịp nhàng tiến bước, thong thả như thể nó biết rằng đã đến đây rồi thì chẳng có ai đang vội cả. Nhưng sau tất thảy, bạn sẽ hiểu đó là một phần của hành trình. Sự lắc lư của con lạc đà như thể nhịp tim đất. Nó không gấp, không hối, cũng chẳng vội vàng.

Người dẫn đường là dân du mục bản địa, kiệm lời, ánh mắt sâu và ấm, ẩn dưới hàng chân mày đen nhánh, mượt mà như nhung. Họ kể chuyện không bằng lời, mà bằng cách vuốt ve con vật, bằng cách nắm dây cương mà như đang nắm tay một người bạn tâm giao. Có khoảnh khắc tôi chỉ muốn ngừng lại, không phải để chụp ảnh, mà để lắng hình ảnh đó vào sâu hơn trong trí nhớ: một người, một con vật, một “mảnh cát”, và không gì khác.

Những chú lạc đà trên thảo nguyên mênh mông. Ảnh: Đ.H
Những chú lạc đà trên thảo nguyên mênh mông - Ảnh: Đ.H

Ăn như dân du mục, sống như gió trời

Tôi đã ăn những món không quen: thịt cừu nướng lửa than, sữa ngựa lên men (airag), bánh mì chiên giòn và cháo loãng nấu với chút mỡ dê. Khẩu vị có thể lạ lẫm, nhưng tôi ăn hết, không phải để no, mà để hiểu hơn về những con người sống trong khắc nghiệt mà không khô cằn. Trên gương mặt rám nắng của họ là sự bình thản, như thể họ đã thấy đủ gió, đủ lạnh, đủ sự đổi thay, và học được cách ở yên với mọi thứ.

Món ăn và cách ăn đậm chất du mục. Ảnh: Đ.H
Món ăn và cách ăn đậm chất du mục - Ảnh: Đ.H

Chúng tôi từng ăn tối dưới trời sao, bên bếp lửa dã chiến. Không đèn điện, không xe cộ, không tiếng ồn. Chỉ có vài câu chuyện nhỏ, vài ánh nhìn, vài cái gật đầu và tiếng cười nhẹ như hơi thở. Yên tĩnh tới độ tưởng như chỉ cần lắng tai là nghe được tiếng cát lăn qua dép. Lúc ấy tôi đã nghĩ: chắc phải rất lâu nữa mới lại có một bữa tối yên bình đến vậy - nếu không muốn nói là chẳng bao giờ.

Người Mông Cổ không cần nhiều. Họ chỉ cần một con ngựa, một cái lều, một bầu trời riêng. Trẻ con chạy băng băng như gió thổi và cưỡi ngựa đi học, cưỡi giỏi hơn hầu hết người lớn ở nơi khác. Chúng không dùng điện thoại, chân không dép. Đứa nào cũng rám nắng phong trần, mắt sáng rực như viên đá dưới lòng suối nắng.

Với tôi, chuyến đi Mông Cổ không phải là nghỉ dưỡng. Nó là một cú tách mình - rời khỏi thói quen, khỏi định vị, khỏi cả con người mà tôi luôn tưởng là “tôi” - đến đây, nơi không có gì để bám víu, trừ chính nhịp thở và cảm giác được sống.

Tuyệt đối... thiên nhiên ở Mông Cổ. Ảnh: ĐH
Tuyệt đối... thiên nhiên ở Mông Cổ - Ảnh: Đ.H

Nếu bạn cũng đang mệt, và nếu có thể, hãy thử rời khỏi mọi bản đồ GPS, đi qua những cánh đồng cỏ hun hút, ngủ một đêm không điện, trong lều, cưỡi một con lạc đà đau ê mông, ăn một bữa cháo loãng bên lửa đơn sơ. Khi đi, đừng mang theo kỳ vọng, chỉ cần rộng mở tâm trí để thấy.

Mông Cổ không chiều ai. Nhưng nó sẽ trao cho người lữ khách điều mà cả trăm thành phố không có: Một sự tự do, phóng khoáng nguyên bản, một cơn gió thổi xuyên qua lồng ngực, và một lần sống mà không cần phải giải thích bất cứ điều gì.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI