Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng: “Chữ của người H’mông được thêu thành váy...” (*)

11/05/2025 - 20:34

PNO - "Việt Nam - Ăn mặc thong dong" là tựa sách mới nhất của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, vừa được Chibooks và nhà xuất bản Lao Động phát hành.

Việt Nam – Ăn mặc thong dong là tác phẩm mới nhất của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, vừa được Chibooks cho ra mắt. Bản tiếng Hoa của cuốn sách này sẽ được phát hành tại Trung Quốc trong thời gian tới.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã viết nhiều sách về văn hóa Việt: Ngang dọc đường trà, Đi suốt đường vui, Sài Gòn có lá me bay, Vắt qua những ngàn mây (ấn bản tiếng Trung đã được phát hành tại Trung Quốc cuối năm 2024)Với cuốn sách lần này, anh viết về văn hóa trang phục.

Sách
Vẻ đẹp văn hóa, ký ức-lịch sử các dân tộc được kể từ trang phục

Việt Nam – Ăn mặc thong dong gồm 2 phần: Ký ức dân tộc trên hoa văn, trang phụcTrang sức, phụ kiện. Trong đó tác giả viết về thổ cẩm Chăm, tơ lụa Mã Châu, Vạn Phúc, lãnh Mỹ A…và đặc biệt dành nhiều trang viết cho trang phục các đồng bào dân tộc.

“Váy H’mông là biểu tượng văn hóa, người H’mông không có chữ, chữ được thêu thành váy. Trên tấm váy diễn tả trận chiến của người H’mông chống người Hán cướp đất. Trên thân váy có ba băng dải dọc là ba con sông người H’mông đã vượt qua trên đường thiên di đến phương Nam...” – tác giả chia sẻ trong lời mở đầu.

Những khám phá về vẻ đẹp văn hóa trên trang phục còn có câu chuyện người Dao thêu hình tổ tiên lên áo để nhắc nhở con cháu luôn nhớ và kính trọng tổ tiên của mình. Còn người Thái quan niệm “ở đời có ba thứ đẹp nhất, đó là: ánh nắng cài vào vách núi đá; cánh đồng to, đất tốt vòng quanh chân bản và cô gái khéo dệt vải, thêu khăn”…

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (phải) tại Trung Quốc vào cuối năm 2024, nhân dịp ra mắt ấn bản tiếng Trung cuốn du ký Vắt qua những ngàn mây
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (phải) tại Trung Quốc vào cuối năm 2024, nhân dịp ra mắt ấn bản tiếng Trung cuốn du ký "Vắt qua những ngàn mây" - Ảnh: Chibooks

“Phụ kiện, trang sức cũng vậy, ngoài chức năng thể hiện thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người còn là tín vật tình yêu, là chuyện tâm linh. Đối với người Êđê, chiếc vòng đồng là vật quan trọng kết nối với thần linh. Với người Lự, nếu nhà có người chết thì trong vòng một năm không được đeo hoa tai…” – trích Việt Nam – Ăn mặc thong dong.

Cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin giá trị về văn hóa ăn mặc của các dân tộc. Tác phẩm sắp ra mắt của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng - cũng đã được Chibooks ký hợp đồng phát hành bản tiếng Việt và tiếng Hoa - sẽ là Ngàn năm trà Việt.

Lam Giang

(*) Ghi chú: Theo truyền thuyết, người H'mông từng có chữ viết gọi là "Nam Man" - do người Hán gọi người H'mông là người Nam Man. Trong cuộc chiến với người Hán, người H'mông thua trận phải chạy về phía Nam, sách và chữ bị thất lạc. Vì thế, cho đến thế kỷ 20, dân tộc H'mông được coi là chưa có chữ viết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI