Mẹ chồng trả lương 15 triệu đồng nếu con dâu nghỉ việc

12/05/2025 - 06:00

PNO - Nga khát khao tự do, nhưng những ràng buộc vô hình và cả sự lệ thuộc tài chính nghiệt ngã níu chân cô.

15 năm Nga mắc kẹt trong cuộc hôn nhân ngột ngạt với người chồng vị kỷ, hẹp hòi là Đức. Khát khao tự do nhưng Nga liên tục bị giữ chân bởi những ràng buộc vô hình: chuẩn mực xã hội, tình mẫu tử và sự lệ thuộc tài chính nghiệt ngã. Đáng buồn hơn, ngay cả cha mẹ ruột cũng không ủng hộ cô trở về.

Đức, với vẻ ngoài bảnh bao, lịch lãm, lời lẽ nhã nhặn của một công tử con nhà giàu, đã từng khiến trái tim Nga, cô sinh viên văn khoa, rung động và sập bẫy ái tình. Cô ngỡ đó là mối tình đẹp nhất đời, tin rằng mình may mắn khi có được người đàn ông lý tưởng yêu thương, chở che. Ngày Nga tốt nghiệp cũng là ngày cô bước lên xe hoa, trong tiếng chúc tụng hân hoan của người thân, bạn bè.

Không khí bữa cơm gia đình ấm áp chỉ là sự hạnh phúc giả tạo (ảnh Freepik)
Không khí bữa cơm gia đình ấm áp chỉ là sự hạnh phúc giả tạo (ảnh minh họa: Freepik)

Nhưng ngay trong đêm tân hôn, Nga đã chưng hửng. Tiệc cưới kết thúc lúc chín giờ tối, thay vì cùng vợ về nhà, Đức thản nhiên đi "tăng 2" với bạn bè, bỏ mặc Nga bơ vơ.

Đêm tân hôn cô lẻ loi trong căn phòng riêng tại nhà bố mẹ chồng. Kỳ lạ thay, bố mẹ Đức dường như chẳng mấy bận tâm đến hành động của con trai, họ tắt đèn đi ngủ như không có chuyện gì.

Những cuộc gọi, tin nhắn của Nga cho chồng đều chìm trong im lặng. Mãi đến 5 giờ sáng, Đức mới say khướt trở về, gõ cửa phòng, nôn mửa khắp nơi rồi lăn ra ngủ. Khi tỉnh táo, trước sự chất vấn của vợ, Đức chỉ hời hợt xin lỗi, không hề tỏ ra ăn năn.

Một lần khác, trong bữa cơm tối, trước mặt cả bố mẹ chồng, điện thoại Đức đổ chuông và anh vô tình nhấn trượt vào nút bật loa ngoài. Giọng một cô gái lạ vang lên: "Anh à, bây giờ đi ăn tối không nè!".

Nga sững sờ, không kiềm chế được đã hỏi Đức về người gọi. Anh vội vàng tắt máy, giải thích qua loa rằng bạn bè trêu chọc vì biết anh mới cưới vợ.

Thậm chí, sau khi kết hôn, bạn gái cũ của Đức vẫn thường xuyên lui tới nhà, thăm hỏi bố mẹ chồng Nga, tặng quà và dùng bữa tối cùng gia đình. Sự khó chịu của Nga bị mẹ chồng quy là "kém cỏi", "không xứng tầm" làm vợ con trai bà.

Bà nói rằng bạn của Đức chỉ đến thăm hỏi người lớn, không có gì khuất tất, việc Nga ghen tuông là sai trái. Nga chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng, cô hiểu rõ mình đơn độc trong gia đình này. Đức là một công tử đào hoa, còn bố mẹ anh ta thì bao che, dung túng cho những hành vi thiếu trách nhiệm của con trai, không hề tôn trọng con dâu.

Ý định ly hôn nhen nhóm trong lòng Nga từ đó. Nhưng Đức và mẹ chồng dường như đã đoán được điều này, họ tìm cách níu kéo, khống chế. Mẹ chồng ngăn cản Nga làm việc tại nhà xuất bản với lý do lương thấp, hứa sẽ "trả lương" cao hơn nếu cô nghỉ. Chỉ đến khi bố Nga can thiệp, gia đình chồng mới miễn cưỡng để cô đi làm.

Nga tích cóp được chút tiền thì mang thai. Đức khuyên cô thoải mái mua sắm cho con, hứa bù lại nhưng rồi phủi bỏ trách nhiệm với lý do "con em thì em tự lo". Gia đình chồng giàu có vẫn kiểm soát chi tiêu của Nga, khiến tiền lương của cô không đủ để dành dụm cho kế hoạch trốn thoát.

Người phụ nữ khát khao tự do, khát khao được khóc khi buồn, được cười khi vui và khi không được đối xử tôn trọng thì có quyền từ chối. Thế nhưng hết lần này tới lần khác, chuẩn mực đạo đức, tình mẫu tử, sự lệ thuộc tài chính cứ mãi níu chân cô (ảnh Freepik)
Người phụ nữ khát khao tự do, khát khao được khóc khi buồn, được cười khi vui (ảnh minh họa: Freepik)

Bé Bi lớn lên trong sự giả tạo, trách mẹ lạnh lùng theo lời Đức và bà nội. Họ gieo vào đầu con trai rằng mẹ cáu gắt vì đi làm vất vả. Nga nhẫn nhịn vì con, âm thầm tích cóp nhưng tiền dành dụm lại phải chi tiêu cho con, giấc mơ tự do ngày càng xa vời.

Giờ đây, khi con trai đã lớn, cậu bé lại tỏ ra coi thường công việc của mẹ. Thậm chí, Bi còn nói: "Con thấy công việc của mẹ vô nghĩa lắm, đi làm cũng chỉ đủ mua quần áo với giày cho con thôi mà mẹ cứ cố chấp làm gì. Mẹ nghỉ ở nhà đi, bà nội bảo mỗi tháng sẽ cho mẹ 15 triệu, còn nhiều hơn lương mẹ nữa".

Nghe con nói, nước mắt Nga trào ra. Cô hiểu rằng, dù có đủ tiền để bước đi trên con đường tự do, thì hành trình ấy cũng chỉ có một mình cô. Con trai cô đã chọn ở lại, cậu bé sẽ không bao giờ hiểu được nỗi khổ của mẹ, thậm chí còn oán hận nếu cô cố tình mang nó đi khỏi cuộc sống sung túc mà nhà nội chu cấp.

Nga đau đớn tột cùng, cô tự nhủ: "Mẹ không thể bỏ công việc này, đó là hy vọng sống duy nhất của mẹ. Mẹ mơ về một tương lai tự do, không bị sở hữu, được sống thật với cảm xúc và được tôn trọng”.

Hoàng Cầm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI