Doanh nghiệp gấp rút hoàn thành đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ

11/05/2025 - 06:06

PNO - Nhiều doanh nghiệp đang tăng công suất để kịp giao hàng cho các đối tác ở Mỹ trước ngày 10/7 - thời điểm mà Chính phủ Mỹ xem xét lại chính sách thuế đối ứng áp lên hàng nhập khẩu vào nước này.

Đối tác Mỹ hối thúc giao hàng, ép giá

Hiện tại, công nhân các nhà máy chế biến hạt điều của Tập đoàn Long Sơn đang hối hả sản xuất để kịp hoàn thành, giao các đơn hàng cho đối tác ở Mỹ trước khi hết hạn tạm hoãn áp thuế đối ứng 46%.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch tập đoàn - cho biết, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tạm dừng áp thuế đối ứng với hàng hóa nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đơn hàng của công ty đi Mỹ vẫn chậm và vẫn phải chịu mức thuế 10%. Ông nói: “Nhiều đối tác ở Mỹ muốn Long Sơn chịu một nửa thuế, tức là 5%, nhưng do lợi nhuận không nhiều nên chúng tôi chỉ chấp nhận mức 3%. Từ nay đến hết tháng 6/2025, Long Sơn còn giao khoảng 20 container điều cho đối tác ở Mỹ. Sau đó, nếu đối tác còn đặt hàng, chúng tôi sẽ tính tiếp”.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Intimex - cho hay, các nhà nhập khẩu Mỹ đang hối thúc tập đoàn giao hàng trước tháng 7/2025 và Intimex đang làm hết công suất cho kịp tiến độ: “Chúng tôi chỉ thực hiện các đơn hàng đến hết tháng 6/2025 và chưa có thêm đơn hàng mới. Thị trường đang không mấy khả quan bởi doanh nghiệp (DN) 2 nước đều đang trông chờ vào kết quả đàm phán ở cấp chính phủ”.

Ông nói thêm, mỗi năm, doanh thu xuất khẩu vào Mỹ của Intimex khoảng 100 triệu USD. Với tiến độ như hiện nay, nếu không phát sinh đơn hàng mới, nhiều khả năng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ năm nay của tập đoàn chỉ bằng phân nửa năm ngoái. Để bù đắp phần sụt giảm này, tập đoàn đang tìm kiếm thêm những thị trường khác như châu Âu, Trung Đông và các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Việt Nam.

Công nhân Tập đoàn Long Sơn tăng ca để kịp  giao hàng cho đối tác Mỹ đúng tiến độ - ẢNH: MAI CA
Công nhân Tập đoàn Long Sơn tăng ca để kịp giao hàng cho đối tác Mỹ đúng tiến độ - ẢNH: MAI CA

Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) - cho biết, sau khi Tổng thống Mỹ dọa áp thuế đối ứng 46% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam, công ty chưa ghi nhận đơn hàng mới, còn những đơn hàng đang có chỉ kéo dài đến tháng 6/2025. Các đối tác đang hối thúc hoàn tất các đơn hàng cũ trong thời gian ngắn nhất nên công ty phải tăng ca liên tục, làm phát sinh chi phí.

Theo ông, trước đây, các đối tác đã ép giá, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của công ty. Việc Chính phủ Mỹ dọa áp thuế đối ứng càng khiến tình trạng ép giá phổ biến và nặng nề hơn. Viet Products đang chờ đợi những động thái tiếp theo từ thị trường Mỹ. Đơn hàng ở châu Âu và Úc cũng ở trạng thái cầm chừng, chủ yếu kéo dài đến khoảng tháng 7/2025.

Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony - cho biết, các đơn hàng mà công ty đã ký với đối tác Mỹ chỉ kéo dài đến tháng 7/2025. Các đơn hàng tiếp theo chưa có là do các đối tác chờ chính sách thuế mới sau ngày 10/7/2025. Đây là tình trạng chung của ngành dệt may, ngành gỗ và nhiều ngành khác.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 4,5 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm hơn 1,7 tỉ USD. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký hiệp hội - cho biết, phần lớn đơn hàng mà các DN đang thực hiện là đơn hàng đã ký kết từ trước khi Chính phủ Mỹ công bố chính sách thuế mới. Do vậy, các DN đang chạy nước rút để hoàn thành đơn hàng.

Chờ xem diễn biến mới

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thủy sản Nghi Sơn - cho biết, trong thời gian chờ cấp chính phủ đàm phán chính sách, chỉ một số ít đối tác thân thiết vẫn tiếp tục đặt hàng, còn lại tạm dừng để “nghe ngóng”. Họ muốn đợi đến khi có thông báo chính thức từ chính phủ hoặc cơ quan thương mại nước sở tại mới quyết định. Điều này khiến Nghi Sơn chịu áp lực lớn dù chưa phải cắt giảm công nhân hay thu hẹp quy mô sản xuất.

“Chúng tôi vẫn đang cố giữ ổn định các hoạt động, nhưng nếu đơn hàng tiếp tục sụt giảm, khả năng điều chỉnh sản xuất trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Trước đây, hầu hết hàng hóa của chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế suất 0%. Tới đây, chỉ cần bị áp mức thuế 10%, chúng tôi vẫn sẽ gặp khó khăn lớn”.

Ông Nguyễn Văn Minh

Theo ông Phạm Quang Anh, các DN đều mong muốn Chính phủ Việt Nam và Mỹ đàm phán thành công để lên các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Riêng ông vẫn lạc quan và tin tưởng vào Chính phủ trong việc đàm phán và hỗ trợ DN. Những chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Dược phẩm Mebipha - cho rằng, việc mở rộng thị trường là thách thức không nhỏ trong bối cảnh nhiều nước cũng chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường Mỹ. Theo bà, Mỹ vẫn là thị trường lớn, nhưng sự cạnh tranh khốc liệt có thể làm giảm lợi nhuận. Do đó, việc đàm phán để đạt được lợi ích hài hòa là giải pháp tối ưu bên cạnh việc các DN cần chủ động đa dạng hóa thị trường.

Để thích ứng với tình hình mới, Mebipha đang chuyển hướng từ cung ứng nguyên liệu cho ngành tôm, cá tra sang cung ứng cho các DN nuôi cá rô phi xuất khẩu sang Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Bà Lâm Thúy Ái cho rằng, nếu tận dụng hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, DN Việt có thể xuất khẩu sang các thị trường mới như Campuchia, Algeria hay Trung Đông. Bà nói: “DN Việt cần một chiến lược dài hạn và đồng bộ từ Chính phủ chứ không chỉ là các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn như giảm thuế. Cần có các giải pháp cân đối lợi ích giữa các bên liên quan và tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam có thể cung ứng sản phẩm ổn định, lâu dài, mở rộng thị trường một cách bền vững”.

Trong các ngành hàng, rau quả là ngành hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến trong những tháng qua. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) - cho biết, trong quý I/2025, đối tác Mỹ bất ngờ tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 111,5 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, rau quả Việt Nam chỉ chiếm 5% thị phần ở Mỹ, nay tăng lên 9,6%. Dù vậy, đơn hàng sau tháng Bảy của các DN trong ngành vẫn khá mù mịt do tâm lý chờ đợi kết quả đàm phàn từ chính phủ 2 nước.

Có mặt hàng gặp khó, cũng có mặt hàng gặp thời

Mebipha là công ty chuyên sản xuất, cung ứng thuốc cho ngành nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty - cho hay, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh do đối tác gần như dừng toàn bộ đơn hàng xuất khẩu hoặc sản xuất cầm chừng. Mebipha đang phải cắt giảm ca sản xuất khiến thu nhập của công nhân giảm theo. Theo bà, sự phụ thuộc vào thị trường duy nhất đã cho thấy rủi ro. Các đối tác nhập khẩu ở Mỹ đang tỏ ra thận trọng, thậm chí tạm ngưng nhận hàng, gây ứ đọng vốn cho nhiều DN.

Trong khi đó, sản phẩm của Công ty cổ phần Kềm Nghĩa đang bán chạy ở Mỹ. Ông Trần Minh Tú - Tổng giám đốc công ty - cho biết, chi nhánh ở Mỹ của công ty đang đóng góp khoảng 10% vào tổng doanh thu. Việc hàng hóa Trung Quốc tăng giá do bị đánh thuế cao ở Mỹ đã khiến nhiều đại lý, cửa hàng làm nail chuyển sang mua sản phẩm của Kềm Nghĩa, giúp doanh thu của chi nhánh Kềm Nghĩa ở Mỹ tăng trưởng tốt. Ông nhận định, đây là cơ hội để một số DN Việt Nam mở rộng thị phần ở Mỹ. Kềm Nghĩa cũng đang bị đối tác thúc hoàn thành đơn hàng sớm nhưng nhờ có sẵn lượng hàng dự trữ để xuất khẩu sang 60 nước nên có thể điều tiết hàng, đáp ứng được nhu cầu trước mắt ở thị trường Mỹ, sau đó sản xuất bù vào cho các thị trường khác.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI