Lấp khoảng trống về nhân lực cho nghệ thuật truyền thống

Bài 1: Khủng hoảng nhân sự và “vùng trắng” đào tạo

12/05/2025 - 07:07

PNO - Từ nhiều năm nay, các nhà hát lớn như nhà hát tuồng Việt Nam, nhà hát hát bội TPHCM không thể tuyển được diễn viên trẻ. Tại TPHCM - cái nôi của nghệ thuật cải lương - lớp nghệ sĩ được coi là trẻ của nhà hát Trần Hữu Trang hiện nay phần lớn cũng đã ở độ tuổi U40 - U50.

Công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Vì vậy, bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, đang trở nên cấp thiết. Hệ thống đào tạo hiện nay không chỉ thiếu hụt về số lượng mà còn lúng túng về cơ chế, chưa có các chính sách đặc thù để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng từ sớm.

Thống kê gần đây của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy những con số đáng lo ngại: diễn viên sân khấu truyền thống trong độ tuổi 20-25 chỉ chiếm chưa đến 6% tổng số diễn viên, trong khi độ tuổi 25-30 chiếm khoảng 42%.

Thực trạng hiện nay là ở các trường đào tạo nghệ thuật, nhiều ngành như tuồng, hát bội, cải lương không thể mở lớp do thiếu học viên. Ngay cả ở những nơi tuyển đủ chỉ tiêu, không ít sinh viên chọn học như phương án thay thế sau khi trượt các ngành “hot” hơn như sân khấu điện ảnh. Một số em thậm chí được giảng viên thuyết phục theo học dù chưa có nền tảng về giọng ca - yếu tố cốt lõi để trở thành sinh viên khoa kịch hát dân tộc.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang có khoảng trống lớn về lực lượng kế thừa - ẢNH: THẢO VÂN
Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang có khoảng trống lớn về lực lượng kế thừa - ẢNH: THẢO VÂN

Công tác đào tạo đang bỏ quên “độ tuổi vàng”

Hầu hết những nghệ sĩ hoạt động lâu năm ở lĩnh vực sân khấu truyền thống đều chung quan điểm: đào tạo nghệ sĩ truyền thống không thể bắt đầu ở tuổi trưởng thành, khi giọng hát đã biến đổi, cơ thể không còn mềm dẻo. Các bộ môn như tuồng, hát bội, cải lương đòi hỏi sự rèn luyện bền bỉ về thanh nhạc, vũ đạo, biểu cảm và hình thể trong nhiều năm. Ở các quốc gia có nền nghệ thuật phát triển, việc đào tạo thường được bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi - giai đoạn vàng để hình thành tư duy thẩm mỹ và kỹ năng biểu diễn.

Thiếu cơ chế riêng cho ngành nghề đặc thù

Dự thảo nghị định quy định về đào tạo ngành nghề chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng từ năm 2021, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo sớm và dài hạn. Tuy nhiên, đến nay, nghị định này vẫn chưa được ban hành khiến các trường vẫn phải vận hành theo quy chế đào tạo chung, chưa có cơ chế riêng cho ngành nghề đặc thù.

Ở nhiều nước, nghệ sĩ trẻ đã bước lên sân khấu chuyên nghiệp ở độ tuổi 17-18. Vậy nhưng tại Việt Nam, ở độ tuổi này, các em mới chỉ bắt đầu tiếp cận những bài học đầu tiên. Thực tế, phần lớn các nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật truyền thống Việt Nam đều học nghề từ rất sớm: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lệ Thủy bắt đầu ca cổ lúc 10 tuổi, NSND Minh Vương vào đoàn hát năm 14 tuổi, NSND Thanh Ngoan về nhà hát chèo Việt Nam lúc 13 tuổi. Thế hệ tiếp theo như NSND Quế Trân, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tú Sương, NSƯT Trinh Trinh, Bình Tinh, Thanh Thảo… đều trưởng thành từ chiếc nôi nghệ thuật của gia đình, gia tộc và lên sân khấu khi mới 4-5 tuổi.

Hiện hệ thống đào tạo dường như đang bỏ trống “độ tuổi vàng” này. Ngành múa và âm nhạc vẫn tuyển sinh từ 9-10 tuổi với chương trình đào tạo kéo dài còn các ngành nghệ thuật truyền thống gần như vắng bóng học sinh nhỏ tuổi.

Ứng dụng mô hình đào tạo thể thao thành tích cao

Trái với định kiến rằng nghệ thuật truyền thống không còn sức hút, thực tế cho thấy các tài năng nhí vẫn xuất hiện đều đặn. Cuộc thi Tài tử miệt vườn của Đài Truyền hình Đồng Tháp nhiều năm qua thu hút không ít thí sinh ở độ tuổi từ 8-15 tham gia hát cải lương, đờn ca tài tử. Tại Thái Bình, cuộc thi Tài năng trẻ nghệ thuật chèo thường niên liên tục phát hiện những em nhỏ 7-8 tuổi có khả năng thể hiện xuất sắc làn điệu cổ. Ở Hà Nội, có những ca nương mới 20 tuổi nhưng đã theo đuổi nghệ thuật ca trù hơn 15 năm. Phần lớn các tài năng trên được truyền cảm hứng từ gia đình hoặc tìm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín để học nghề. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ thiếu nhân lực mà là thiếu chiến lược bài bản và dài hạn để phát hiện, tuyển chọn, nuôi dưỡng tài năng từ sớm.

Nhiều tài năng nhí của nghệ thuật truyền thống liên tục xuất hiện ở các cuộc thi, tuy nhiên việc tiếp tục bồi dưỡng, phát triển tài năng sau đó  vẫn đang  bỏ trống  - ẢNH: MẠNH HẢO­
Nhiều tài năng nhí của nghệ thuật truyền thống liên tục xuất hiện ở các cuộc thi, tuy nhiên việc tiếp tục bồi dưỡng, phát triển tài năng sau đó vẫn đang bỏ trống - ẢNH: MẠNH HẢO­

Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM - mô hình đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao hoàn toàn có thể áp dụng cho đào tạo nghệ sĩ truyền thống. Trong lĩnh vực thể thao, các địa phương chủ động phát hiện năng khiếu từ cấp tiểu học, có cơ chế hỗ trợ học văn hóa song song với đào tạo chuyên môn. Vận động viên còn được ưu đãi học phí, ký túc xá, chương trình đào tạo riêng và định hướng nghề nghiệp sau khi giải nghệ.

“Chỉ cần áp dụng mô hình tương tự thể thao thành tích cao, kết hợp giữa đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo và địa phương, việc phát hiện và đào tạo nghệ sĩ truyền thống từ tuổi thiếu nhi hoàn toàn khả thi”.

NSƯT Lê Nguyên Đạt

Nếu thể thao mang lại huy chương và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì nghệ thuật truyền thống cũng có khả năng định vị bản sắc quốc gia. Những nghệ sĩ tài năng không chỉ đưa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế qua các festival, sự kiện giao lưu nghệ thuật mà còn là “hạt nhân” tạo ra các sản phẩm văn hóa - sáng tạo có giá trị kinh tế. Từ nghệ sĩ cải lương lưu diễn quốc tế đến nghệ nhân hát bội góp mặt trong chiến dịch quảng bá du lịch… - tất cả đều tham gia xây dựng “sức mạnh mềm” quốc gia. Vì vậy, đầu tư đào tạo nghệ sĩ truyền thống không chỉ là gìn giữ di sản mà còn là nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa - ngành kinh tế được nhiều quốc gia xem là động lực tăng trưởng mới. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về trải nghiệm văn hóa, nếu không ươm mầm thế hệ kế thừa, Việt Nam có thể đánh mất vị thế ngay trên sân nhà.

NSƯT Ca Lê Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) - chia sẻ: “Chúng ta nói nhiều về gìn giữ bản sắc và phát triển công nghiệp văn hóa nhưng lại thiếu hành động cụ thể để tạo nguồn nhân lực kế thừa từ gốc”. Công nghiệp văn hóa được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy, đào tạo nhân lực cho nghệ thuật truyền thống không thể tiếp tục là “vùng trũng”. Không thể đợi “măng mọc khi tre đã già”, cũng không thể trông chờ vào sự phát triển tự thân của một số cá nhân yêu nghề. Đào tạo nghệ sĩ truyền thống không thể tiếp tục theo cách “ai đam mê thì tự tìm đến học” mà phải là chiến lược đầu tư chủ động.

Nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa đều có chung quan điểm: cần một chiến lược tổng thể trong xây dựng hệ sinh thái đào tạo - biểu diễn - sáng tạo - công chúng. Từ việc phát hiện tài năng, đầu tư bài bản vào đào tạo đến xây dựng thị trường biểu diễn và định hướng nghề nghiệp, mọi mắt xích cần được liên kết để giữ chân nghệ sĩ, nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi, trung tâm phát hiện tài năng trẻ, học bổng đặc thù, chương trình giáo dục nghệ thuật trong trường học… là những đề xuất thiết thực. Nhưng nếu không được thể chế hóa bằng chính sách cụ thể, việc “ươm mầm” nghệ sĩ truyền thống vẫn chỉ dừng lại ở mức sáng kiến.Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt. Đầu tư cho nghệ thuật truyền thống là đầu tư cho nguồn nhân lực sáng tạo - nền tảng quan trọng của một nền công nghiệp văn hóa phát triển, bền vững và mang bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.

Thảo Vân

Kỳ cuối: Không có nghệ sĩ, di sản chỉ là ký ức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI