Lottebox và Mega Cinema sáp nhập có vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc?

12/05/2025 - 09:17

PNO - Trong bối cảnh ngành điện ảnh Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, hai ông lớn của lĩnh vực rạp chiếu là Lotte Cinema và Megabox vừa ký biên bản ghi nhớ về việc sáp nhập. Động thái này làm dấy lên kỳ vọng về một cú hích giúp vực dậy thị trường vốn đang chật vật trước làn sóng phát trực tuyến và sự thiếu hụt các bom tấn điện ảnh.

Ngày 8/5, Lotte Group - đơn vị điều hành Lotte Cinema, cùng JoongAng Group - chủ quản của Megabox, thông báo đã đạt thỏa thuận sơ bộ nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh rạp chiếu phim. Liên doanh mới sẽ do hai công ty mẹ là Lotte Shopping và Contentree JoongAng đồng quản lý.

Khán giả xem phim tại một rạp phim của Megabox
Khán giả xem phim tại một rạp phim của Megabox

Nếu thương vụ này thành công, tổng số màn hình mà liên doanh sở hữu sẽ vượt qua CJ CGV – hãng đang dẫn đầu thị trường rạp chiếu Hàn Quốc. Theo số liệu của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), tính đến năm 2024, Lotte Cinema sở hữu 915 màn hình, Megabox có 767, trong khi CJ CGV đang nắm 1.346 màn hình.

Sáp nhập để sinh tồn

Đại diện Lotte cho biết, quyết định sáp nhập mang tính chiến lược, nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững trong bối cảnh ngành công nghiệp nội dung đang có nhiều biến động. Việc thiếu vắng các tác phẩm bom tấn, sản lượng phim giảm, khiến chuỗi rạp lâm vào vòng luẩn quẩn khi không đủ nội dung hấp dẫn để kéo khán giả quay lại rạp.

Phía JoongAng cũng khẳng định, mục tiêu chính của vụ sáp nhập là tạo nền tảng đầu tư ổn định vào phim nội địa, từ đó tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội dung.

Giới phân tích đánh giá, thương vụ có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt tài chính và mở ra hướng đi mới cho cả hai doanh nghiệp. Bà Lee Hwa-jung - nhà nghiên cứu tại NH Investment & Securities - nhận định: "Sau khi sáp nhập, họ sẽ trở thành nhà điều hành rạp chiếu số một tại Hàn Quốc về số lượng màn hình. Lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ cắt giảm các địa điểm chồng chéo và tối ưu hóa nhân sự".

Lee Hyun-ji - nhà nghiên cứu tại Eugene Investment & Securities, cũng cho rằng thương vụ sáp nhập sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mới. "Dưới một hệ thống quản lý chung, liên doanh sẽ vận hành 131 chi nhánh trên toàn quốc. Sự hợp lực có thể đến từ hiệu quả vận hành, đa dạng hóa nội dung và nâng cao trải nghiệm khán giả, đặc biệt tại các rạp chiếu phim chuyên biệt".

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Dù được kỳ vọng cao, vụ sáp nhập này vẫn đối mặt nhiều lo ngại. Một trong số đó là cấu trúc lãnh đạo không rõ ràng giữa hai bên, cũng như hiệu quả thực sự khi trở thành đơn vị có nhiều màn hình nhất trong một thị trường đã bão hòa về số lượng.

Một đại diện ngành phim Hàn Quốc thẳng thắn cho rằng, lợi thế cạnh tranh của các rạp đang dần mất vào tay các nền tảng phát trực tuyến. Giá vé cao, cộng với chất lượng sản xuất phim đi xuống do thiếu vốn đầu tư, khiến nhiều người nghi ngờ về sức mạnh cộng hưởng của thương vụ này.

Rạp chiếu phim Super Plex trong chuỗi rạp chiếu phim phức hợp Lotte Cultureworks Chi nhánh Lotte World Tower & Mall của Lotte Cinema tại Seoul. Ảnh: Lotte Cultureworks
Rạp chiếu phim Super Plex trong chuỗi rạp chiếu phim phức hợp Lotte Cultureworks, chi nhánh Lotte World Tower & Mall của Lotte Cinema tại Seoul. Ảnh: Lotte Cultureworks

Thực tế, năm ngoái đã chứng kiến sự thu hẹp quy mô của cả ba chuỗi rạp lớn: Lotte Cinema đóng cửa 10 rạp, Megabox đóng 6, CJ CGV đóng 4 chi nhánh.

Trong khi đó, các nền tảng phát trực tuyến không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng. Mới đây nhất, Coupang Play, nền tảng nội địa, tuyên bố sẽ cung cấp phần lớn nội dung, gồm cả phim gốc và chương trình quốc tế, miễn phí cho người dùng đăng ký gói có quảng cáo từ tháng 6 tới. Đây được xem là chiến lược mở rộng tệp khán giả để cạnh tranh với Netflix, Disney+ và các nền tảng toàn cầu khác.

Không chỉ lôi kéo người xem bằng giá cả, các nền tảng này còn nhanh chóng thích nghi với xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm, đưa ra nhiều lựa chọn nội dung theo thị hiếu từng người dùng, điều mà rạp chiếu truyền thống khó lòng đáp ứng.

Sự sáp nhập giữa hai ông lớn rạp chiếu có thể tạo ra một Lottebox hay Mega Cinema, thương hiệu mới có quy mô hàng đầu, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định họ có thể vực dậy một thị trường vốn đã mất đà.

Trong một kỷ nguyên mà khán giả quen dần với việc thưởng thức phim ngay tại nhà, ngành rạp chiếu đang phải đối mặt với câu hỏi sống còn: làm thế nào để khiến người xem chịu bỏ tiền và thời gian đến rạp? Sáp nhập có thể giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng quy mô, nhưng nếu thiếu những nội dung chất lượng và chiến lược đổi mới phù hợp, khán giả vẫn có thể lựa chọn chiếc màn hình nhỏ trong phòng khách thay vì ghế ngồi tại rạp.

Anh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI