Thái Lan giữ nguyên luật cấm phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên

27/01/2021 - 12:24

PNO - Các nhà lập pháp Thái Lan bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép phá thai dưới 12 tuần tuổi, đồng thời vẫn giữ tội hình sự đối với các trường hợp phá thai khác, một động thái mà các nhà hoạt động xã hội cho rằng không giúp bảo vệ quyền lợi của người mẹ.

Trong phiên họp đêm muộn của Thượng viện hôm 25/1, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi luật cấm phá thai với tỷ lệ 166-7, mở đường cho một kế hoạch nhằm chấm dứt nạn phá thai chui từ những người không có đủ chuyên môn y tế.

Người biểu tình tuần hành đến quốc hội để phản đối Điều 301 (Cấm phá thai - Luật hình sự) trong cuộc biểu tình ngày 23/12/2020.
Người biểu tình tuần hành đến quốc hội để phản đối Điều 301 (Cấm phá thai - Luật hình sự) trong cuộc biểu tình ngày 23/12/2020

Theo sửa đổi, việc phá thai sau 12 tuần chỉ được phép trong một số điều kiện nhất định. Thượng nghị sĩ Wanlop Tangkhananurak nói với Reuters: "Điều này nghĩa là phá thai có điều kiện và chỉ có thể được thực hiện bởi các bác sĩ theo luật". Việc sửa đổi đã được Hạ viện thông qua vào tuần trước.

Theo tiêu chí mới, việc chấm dứt thai kỳ sau 12 tuần sẽ được cho phép nếu bác sĩ được chứng nhận cho rằng có nguy cơ cao xảy ra suy thai, nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ hoặc nếu việc mang thai là kết quả của cưỡng hiếp, lừa dối hoặc cưỡng bức.

Mặc dù Tòa án Hiến pháp đã phán quyết vào tháng 2/2020 rằng hình sự hóa phá thai là vi hiến và vi phạm nhân quyền, dự luật mới không bác bỏ việc hình sự hóa phá thai.

Phụ nữ phá thai sau tuần thứ 12 của thai kỳ vẫn có thể bị kết án tù lên đến 6 tháng, phạt tiền lên đến 10.000 baht (334 USD), hoặc cả hai; bất chấp yêu cầu bãi bỏ Điều 301 trong Luật hình sự để việc phá thai không còn là hành vi phạm tội.

Dự luật dựa trên bản dự thảo do Nội các đề xuất, được sửa đổi bởi Ủy ban Ad Hoc được thành lập sau phiên họp quốc hội vào ngày 23/12/2020.

Một dự luật khác đã được đề xuất trước đó bởi các nghị sĩ từ Đảng Tiến lên (MFP) cho phép phá thai đến tuần thứ 24 của thai kỳ và thay đổi từ dùng để chỉ người mang thai từ “phụ nữ” thành “cá nhân”, nhằm giảm phân biệt đối xử và kỳ thị phụ nữ.

Tuy nhiên, quốc hội chỉ xem qua dự luật từ đảng MFP và quyết định sử dụng dự luật của Nội các làm cơ sở bỏ phiếu.

Một người biểu tình hôm 23/12 đưa tấm biểu ngữ ghi rằng Không chỉ phụ nữ, người song tính, chuyển giới và chưa xác định rõ giới tính cũng có thể mang thai
Một người biểu tình hôm 23/12 đưa tấm biểu ngữ ghi rằng "Không chỉ phụ nữ, người phi nhị nguyên giới, liên giới tính, chuyển giới cũng có thể mang thai"

Các nhà hoạt động ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ cho biết việc giữ lại các hình phạt sẽ duy trì sự kỳ thị về phá thai.

Nisarat Jongwisan - ủy viên hội đồng và nhà hoạt động tại Tam Tang, một nhóm ủng hộ sự lựa chọn cho người mẹ - nói với Reuters: “Chúng tôi muốn tất cả các hình phạt được thu hồi vì một con người được quyền phá thai mà không bị trừng phạt. Các hình phạt sẽ cản trở việc tiếp cận các dịch vụ y tế an toàn và cũng làm hoen ố phẩm giá của những phụ nữ đó”.

Tổ chức phi chính phủ về quyền phá thai, nhóm Tam Tang đã trả lời sau phiên họp quốc hội rằng viện dẫn quyền của thai nhi trong dự thảo luật đi ngược lại các nguyên tắc nhân quyền quốc tế, trong đó quyền con người chỉ được áp dụng sau khi một đứa trẻ được sinh ra và sống sót, và quyền phá thai an toàn là quyền của phụ nữ.

Linh La (theo Reuters, CNN, Prachatai)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI