Quảng cáo “lố” làm lộ lỗ hổng trong quản lý

18/03/2025 - 06:09

PNO - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội) cho rằng, mạng xã hội là nơi lan truyền thông tin nhanh chóng, nhưng cũng chính vì vậy mà cần phải quản lý chặt chẽ thông tin trên kênh này.

Phóng viên: Thời gian gần đây, phổ biến tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để thu lợi. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Người nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí định hướng thị hiếu và hành vi tiêu dùng của xã hội. Khi quảng bá một sản phẩm, nghệ sĩ, hoa hậu hay KOL đang góp phần tạo dựng niềm tin cho hàng triệu người hâm mộ vào sản phẩm. Chính vì vậy, khi muốn giới thiệu về sản phẩm, họ phải có trách nhiệm với những gì mình nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người nổi tiếng lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để trục lợi, bất chấp hậu quả đối với người tiêu dùng. Khi những vụ việc như vậy bị phanh phui, dư luận không chỉ phẫn nộ với sản phẩm mà còn mất niềm tin vào những người mà họ từng yêu quý. Điều này không chỉ làm tổn hại đến cá nhân nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường truyền thông và kinh doanh. Sự nổi tiếng phải đi kèm với trách nhiệm. Việc quảng cáo không chỉ đơn thuần là hợp đồng thương mại mà còn là sự cam kết về đạo đức và uy tín. Mạng xã hội ngày càng phát triển nên sức ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng ngày càng lớn và như vậy thì trách nhiệm phải ngày càng cao.

* Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, có nhiều nội dung như người quảng cáo phải chịu trách nhiệm với sản phẩm, thậm chí phải sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo. Quan điểm của ông thế nào về những quy định này?

- Tôi nghĩ rằng, việc quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo, đặc biệt là yêu cầu người quảng cáo phải chịu trách nhiệm và thử nghiệm sản phẩm trước khi giới thiệu đến công chúng là cần thiết và kịp thời.

Trên thực tế, việc quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm soát đang khiến không gian mạng trở thành một “chợ trời” đầy rủi ro, người tiêu dùng dễ dàng bị lừa dối bởi những lời giới thiệu hào nhoáng nhưng không đúng sự thật. Khi người nổi tiếng nhận quảng cáo một sản phẩm, họ không thể nói “tôi không biết”, “tôi chỉ giới thiệu” để thoái thác trách nhiệm. Việc yêu cầu người quảng cáo phải thử nghiệm sản phẩm trước khi quảng cáo là một biện pháp hợp lý.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải có cơ chế kiểm soát minh bạch và khả thi. Không phải lúc nào cũng có thể thử nghiệm trực tiếp, nhưng ít nhất họ phải có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ pháp lý, nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng về biện pháp xử lý người nổi tiếng khi vi phạm, như cấm quảng cáo trong một khoảng thời gian nhất định, xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng cần phân loại mức độ ảnh hưởng của người chuyển tải quảng cáo để có các yêu cầu phù hợp. Những cá nhân có số người theo dõi càng đông thì phải có trách nhiệm lớn hơn. Có thể cân nhắc việc cấp chứng chỉ hoặc yêu cầu đào tạo về quảng cáo đối với những người có sức ảnh hưởng lớn, để họ hiểu rõ trách nhiệm của mình khi tham gia vào lĩnh vực này.

* Thời gian qua, hiện tượng quảng cáo lố, thổi phồng công dụng sản phẩm tràn lan trên mạng xã hội nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng còn chậm trễ. Phải chăng đây là biểu hiện buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này?

- Việc để những mẩu quảng cáo lố, sai sự thật ngang nhiên tồn tại trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trong suốt thời gian dài cho thấy rõ sự chậm trễ và lỗ hổng trong công tác quản lý. Những trường hợp như “1 viên kẹo bằng cả dĩa rau” hay những lời hứa hẹn phi thực tế “uống sữa 3 tháng, cao thêm 5cm” không chỉ gây hiểu lầm mà còn có thể gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, tài chính và niềm tin của người tiêu dùng.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát quảng cáo là rất lớn. Theo luật, các nội dung quảng cáo cần được kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ, đặc biệt là với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, dược phẩm hay sản phẩm dinh dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nội dung quảng cáo không được kiểm duyệt nghiêm túc trước khi đến với người tiêu dùng.

Mạng xã hội không thể là cái cớ cho sự buông lỏng quản lý. Khi một nội dung quảng cáo sai sự thật xuất hiện trên các nền tảng mạng lớn, cần có cơ chế phản ứng nhanh của các cơ quan chức năng. Khi vụ việc đã gây bức xúc cho số đông, thiệt hại đã xảy ra, cơ quan chức năng mới vào cuộc là chậm trễ, thiếu hiệu quả và càng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hệ thống quản lý.

Do đó, cần có sự thay đổi toàn diện. Trước hết, cần tăng cường trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc rà soát và ngăn chặn quảng cáo sai sự thật. TikTok, Facebook, YouTube... không thể vô can khi để các nội dung này tràn lan trên nền tảng của mình. Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế giám sát chủ động hơn, ứng dụng công nghệ để quét và phát hiện các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm thay vì chỉ phản ứng thụ động sau khi có dư luận. Cần xử phạt nghiêm khắc không chỉ với doanh nghiệp vi phạm mà cả với những cá nhân tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật.

Quảng cáo tác động đến hành vi, nhận thức và sức khỏe của hàng triệu người. Khi cơ quan quản lý không thực hiện tốt vai trò của mình, hậu quả không chỉ là những vụ lừa đảo đơn lẻ mà còn là sự suy giảm niềm tin vào hệ thống, vào những gì chúng ta đọc, nghe và thấy mỗi ngày. Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mạnh mẽ và quyết liệt hơn để đưa quảng cáo trở về đúng giá trị của nó là cung cấp thông tin trung thực, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn sáng suốt, thay vì trở thành công cụ thao túng lòng tin.

* Xin cảm ơn ông.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI