Quá sợ dịch COVID-19 nhiều người cao tuổi rối loạn chức năng

07/10/2020 - 06:01

PNO - Nhiều người cao tuổi đi khám tiêu hóa, huyết áp, tiết niệu… nhưng bác sĩ phát hiện tất cả đều do tâm lý quá lo sợ dịch COVID-19. Chính vì quá căng thẳng đã khiến các chức năng của cơ thể bệnh nhân bị rối loạn tạm thời.

 

Nhiều người già đi khám bệnh vì lo lắng thái quá chứ không phải bị bệnh
Nhiều người già đi khám bệnh vì lo lắng thái quá chứ không phải bị bệnh

Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thống Nhất phần lớn khám cho người cao tuổi nên trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, đây cũng là nơi ghi nhận rõ rệt nhất những ảnh hưởng về mặt sức khỏe của các cụ do áp lực tâm lý gây ra.

Theo bác sĩ Hoàng Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện, các cụ đọc tin tức, biết mình thuộc đối tượng nguy cơ cao của dịch COVID-19, từ đó hình thành tâm lý phòng vệ nên hay suy diễn nghĩ mình bị bệnh. 

Huyết áp tăng vọt, nặng ngực khó thở

Sáng 6/10, cụ ông T.V.K., 86 tuổi, ngụ Q.Tân Bình đã đến Bệnh viện Thống Nhất khám bệnh vì bị cao huyết áp. Cụ là bệnh nhân quen thuộc, điều trị huyết áp tại bệnh viện đã 15 năm nay. Bác sĩ Hoàng Mạnh cho biết, cụ vẫn đang uống hai viên thuốc huyết áp mỗi ngày, tình trạng huyết áp trong suốt thời gian qua ổn định ở mức 130/80. Thế mà hôm nay gặp bác sĩ, cụ K. với dáng vẻ bồn chồn, mệt mỏi, thở gấp, mồ hôi ướt lưng áo, chỉ số huyết áp vọt tận 170/90, mạch tăng lên 100 lần/phút. 

Bác sĩ Hoàng Mạnh đã cho cụ K. làm các xét nghiệm để kiểm tra nhưng không ghi nhận gì bất thường. Bác sĩ hỏi dạo gần đây cụ K. có lo lắng chuyện gì không thì cụ chia sẻ: “Đọc báo thấy tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn căng thẳng quá, đối tượng trở nặng và tử vong toàn là người cao tuổi, vắc-xin thì chưa có nên tôi lo lắm. Ngày nào trống ngực tôi cũng đập thình thịch khi nghe về COVID-19. Sống chừng đó năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến một trận đại dịch toàn cầu thế này”.

Bác sĩ đành trấn an cụ, giải thích tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đang kiểm soát rất tốt, dịch bệnh phức tạp nhưng không phải không có cách phòng tránh nếu tuân thủ đúng khuyến cáo của ngành y tế: đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và thường xuyên rửa tay sát khuẩn.

Bác sĩ còn khuyên thay vì chỉ chăm chú theo dõi tin tức về COVID-19, cụ hãy trồng cây cảnh, tập thể dục, tham gia các hoạt động trong gia đình cùng con cháu. Ngay sau khi trò chuyện cùng bác sĩ, kết quả huyết áp của cụ K. đo lại đã ổn định như lúc bình thường. Bác sĩ kê thêm cho bệnh nhân thuốc an thần, còn thuốc huyết áp giữ nguyên không thay đổi liều lượng.

Cụ bà N.T.D., 75 tuổi, ngụ Q.Tân Phú cũng đến Bệnh viện Thống Nhất khám vì dạo gần đây hay đau vùng thượng vị và đi tiêu phân lỏng. Cụ D. nói với bác sĩ rằng mình đọc tin tức thấy một trong những triệu chứng của COVID-19 là tiêu chảy nên lo lắm. Dù rất sợ phải đi khám khi dịch bệnh chưa được đẩy lùi nhưng cụ không yên tâm, đành phải bắt con gái chở đến bệnh viện. Cụ D. đã được bác sĩ cho nội soi cả dạ dày và đại tràng nhưng không thấy gì bất thường. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh tâm thể do quá căng thẳng gây nên, kê thuốc an thần và hẹn tái khám sau một tuần.

Giúp người già không lo lắng thái quá

Mới hôm qua, bác sĩ Hoàng Mạnh cũng vừa tái khám cho một cụ ông trên 80 tuổi. Cách đây một tuần, cụ tới bệnh viện trong trạng thái thở gấp, khó thở, cảm giác nặng ngực. Huyết áp của cụ ông dao động nhưng các kết quả chụp X-quang phổi và chỉ số đo chức năng hô hấp đều bình thường. Bác sĩ chỉ làm một việc là trấn an tâm lý, cho thuốc an thần. Sau bảy ngày uống thuốc, cụ không còn bị mất ngủ, tất cả các triệu chứng kia đều hết. 

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Khám bệnh bảo hiểm y tế của Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận khoảng 1.600 bệnh nhân thì tới 25% trong số đó là người cao tuổi bị rối loạn các chức năng do quá lo sợ dịch COVID-19.

Những người cao tuổi bị bệnh tâm thể gây ra nhiều bất ổn cho sức khỏe. Thứ nhất, là rối loạn về hệ thần kinh (lo âu, mất ngủ, tăng độ quên). Thứ hai, là rối loạn hệ tuần hoàn (tần số tim tăng, huyết áp dao động). Thứ ba, là rối loạn hệ hô hấp (tần số thở tăng, cảm giác nặng ngực, khó thở). Căng thẳng còn tác động cả tới hệ bài tiết của bệnh nhân. Các cụ khi tới khám ra mồ hôi nhiều hơn, lưng áo ướt sũng, than thở bị mất ngủ. Nhiều cụ vì quá lo lắng dẫn tới tăng số lần đi tiểu trong ngày, đau thượng vị, chậm tiêu, tiêu phân lỏng… 

Tất cả trường hợp đến khám bởi những triệu chứng như trên, sau khi làm xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng mà không ghi nhận bất thường, bác sĩ chỉ trấn an tâm lý và cho thuốc an thần, hướng dẫn cách điều chỉnh sinh hoạt là đa số đều khỏi bệnh.

“Ở người lớn tuổi, ngưỡng kích thích thần kinh rất thấp, rất nhạy cảm, chỉ một thông tin nhỏ cũng có thể gây lo lắng, bất an. Trong khi đó, đề kháng của các cụ lại kém, nhiều bệnh nền. Con cháu nên trò chuyện với các cụ nhiều hơn, hạn chế nói các thông tin về dịch bệnh, hướng các cụ tới những hoạt động vừa sức như chăm sóc cây cảnh, xem phim… Lo lắng thái quá cũng có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe của các cụ”, bác sĩ Hoàng Mạnh khuyến cáo. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI