Quả cầu vàng 2020 - Nơi đàn ông kể chuyện đàn ông

03/01/2020 - 12:57

PNO - Kết quả “Giải thưởng Quả cầu vàng 2020” sắp ngã ngũ vào ngày 5/1 tới, dọn đường cho những dự đoán ở cuộc đua Oscar 2020 trở nên rõ nét hơn, bởi ngày 13/1 - thời điểm danh sách đề cử Oscar được công bố - không còn xa.


Quả cầu vàng năm nay, một lần nữa, lại là chỗ dành cho đàn ông da trắng kể chuyện về đàn ông da trắng, khi mà những phim thâu tóm nhiều đề cử đều của đạo diễn nam, với nội dung xoay quanh các nhân vật trung tâm là phái mạnh. Nữ giới vắng bóng hoàn toàn ở các hạng mục quan trọng Phim hay nhất, Kịch bản hay nhất và Đạo diễn xuất sắc.

Chuyện các nhà làm phim nữ bị đứng bên lề ở giải thưởng “tiền Oscar” này vốn không có gì lạ, nếu biết rằng trong suốt 77 năm tổ chức, chỉ có năm bóng hồng được đề cử Đạo diễn xuất sắc, nhưng chỉ một người mang giải thưởng về nhà là Barbra Streisand (phim Yentl, 1984).

Tuy nhiên, năm 2019 lại là một năm có khá nhiều tác phẩm đậm chất nữ quyền của các đạo diễn nữ gây dấu ấn mạnh như Little Women của Greta Gerwig, kể về những phụ nữ vượt lên định kiến của thời đại để theo đuổi đam mê, ước mơ của bản thân; Portrait of a Lady on Fire của Céline Sciamma xoay quanh mối tình lãng mạn giữa hai người phụ nữ Pháp vào thế kỷ XVIII; Booksmart của Olivia Wilde nói về tình bạn học đường của hai nữ sinh; Hustlers của Lorene Scafaria kể chuyện một nhóm nữ vũ công thoát y bày mưu tính kế để moi tiền những khách hàng giàu sụ; The Farewell của Lulu Wang êm dịu, lắng đọng về đề tài gia đình, chứa đựng nhiều xúc cảm.

Các phim có nhiều đề cử Quả cầu vàng như Joker, Once upon a time in Hollywood, Marriage Story, The Irishman (theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải) đều do đạo diễn nam thực hiện, và nhân vật chính cũng là nam giới
Các phim có nhiều đề cử Quả cầu vàng như Joker, Once upon a time in Hollywood, Marriage Story, The Irishman (theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải) đều do đạo diễn nam thực hiện, và nhân vật chính cũng là nam giới

Nhưng những gương mặt nữ, những câu chuyện về nữ giới kể trên đều bị dạt sang bên lề giải Quả cầu vàng, nhường chỗ cho những quý ông da trắng, kể những câu chuyện về cánh mày râu da trắng.

Bộ phim dẫn đầu với sáu đề cử Marriage Story do Noah Baumbach viết kịch bản, đạo diễn, kiêm sản xuất, lấy cảm hứng từ chính cuộc hôn nhân tan vỡ của ông cũng như cha mẹ ông. Hành trình ly hôn của hai nhân vật Charlie và Nicole trong Marriage Story chạm đến trái tim người xem bởi nhiều khán giả thấy mình trong đó: chỉ nhìn vào điểm xấu của đối phương thay vì nhận ra điểm tốt.

Nếu trong phim, Charlie và Nicole từng là cặp đôi đẹp về ngoại hình lẫn vị trí xã hội, đồng thời có với nhau một con trai, thì ngoài đời, Noah Baumbach và vợ cũ - diễn viên Jennifer Jason Leigh cũng là đôi trai tài gái sắc và có chung cậu con trai Rohmer sau 5 năm chung sống. 

Bám sát Marriage Story về lượng đề cử (năm đề cử) là The Irishman của Martin Scorsese và Once upon a time in Hollywood của Quentin Tarantino. Hai “lão tướng” có sở trường về phim bạo lực một lần nữa mang đến hai câu chuyện đậm chất nam tính. 210 phút phim The Irishman khắc họa cuộc đời bi tráng của gã sát thủ máu lạnh Frank Sheeran (Robert de Niro đóng) - người mà cả thời trẻ dọc ngang lẫy lừng đến khi về già sống cảnh an nhàn cô độc, không con cái tới thăm, không còn anh em, gia đình. Với lối kể chậm rãi sâu lắng, kể cả khi miêu tả những màn giết người cũng không cố ý làm quá bằng cách lạm dụng phần nhạc nền kịch tính, bậc thầy dòng phim tội phạm Martin Scorsese đã phản ánh góc nhìn lạnh lùng vào thực tế đời sống của thế giới tội phạm ở thập niên 70-80. 

Cũng sở hữu cá tính phim ảnh mạnh như Martin Scorsese, Quentin Tarantino vẽ ra một Hollywood lắm mặt trái và đẫm chút máu me với Once upon a time in Hollywood. Khó ai có thể kiên nhẫn theo dõi 161 phút phim dày đặc thoại kể về những góc khuất, áp lực của nam diễn viên hết thời Rick Dalton (Leonardo DiCaprio đóng) và người đóng thế cho Rick-Cliff Booth (Brad Pitt đóng) hành nghề ở Hollywood thập niên 60, nếu không phải là fan của Quentin Tarantino, hay có nhiều hiểu biết về văn hóa Mỹ.

Nhưng nếu đã chịu khó xem đến phút cuối, sẽ thấy Once upon a time in Hollywood xứng tầm là một kiệt tác, bởi những ẩn ý, chiều sâu chứa trong từng lời thoại, tình tiết. Đó là mặt trái của Hollywood xưa - nơi mà diễn viên thực lực có thể bị thất nghiệp bởi những gương mặt mới ít tài nhưng có nhiều mối quan hệ lớn; là những ảnh hưởng của phim ảnh đến nhận thức và suy nghĩ của giới trẻ đương thời. 

Ngoài ba phim kể trên, Quả cầu vàng còn mang đến những câu chuyện khác cũng do đàn ông kể về giới của họ như phim lấy bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất, nói về người lính trẻ được giao nhiệm vụ tìm kiếm anh trai mình, nhằm thông báo tiểu đoàn của anh hủy bỏ cuộc tấn công trước khi quá muộn (đạo diễn Sam Mendes); phim về tình bạn của hai vị giáo hoàng Benedict XVI và giáo hoàng Francis trong The two popes (đạo diễn Fernando Meirelles); phim về kẻ ác nhân điên loạn Joker (đạo diễn Todd Phillips) hay phim tiểu sử về Elton John Rocketman (đạo diễn Dexter Fletcher).

Không thể phủ nhận sức nặng, chiều sâu của những tác phẩm điện ảnh chiếm lĩnh nhiều đề cử ở Quả cầu vàng năm nay, huống hồ đó đều là những bộ phim đến từ các vị đạo diễn nam kỳ cựu ở làng phim thế giới. Nhưng sự độc chiếm của nam giới từ quá khứ cho tới mùa giải năm nay, trong khi năm 2019 không thiếu những tác phẩm đình đám đến từ các đạo diễn nữ, một lần nữa chứng tỏ rất khó có sự bình đẳng giới ở các sân chơi phim ảnh. Và Quả cầu vàng, muôn thuở vẫn là nơi đàn ông kể chuyện đàn ông. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI