Phương thuốc mật gấu trị COVID-19 của Trung Quốc đánh động các tổ chức bảo vệ động vật

15/04/2020 - 17:23

PNO - Các tổ chức bảo vệ động vật ở nhiều nước hết sức lo ngại chuyện Trung Quốc “bật đèn xanh” cho việc dùng mật gấu trị COVID-19.

Khi số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam bắt đầu tăng lên vào tháng trước sau nhiều tuần không bị nhiễm, tổ chức giải cứu gấu Four Paws Vietnam Foundation đã ra tay hành động.

Huong Ngo, giám đốc tổ chức này, đã quyết định cách ly các con vật của họ và tạm thời ngừng tiếp khách đến khu bảo tồn Ninh Bình, nơi sinh sống của 29 con gấu đen châu Á. Tất cả đều từng thuộc sở hữu tư nhân - hầu hết được nuôi lấy mật để bán làm thuốc y học cổ truyền. Four Paws đã đón đầu các biện pháp cách ly xã hội ở Việt Nam, được áp dụng vào ngày 1/4 vừa qua, trước gần hai tuần và đã dự trữ thức ăn và thuốc đủ dùng cho loài động vật hoang dã này trong 6 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, Ngo cho biết cô lo lắng về những con gấu khác vẫn đang bị giam giữ trong các cơ sở tư nhân chưa được giải cứu.

Một con gấu bị nhốt trong chuồng ở Việt Nam. Ảnh: AFP
Một con gấu bị nhốt trong chuồng ở Việt Nam - Ảnh: AFP

Việt Nam đã tạm thời cấm vận chuyển động vật hoang dã, sau những động thái tương tự của Trung Quốc, vốn hồi tháng 2 đã cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã - ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD với hàng triệu nhân công.

Điều này đã được thực hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dường như đã xuất hiện ở một khu chợ ẩm ướt tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi chuyên kinh doanh động vật hoang dã.

Tuy nhiên, vào những ngày sau đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố một danh sách các phương pháp điều trị được khuyến nghị đối với bệnh COVID-19, bao gồm tiêm thuốc y học cổ truyền có chứa mật gấu, theo Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Anh. Ngo cho biết thông tin này khiến cô rất lo lắng, theo báo South China Morning Post.

“Có cầu ắt có cung”, cô nói, đồng thời nhấn mạnh “nỗi đau dữ dội” mà các con gấu phải chịu đựng trong quá trình trích hút mật và “những hiệu quả mơ hồ” mà mật gấu được cho là có thể mang lại.

Một trong những phương pháp được sử dụng để chích hút mật gấu bao gồm nhốt gấu trong lồng nhỏ đến mức chúng không thể di chuyển và cắt một lỗ thông qua dạ dày của chúng trực tiếp đến túi mật để mật chạy ra từ vết thương hở, theo ông Brian Crudge, một thành viên của Nhóm chuyên gia về gấu thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và là một chuyên gia nghiên cứu tại  Free the Bears - một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ động vật hoang dã ở Úc.

Việt Nam đã chính thức cấm khai thác thương mại gấu vào năm 2006, một năm sau khi nước ta thực hiện chương trình cài vi mạch và đăng ký cho gấu nuôi. Những người sở hữu gấu trước năm 2005 có thể giữ lại chúng, miễn họ tuân thủ các quy định bắt buộc.

Mật gấu được trích hút để dùng làm thuốc cổ truyền. Ảnh: AFP
Mật gấu được trích hút để dùng làm thuốc cổ truyền- Ảnh: AFP

Nhu cầu mật gấu được cho là đang giảm và giá của nó cũng hạ - từ khoảng 200.000 đồng (8,56 USD) mỗi cm3 khối trước khi có lệnh cấm, xuống còn 20.000 đồng hiện nay, Ngo cho biết. Tuy nhiên, có tới 450 con gấu vẫn được cho là đang sống trong điều kiện tồi tệ ở Việt Nam, trong các trang trại gấu hoặc thuộc sở hữu tư nhân.

“Còn quá sớm để nói về tác dụng kích thích lâu dài của virus (SARS-CoV-2) đối với quần thể gấu hoang dã nhưng người ta biết rằng nạn săn trộm bất hợp pháp gia tăng khi các lựa chọn sinh kế khác bị hạn chế”, ông Crudge nói.

Four Paws Việt Nam cần khoảng 1,3 tỉ đồng (55.500 USD) mỗi tháng để duy trì hoạt động, khoảng 90% trong số đó đến từ quyên góp. Phần còn lại lấy từ phí vào cổng tham quan khu bảo tồn và hoạt động gây quỹ địa phương.

Nhưng trong bối cảnh đại dịch làm gián đoạn việc đi lại toàn cầu và dập tắt du lịch, nhóm này lo ngại về nguồn tài trợ của mình, và hiện tại họ chỉ có đủ tiền để trang trải trong khoảng sáu tháng.

Liên minh động vật hoang dã, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận ở Campuchia, cũng có mối bận tâm tương tự. Ông Nick Marx, giám đốc chương trình chăm sóc và cứu hộ động vật hoang dã, cho biết việc đảm bảo nguồn tài trợ là “vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải”.

Tổ chức này chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 100 loài – với tổng cộng 1.694 con vật - bao gồm voi châu Á, hổ, vượn pileated, rái cá, chim và bò sát tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Phnom Tamao gần thủ đô Phnom Penh, cũng như tại các cơ sở khác ở nhiều khu vực của Campuchia.

“Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập được tạo ra thông qua du lịch như các tour du lịch mà chúng tôi cung cấp tại Phnom Tamao và việc mua vé cổng giúp hỗ trợ việc chăm sóc động vật tại trung tâm. Những hoạt động này đã bị đình chỉ vô thời hạn do virus”, ông Marx nói.

Vào thời điểm đông khách nhất, đặc biệt là trong những ngày lễ như Tết của người Khmer, Phnom Tamao có thể đón tới 5.000 du khách mỗi ngày. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi chính phủ Campuchia cắt giảm tài trợ cho trung tâm này. Tuy nhiên, ông Marx cho biết họ sẽ tiếp tục công việc cứu hộ và phục hồi, đồng thời đảm bảo tất cả các con vật được cho ăn đầy đủ. “Chúng tôi đã làm việc cật lực để khắc phục và chúng tôi đang làm việc chăm chỉ với những ý tưởng mới nhằm tìm ra nguồn vốn mà chúng tôi cần”, ông nói.

Free the Bears, tổ chức có các khu bảo tồn ở Lào, Campuchia và Việt Nam vốn là nơi ở của 235 con gấu, cũng đang gặp khó khăn, sau khi phần lớn tài trợ của họ - chủ yếu được tạo ra từ các sự kiện gây quỹ, các chuyến tham quan và chương trình tình nguyện - đã bốc hơi. “Chúng tôi đang cố gắng tăng cường dự trữ thức ăn lâu dài hơn cho gấu trong trường hợp chúng trở nên khó kiếm hơn hoặc giá cả tăng cao”, ông Rod Mabin, giám đốc truyền thông của tổ chức này, cho biết.

Các nhóm phúc lợi cho biết một khía cạnh tích cực của đại dịch COVID-19 là đánh động sự chú ý đến tính chất tàn ác vốn có trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI