Những ngày lễ thiếu vắng sắc màu giữa dịch COVID-19

15/04/2020 - 12:01

PNO - Lễ hội ở nhiều nước phải tạm dừng, hoặc diễn ra trong im lặng do dịch COVID-19.

 Mọi năm, tết Songkran theo Phật lịch chứng kiến những đám đông chen lấn trên đường phố Thái Lan trong một lễ hội náo nhiệt, bắn súng nước và tạt nước vào nhau để cầu chúc may mắn. Năm nay, Thái Lan đón năm mới truyền thống từ ngày 13-15/4, nhưng sẽ không còn những cuộc té nước vui vẻ sau khi chính phủ ngừng tổ chức lễ hội công cộng nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19.

 

 

Những chú thỏ Phục sinh đeo khẩu trang tại Đức giữa dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters
Những chú thỏ Phục sinh đeo khẩu trang tại Đức giữa dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Theo Taweesin Wisanuyothin - người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ - tính đến ngày 13/4, Thái Lan đã ghi nhận 2.579 trường hợp nhiễm và 40 trường hợp tử vong do COVID-19, phần lớn tập trung tại thủ đô Bangkok. Tuần trước, chính phủ Thái Lan tuyên bố cấm bán rượu để hạn chế các cuộc tụ họp xã hội và kêu gọi công chúng kiềm chế các hoạt động trong lễ Songkran, chẳng hạn như quay trở lại quê nhà và rót nước chúc phúc cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình.

Ratikorn Cheunuksombook - 40 tuổi, nhân viên văn phòng - than thở vì không thể dự lễ hội té nước: "Tôi phải ở nhà, không thể đi đâu được. Tôi muốn gặp bạn bè, nhưng không ai trong số họ muốn gặp tôi". Các trung tâm thương mại ở Bangkok được lệnh đóng cửa ngoại trừ các nhà hàng giao thức ăn, và lệnh giới nghiêm có hiệu lực trên toàn quốc từ 22g đến 4g sáng hôm sau. Sự tĩnh lặng khác thường của ngày lễ để lại một số cảm giác bất an. Cư dân Srisopa Phogphun nói: "Tôi cảm thấy kỳ lạ. Cảm giác như đó là một ngày cuối tuần dài. Ngay cả khi lễ hội chỉ bị hoãn lại cho đến cuối năm nay, mọi thứ cũng không còn như trước”.

Các chính phủ khác ở Đông Nam Á cũng hủy bỏ hoặc thu nhỏ các lễ kỷ niệm. Tại Campuchia, tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ ngày 13-16/4. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình thường thắp nhang cầu nguyện để đón chào vị thần năm mới, cầu mong bình an, hạnh phúc. Năm nay, băng-rôn, khẩu hiệu, đèn hoa rực rỡ và những đám đông chơi lễ nhường chỗ cho đường phố vắng lặng. Tại Campuchia, dù có lệnh hạn chế hoạt động xã hội, người dân và cơ quan công vụ vẫn đi làm bình thường. Bộ Lao động Campuchia cho biết, hơn 90% công nhân đã có mặt ở nhà máy may để làm việc vào ngày đầu tiên của dịp tết, hôm 13/4. 

Người phát ngôn của Bộ Lao động Campuchia - Heng Sour - bày tỏ: "Chúng tôi đang cùng nhau tham gia cuộc chiến chống COVID-19. Mong muốn năm mới của tôi là vi-rút biến mất khỏi Campuchia và thế giới để các bác sĩ, cán bộ y tế, công nhân, nhân viên, công chức, binh lính và người dân có thể tiếp tục cuộc sống như bình thường và nền kinh tế của chúng ta, cũng như phần còn lại của thế giới, sẽ trở lại bình thường”.

Tương tự, người dân châu Âu và châu Mỹ cũng vừa trải qua một mùa lễ Phục sinh lặng lẽ hôm 14/4. Đức giáo hoàng Francis đã cử hành thánh lễ mà không có người dự. Ông gửi thông điệp đến thế giới: "Đừng sợ, đừng để nỗi sợ hãi bao trùm thế giới. Đây là thông điệp của hy vọng gửi đến cho chúng ta trong ngày hôm nay”. Thánh lễ vốn thường có khoảng 10.000 người tham dự trong Vương cung thánh đường St. Peter's, nhưng năm nay chỉ có khoảng 20 người, bao gồm một vài nhân viên bục lễ và dàn hợp xướng nhỏ hơn bình thường. 

Tại Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth đã gửi thông điệp Phục sinh đầu tiên: "Chúng ta biết rằng vi-rút corona sẽ không đánh bại chúng ta. Dù cái chết luôn tối tăm, đặc biệt đối với những người đau khổ, ánh sáng và cuộc sống luôn mạnh mẽ hơn. Mong ngọn lửa hy vọng của lễ Phục sinh sẽ là ngọn đèn vững chắc khi chúng ta đối mặt với tương lai".

Tại Mỹ, với hầu hết người dân ở lại trong nhà theo lệnh chính quyền nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà thờ chọn tổ chức thánh lễ Phục sinh qua nền tảng mạng xã hội hoặc internet để mọi người cùng tham gia.

Linh La (tổng hợp) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI