“Phù phép” đất kênh rạch thành nhà ở trước mắt chính quyền

24/11/2016 - 07:00

PNO - Cảnh cả thành phố như… trôi trong dòng nước đen ngòm khi mưa lớn, là chuyện không hồi kết mà kể ra bất cứ cư dân thành phố nào cũng hãi hùng. Câu than thở chính vẫn là kênh rạch bị bồi lấp.

LTS: Cảnh cả thành phố như… trôi trong dòng nước đen ngòm khi mưa lớn, là chuyện không hồi kết mà kể ra bất cứ cư dân thành phố nào cũng hãi hùng. Câu than thở chính vẫn là kênh rạch bị bồi lấp. Và cuộc họp nào bàn về vấn đề lấn chiếm kênh rạch cũng chỉ ra nguyên nhân là do chính quyền địa phương quản lý yếu kém - vẫn là những đánh giá chung chung vì hiếm có trường hợp được xử lý triệt để.

Từ một vụ việc cụ thể mà báo Phụ Nữ có được sau đây, cho thấy “đường đi” của một vụ lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, với suốt chặng đường có khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua dễ dàng bằng nhiều cách “làm luật”.

Khi cả một hệ thống quản lý, giám sát từ phường đến quận nhắm mắt làm ngơ, mũ ni che tai mặc sai phạm tràn lan từ năm này đến tháng khác thì việc khắc phục hậu quả sẽ là sự lãng phí đáng kinh ngạc, vì phải lấy những đồng tiền sạch từ ngân sách để trả giá cho “trách nhiệm đen”…

Từ vài chục mét vuông đất kênh rạch san lấp trái phép, 5 năm sau chính quyền địa phương kiểm tra lại thì diện tích san lấp trái phép không chỉ tăng lên thành gần 800m2 mà trên đất còn xuất hiện hàng chục căn nhà, gây ngập úng nghiêm trọng khu dân cư. Chuyện thật như đùa này đã xảy ra tại P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM.

Chỉ sau vài năm là đất kênh thành... Nhà ở

Theo phản ánh của người dân ở KP.5, P.Bình Thuận, khoảng đầu năm 2012, cuối đường số 47, KP.5 có một con rạch thoát nước cho cả khu dân cư, nhưng bị một người tên Nguyễn Văn Tiến cho xe đến đổ đất san lấp một phần rạch.

Người dân báo chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy xử lý. Vụ việc kéo dài khoảng một năm, diện tích san lấp trái phép tăng lên hàng chục mét vuông. Lúc này, khu dân cư bắt đầu xảy ra ngập úng mỗi khi có mưa hoặc triều cường.

“Phu phep” dat kenh rach thanh nha o truoc mat chinh quyen
Ảnh: P.Huy

Bức xúc, người dân tiếp tục làm dữ, UBND P.Bình Thuận mới cho người xuống kiểm tra và lập biên bản san lấp, lấn chiếm kênh rạch trái phép. Tuy nhiên, khi cán bộ chức năng rút đi, việc san lấp không chỉ tái diễn mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi khi người dân phản ánh, phường lại cho người xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng mọi việc vẫn như cũ.

Không chấp nhận kiểu giải quyết cho có như vậy, người dân phản ứng quyết liệt, lúc này UBND P.Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ thi công công trình và cưỡng chế vi phạm; ban hành kế hoạch, thông báo cụ thể thời gian cưỡng chế cho dân biết. Cứ tưởng mọi việc sắp được xử lý dứt điểm, không ngờ đó chỉ là biện pháp xử lý… trên giấy.

Ông Tiến vẫn tiếp tục công khai lấp rạch. Đến cuối năm 2014, diện tích san lấp rạch trái phép đã tăng gần gấp... 10 lần so với trước. Người dân lại phản ánh, chính quyền địa phương lại cũng tiếp tục “bài cũ”: kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính, ra quyết định cưỡng chế rồi... để đó.

Khoảng giữa năm 2015, đối tượng san lấp kênh rạch trái phép mới chủ động dừng lại, chuyển sang... xây dựng nhà ở. Người dân phản ánh, chính quyền lại kiểm tra: “Họ lập biên bản, ban hành quyết định đình chỉ thi công, ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ... Tất cả đều dán công khai cho người dân biết, nhưng đến ngày cưỡng chế thì chẳng thấy thực hiện” - anh T. (một người dân ở đây) ngán ngẩm.

Kết quả, đến nay diện tích san lấp trái phép đã là gần 800m2 , với khoảng… 18 căn nhà mọc lên. Theo người dân, từ ngày xảy ra việc san lấp trái phép con rạch, khu dân cư ngày càng bị ngập nghiêm trọng.

Ông H. (một người dân ở đây) bức xúc: “Trước đây chỉ khi mưa rất to hoặc triều cường lên cao mới ngập nhưng vài năm gần đây, cứ mưa hoặc có triều cường là nước ngập lênh láng. Những con đường trong khu dân cư đã nhiều lần nâng cấp nhưng vẫn cứ ngập”. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân ngập là do việc san lấp rạch đã “bóp” hẹp dòng chảy của con kênh.

Ai chống lưng cho hành vi san lấp, xây dựng trái phép?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc san lấp trái phép, từ chính quyền phường đến quận đều biết rõ nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Cụ thể, biên bản đầu tiên do UBND P.Bình Thuận lập vào khoảng tháng 11/2012, lúc diện tích ông Tiến san lấp trái phép chỉ mới 60,3m2 .

Nhưng sau đó, do phường đã không có biện pháp xử lý dứt điểm, buộc ông Tiến khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nên đến năm 2013, diện tích san lấp trái phép đã tăng lên đến 443,25m2 ; đồng thời ông Tiến ung dung tiến hành xây dựng trên mảnh đất lấn chiếm.

Lúc này, phường cũng lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả hai lĩnh vực đất đai và xây dựng, ra quyết định cưỡng chế phá dỡ. Ông Tiến đã tạm đối phó bằng cách tự tháo dỡ nhà xây trái phép nhưng vẫn giữ nguyên phần đất lấn chiếm.

UBND P.Bình Thuận tuy có ra quyết định yêu cầu ông Tiến khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng ông Tiến không thực hiện, phường cũng không có biện pháp nào khác để giải quyết. Đến năm 2014, UBND P.Bình Thuận tiếp tục lặp lại những động thái như năm 2013: lập biên bản vi phạm hành chính; ra văn bản kiểm tra việc sử dụng đất; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính...; ông Tiến thì mặc kệ các biên bản, quyết định của chính quyền, không thực hiện nhưng vẫn “bình yên”.

“Phu phep” dat kenh rach thanh nha o truoc mat chinh quyen
Sau 5 năm kiểm tra xử lý, khu đất kênh rạch trái phép đã thành... nhà ở

Năm 2015, ông Tiến lại xây nhà trên đất san lấp trái phép, UBND P.Bình Thuận “khởi động” lại các “bài bản cũ” rồi tiếp tục... bỏ đó. Đến khoảng giữa năm 2015, ông Tiến “biến” mất, xuất hiện một người tên Nguyễn Đức Chiến tự nhận đã mua lại khu đất san lấp trái phép của ông Tiến, đề nghị được xây dựng nhà.

Lúc này, chính quyền địa phương chuyển sang tập trung xác định... ai là chủ của khu đất. Công an phường cũng được huy động để tìm kiếm thông tin, xác định nhân thân đối tượng xây dựng trái phép. Mặt khác, phường cho phát thanh vận động đối tượng chủ động tháo dỡ công trình sai phạm.

Đến khoảng đầu năm 2016, sau khi phường lần lượt thực hiện xong các công việc trên thì đối tượng của phường cũng đã hoàn thành khoảng 18 căn nhà xây dựng trái phép trên 743,29m2 đất kênh rạch lấn chiếm trái phép...

Giải thích các vấn đề trên, theo UBND P.Bình Thuận, từ khi phát hiện việc san lấp trái phép, bên cạnh việc lập biên bản, xử phạt, phường đều báo cáo đầy đủ cho UBND Q.7 để xin ý kiến xử lý, nhưng quận không trả lời. Cụ thể, suốt ba năm từ 2012-2014, các báo cáo của phường đều không nhận được phản hồi của quận. Đến năm 2015, khi có dấu hiệu thay đổi đối tượng vi phạm, Phòng Quản lý đô thị Q.7 đề nghị khi xử phạt vi phạm hành chính phải có đối tượng thực hiện, nên phường tổ chức xác minh.

Đáng lưu ý, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chiến khẳng định, thửa đất san lấp trái phép đã có giấy phép cho xây dựng nhà ươm của UBND Q.7. Tương tự, bà Lại Thị Thanh Nga - trưởng KP.5 cũng xác nhận: “Nhiều lần tôi đi cùng đoàn kiểm tra của phường, đều thấy ông Chiến đưa ra giấy phép cho xây dựng vườn ươm của quận trên đất san lấp trái phép. Trong khi phường đang xử lý mà quận lại làm như thế nên phường cũng không biết phải làm thế nào. Hiện người dân trong khu phố đang rất bức xúc về việc này”.

Vì sao UBND Q.7 cấp phép cho xây dựng trên đất san lấp trái phép? Chúng tôi đã chuyển vấn đề này đến UBND Q.7 gần 10 ngày nhưng chưa nhận được câu trả lời. Hiện vụ việc vẫn chưa dừng lại, vì sau khi xây nhà, ông Chiến đã bán lại những căn nhà này cho người khác.

Nếu sắp tới thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật, 18 hộ dân ở đây phải đối mặt với nguy cơ mất nhà. Hậu quả này ai chịu trách nhiệm. Chưa kể, tình trạng không có lối thoát nước phát sinh từ vụ việc vi phạm pháp luật đang góp phần kéo cả thành phố đối mặt với ngập úng ngày càng nặng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, kế hoạch đặt ra trong vòng 5 năm tới là TP sẽ giải quyết cơ bản khoảng 20.000 hộ lấn chiếm kênh rạch (trên 90%), với mục tiêu khôi phục lại các hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên. Trọng tâm là giải tỏa hết nhà lấn chiếm, trên kênh rạch, cản trở hệ thống thoát nước.

Ông Tuyến nhận định, công tác bảo vệ công trình ngầm và kênh rạch thoát nước thời gian qua còn yếu kém, còn tình trạng lấn chiếm, sử dụng diện tích kênh rạch thoát nước cho mục đích riêng, thậm chí có nơi hợp thức hóa cả diện tích đất dành cho thoát nước. Thống kê cho thấy các khu vực có số nhà lấn chiếm kênh rạch nhiều nhất thành phố là Q.8 gần 10.000 căn, Q.7 khoảng 2.200 căn…

Phan Trí

Mới đây, trong cuộc họp với UBND TP.HCM về tình trạng lấn chiếm kênh rạch ở TP, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết, hiện TP có đến 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả thoát nước, 61 điểm lấn chiếm lòng và hành lang kênh, rạch. Trong đó các quận 7, 8, Bình Thạnh... có diện tích lấn chiếm kênh rạch trái phép nhiều nhất.

Nguyên nhân là do công tác quản lý, bảo vệ kênh rạch thoát nước thời gian qua còn yếu kém; thậm chí có nơi còn có dấu hiệu hợp thức hóa đất lấn chiếm. Việc lấn chiếm kênh rạch vốn được các chuyên gia cảnh báo là nguyên nhân chính gây ngập hiện nay.

Trung tâm Quản lý và điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND các quận, huyện đề nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp lấn chiếm kênh rạch trái phép, nhưng nhiều quận, huyện vẫn không thực hiện.

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI