Khuyến khích mạo hiểm, chấp nhận cơ chế rủi ro nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo

27/06/2025 - 10:03

PNO - Sáng 27/6, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo - Ảnh: QH

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã xác lập nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguyên tắc này gắn với các biện pháp quản trị rủi ro phù hợp và giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định.

Đồng thời, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đảm bảo vừa khuyến khích sáng tạo, vừa bảo vệ lợi ích cộng đồng.

"Khuyến khích hoạt động mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách chia sẻ rủi ro, đầu tư mạo hiểm và các cơ chế tài chính đặc thù khác" - luật này ghi rõ.

Về cơ chế đặc biệt trong giải mã công nghệ, mua bí quyết công nghệ, dự thảo Luật đã quy định tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, được áp dụng cơ chế đặc biệt trong việc chỉ định và chi trả cho chuyên gia, mua trực tiếp theo giá thỏa thuận công nghệ, sản phẩm để giải mã công nghệ trong phát triển công nghệ chiến lược, mua bí quyết công nghệ.

Dự thảo luật cũng chỉnh lý nội dung Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư, hợp tác và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp để phát triển công nghệ chiến lược. Cụ thể là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu dùng chung; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu dùng chung để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia khai thác, vận hành.

Đáng lưu ý, tại dự thảo luật lần này, ông Lê Quang Huy đã chỉ đạo bổ sung các quy định về tổng công trình sư về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luật quy định “Tổng công trình sư” là cá nhân có uy tín và năng lực vượt trội, được trao quyền điều phối toàn diện các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiến lược, có quy mô lớn; có cơ chế đặc biệt về đãi ngộ và quyền chủ động nguồn lực tạo điều kiện phát huy tối đa vai trò dẫn dắt chuyên môn trong các chương trình, nhiệm vụ.

Liên quan tới cơ chế tài chính, quản lý tài sản và kết quả nghiên cứu trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật theo hướng chuyển mạnh từ “quản lý chi tiêu” sang “quản trị theo kết quả”.

Theo đó, khoán chi theo kết quả cuối cùng, tăng tính linh hoạt và tự chủ; giao quyền sở hữu tài sản và kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì ngay khi hình thành, không hoàn trả ngân sách, không ghi tăng vốn nhà nước; thương mại hóa kết quả nghiên cứu linh hoạt, lợi nhuận được tái đầu tư hoặc dùng để khuyến khích sáng tạo; phân bổ theo hiệu quả đầu ra; thiết lập hệ thống quỹ tài chính đồng bộ, chấp nhận rủi ro có kiểm soát, hỗ trợ linh hoạt cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Các điều 15 (Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kế hoạch về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), 61 (Ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo), 62 (Nội dung chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), 63 (Lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), 64 (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia), 65 (Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và 66 (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp) của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (gọi chung là Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 73 của Luật này.

Cũng trong sáng 27/6, Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Luật này quy định về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI