Phụ nữ tài giỏi có trọng sự nghiệp hơn hôn nhân?

27/07/2023 - 06:10

PNO - Nhiều người cho rằng những phụ nữ tài giỏi thường coi trọng sự nghiệp, xem nhẹ gia đình, khiến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Thực tế, có phải như vậy?

Thị trường lao động cần phụ nữ

Theo Dinah Hannaford - phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Houston (Mỹ) - phụ nữ ngày nay đang có xu hướng sống độc thân hoặc kết hôn trễ hơn. Một số khác chọn bạn đồng hành nhưng không muốn gắn bó lâu dài. Tại Mỹ, dữ liệu từ Cục Điều tra dân số cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ đã tăng từ mức trung bình 20,1 tuổi vào năm 1956 lên 28,2 tuổi vào năm 2022. Theo một báo cáo gần đây của tổ chức Wells Fargo Economics (Mỹ), tính đến năm 2021, có tới 52% phụ nữ ở xứ cờ hoa chưa kết hôn hoặc đã ly thân.  

Yuna Kato đang nghiên cứu sản xuất một máy bay nhẹ hoạt động bằng sức người tại Đại học Tokyo ở Tokyo, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Reuters
Yuna Kato đang nghiên cứu sản xuất một máy bay nhẹ hoạt động bằng sức người tại Đại học Tokyo ở Tokyo, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Reuters

Dù có nhiều lý do đằng sau việc trì hoãn hoặc bỏ qua hôn nhân, nghề nghiệp đang là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quyết định sống độc thân của nữ giới. Trên thực tế, phụ nữ độc thân là bộ phận đang phát triển nhanh chóng của lực lượng lao động, tăng từ mức 13,9% vào năm 2012 lên 16% vào năm 2022. Con số thay đổi không chỉ vì dân số ngày càng tăng mà còn vì nhóm phụ nữ này có nhu cầu tài chính ngày càng lớn hơn. Phụ nữ độc thân, đặc biệt là những người chưa bao giờ kết hôn, thường chỉ dựa vào thu nhập của chính họ, điều đó càng làm tăng sự quan trọng của việc làm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ chưa kết hôn đã tăng 1,9% trong 10 năm qua, cao hơn tỉ lệ của nam giới chưa kết hôn.

Là sinh viên năm 3 tại một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Nhật Bản, Yuna Kato đặt mục tiêu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, nhưng cô lo sợ rằng công việc có thể sẽ gián đoạn nếu mình sinh con. Kato cho biết, người thân đã cố gắng hướng cô ra khỏi nhóm ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vì cho rằng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này luôn quá bận rộn, từ đó khó tìm được chồng. Cô chia sẻ: “Bà và mẹ tôi thường nói ngoài kia luôn có nhiều công việc nằm ngoài lĩnh vực STEM để theo đuổi, nếu tôi muốn dành thời gian nuôi dạy con cái”.

Kato đã tiến xa trên con đường sự nghiệp nhưng nhiều nữ kỹ sư khác đã không chọn giống cô. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đất nước hoa anh đào đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 790.000 lao động vào năm 2030, phần lớn là do tỉ lệ nữ giới thiếu hụt trầm trọng. Các chuyên gia cảnh báo kết quả cuối cùng là sự suy giảm về đổi mới, năng suất và khả năng cạnh tranh. Yinuo Li - người phụ nữ 3 con cùng tấm bằng tiến sĩ sinh học phân tử đang làm việc tại Nhật Bản - chia sẻ: "Sự vắng mặt của phụ nữ trong lĩnh vực STEM thực sự rất lãng phí và là tổn thất cho quốc gia. Nếu không tìm cách cân bằng giới tính, ngành công nghệ tại Nhật Bản có thể hình thành một điểm mù và thiếu sót đáng kể". 

Cần sự phát triển từ 2 phía 

Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, khi trình độ học vấn và nghề nghiệp cao của phụ nữ mở ra cơ hội cho hôn nhân bình đẳng, kỳ vọng rằng phụ nữ kết hôn với người xứng tầm hoặc giỏi hơn họ vẫn tồn tại.

Theo truyền thống, đối với nhà gái, tiêu chí chính để chọn rể là nhà trai phải đủ khả năng cung cấp một căn hộ cho đôi vợ chồng. Điều đó giờ đây dường như không còn đúng nữa. Ji Yingchun - giáo sư xã hội học tại Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) - cho biết, trong một cuộc khảo sát gần đây do nhóm của bà thực hiện, khoảng 40% số phụ huynh có con gái sẵn sàng giúp đỡ đàng trai cùng mua nhà, trong khi 25% số người được hỏi cho biết vấn đề nhà ở của chú rể không còn quá quan trọng.

Thay vào đó, giáo dục và việc làm đóng vai trò then chốt hơn trong thị trường mai mối hiện đại. Đối với cha mẹ của chú rể, một cô dâu có trình độ học vấn cao đồng nghĩa với nguồn gen xuất sắc và khả năng chăm sóc, dạy dỗ vượt trội cho các cháu của họ. Ở phía cha mẹ cô dâu, một chú rể có học thức cao biểu thị năng lực và tiềm năng thăng tiến trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn định kiến về việc phụ nữ có trình độ cao không phải lúc nào cũng tốt. Nhiều phụ huynh muốn con trai họ lấy một phụ nữ có công việc ổn định, không quá bận rộn để có thời gian chăm lo cho gia đình. Theo giáo sư Ji Yingchun, nhiều phụ nữ độc thân không phải vì họ muốn lấy chồng giàu hoặc giỏi hơn mình mà vì đàn ông và gia đình họ nhất quyết không chịu chấp nhận một người con dâu quá tài giỏi. 

Ngọc Hạ (theo Reuters, Fortune, Sixth Tone)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI