Phụ nữ ngày càng thiệt thòi trong khủng hoảng an ninh lương thực

31/08/2022 - 11:47

PNO - Chịu trách nhiệm tạo ra 85%-90% nguồn thực phẩm cho gia đình, nhưng phụ nữ ở mọi khu vực trên thế giới luôn bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới.

Rouaya, 33 tuổi, đang phải nuôi dạy 5 đứa con tại một ngôi làng nhỏ ở Akkar, miền Bắc Lebanon, nơi đang trải qua khó khăn sau cuộc khủng hoảng kép do đại dịch COVID-19 và sự sụp đổ kinh tế của Lebanon.

Theo Liên Hợp Quốc, ở mọi khu vực trên thế giới, phụ nữ luôn bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới
Theo Liên Hiệp Quốc, ở mọi khu vực trên thế giới, phụ nữ luôn bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới

Hiện, Rouaya đang phải làm việc nhiều gấp đôi bình thường, vừa phải lo việc đồng áng vừa phải đảm đương việc nhà. Tuy nhiên, cô vẫn không thể kiếm đủ để nuôi sống gia đình.

“Thường thì tôi không có đủ tiền để mua thực phẩm về nấu ăn tại nhà, vì vậy tôi cho bọn trẻ ăn bánh mì rắc cỏ xạ hương. Đôi khi, chúng tôi chỉ ăn 2 bữa một ngày. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống tồi tệ như vậy”, Rouaya than thở.

Rouaya chỉ là một trong số hàng chục triệu phụ nữ trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực. Tình trạng này đang làm cho các vấn đề bất bình đẳng giới hiện nay ngày càng thêm trầm trọng.

Theo một báo cáo của tổ chức nhân đạo Care được công bố hồi đầu tháng 8, trong số 828 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2021, có khoảng 59% là phụ nữ. Điều đó có nghĩa là số phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn con số tương tự ở nam giới là 150 triệu người. Và con số này đang ngày càng tăng thêm.

So với năm 2018, sự chênh lệch về số phụ nữ và nam giới trong vấn đề mất an ninh lương thực đã tăng 8,4 lần, một phần là do đại dịch COVID-19. Xung đột Nga và Ukraine kéo theo tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu, cùng với lạm phát đang lan rộng ở nhiều nơi, làm cho khoảng cách này rộng thêm.

“Tình hình này trở nên tồi tệ hơn. Nếu nhìn vào tác động đối với nông nghiệp sau cuộc khủng hoảng phân bón ở Nga, thì tác động của nó là rất lớn. Chúng tôi không biết diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều vào phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng”, Emily Janoch - Giám đốc cấp cao của Care và là một trong những tác giả của báo cáo - chia sẻ với CNBC.

Theo báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” năm 2022 của Liên Hiệp Quốc, ở mọi khu vực trên thế giới, phụ nữ luôn bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới. Sự chênh lệch này rõ rệt nhất ở các nước đang phát triển, và ở miền Nam toàn cầu.

Báo cáo của Care cũng cho thấy, khi bất bình đẳng giới gia tăng trên 109 quốc gia, thì tình trạng mất an ninh lương thực cũng tăng theo. Chẳng hạn, tại Sudan - quốc gia chỉ được Ngân hàng Thế giới chấm 2,5/6 điểm về bình đẳng giới - khoảng 65% phụ nữ cho biết bị mất an ninh lương thực, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 49%.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc, phụ nữ đang phải chịu trách nhiệm tạo ra 85%-90% nguồn thực phẩm cho gia đình, tính theo mức trung bình toàn cầu.

Nhưng khi khủng hoảng xảy ra, họ lại phải nhường phần ăn của mình cho các thành viên trong gia đình.

Ví dụ, ở Somalia, đàn ông cho biết họ ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong khi phụ nữ phải bỏ bữa hoàn toàn. Ở Lebanon, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 85% phụ nữ cho biết họ cũng giảm khẩu phần ăn, tỷ lệ này ở nam giới là 57%.

Trong khi đó, ở Bangladesh, 21% phụ nữ cho biết phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình khi giá thực phẩm tăng cao.

Theo CNN, một điều nghịch lý khác là phần lớn đóng góp kinh tế của phụ nữ không được công nhận hoặc khó tính toán, ít nhất là trong dữ liệu kinh tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng giá trị kinh tế của những công việc không được trả lương, mà chủ yếu là do phụ nữ đảm nhận, chiếm từ 10% đến 60% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Bà Rebecca Burgess, giám đốc quốc gia của dự án The Hunger Project (Anh), cho rằng việc tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ tham gia và ra quyết định trong hoạt động kinh tế - ở cả phạm vi hộ gia đình và pháp luật - sẽ là một giải pháp dài hạn để giảm nghèo và cải thiện tình trạng dinh dưỡng một cách toàn diện.

“Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khi có cơ hội tạo ra và kiểm soát thu nhập, phụ nữ thường dành một phần đáng kể thu nhập của mình vào việc mua thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho gia đình”, bà Burgess chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Care được thực hiện tại Burundi năm 2021, mỗi 1 USD đầu tư cho việc cải thiện bình đẳng giới trong nông nghiệp sẽ mang lại 5 USD, trong khi hiệu quả chỉ đạt 1:2 khi đầu tư vào các chương trình nông nghiệp nhưng bỏ qua vấn đề bình đẳng giới.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI