Sau đại dịch là nỗi lo khủng hoảng lương thực

18/06/2022 - 06:00

PNO - Khủng hoảng lương thực xảy ra khi tỷ lệ đói và suy dinh dưỡng tăng mạnh khắp nơi trên thế giới. Tình trạng thiếu lương thực ngày càng gia tăng hiện nay đang gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, tương tự như đại dịch COVID-19.

Trẻ em dễ bị tổn thương

Vào tháng 5/2022, giá lương thực toàn cầu lên đến mức cao nhất từng có. Hơn 276 triệu người trên hành tinh, tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Con số này lớn gấp đôi so với mức trước đại dịch.

Hơn 276 triệu người trên hành tinh hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Con số có thể tăng lên 323 triệu vào cuối năm 2022 - ẢNH: GETTY IMAGES
Hơn 276 triệu người trên hành tinh hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Con số có thể tăng lên 323 triệu vào cuối năm 2022 - Ảnh: Getty Images

COVID-19 không phải là thủ phạm duy nhất. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc chính cho hàng trăm triệu người trên toàn thế giới - đã khiến nhiều quốc gia lao đao. Đến tháng 5/2022, nông dân Ukraine có 20 triệu tấn ngũ cốc tồn kho không thể đưa vào thị trường quốc tế. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ cũng đang gấp rút chuẩn bị đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực bằng cách hạn chế xuất khẩu, từ đó tạo nên hiệu ứng dây chuyền, đẩy giá lương thực thế giới lên cao hơn. 

Nạn đói trên toàn cầu hiện đã vượt qua tất cả các kỷ lục mà báo cáo toàn cầu về Khủng hoảng lương thực từng ghi nhận. Các khu vực có nguy cơ cao nhất là những nơi phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, xung đột bạo lực, bất ổn chính trị và kinh tế. Điển hình là Congo, Afghanistan, Ethiopia, Yemen, Nigeria, Syria và Nam Sudan.

Khủng hoảng lương thực không đơn thuần chỉ là "nạn đói kinh niên" hoặc "nguồn lương thực không ổn định", đặc trưng của khủng hoảng lương thực là việc tình hình trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng. Trên khắp các quốc gia và khu vực, toàn bộ cộng đồng có thể chuyển từ thiếu ăn đến đói khát chỉ trong vài tháng. Peter Sands - Giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu chống lại bệnh AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét - giải thích: "Tình trạng thiếu lương thực đem lại tác động xấu theo hai cách. Một là mọi người thực sự chết đói. Hai là dinh dưỡng kém khiến nhiều người dễ mắc các bệnh hiện có hơn".

Khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hơn một nửa số trẻ em trên thế giới bị suy dinh dưỡng đang sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực. Tình trạng thiếu dinh dưỡng góp phần gây ra khoảng 45% số ca tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi.

Đối với những đứa trẻ sống sót sau cuộc khủng hoảng lương thực, sự thiếu hụt dinh dưỡng mà chúng trải qua trong thời kỳ phát triển quan trọng thời thơ ấu sẽ khiến chúng có sức khỏe kém, cuộc sống chật vật về sau. Ở những quốc gia nghèo đói, cứ hai trẻ thì có một em bị còi cọc về thể chất, chậm phát triển hoặc cả hai. Phụ nữ và trẻ em gái có nhiều khả năng bị tổn thương do thiếu lương thực hơn vì ở nhiều vùng, họ thường là người được ăn cuối cùng, với ít thực phẩm và chất lượng bữa ăn cũng kém hơn.  

Hành động toàn cầu

Theo báo cáo ngắn của nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu (GCRG) vừa được công bố vào tháng Sáu này, ước tính có khoảng 1,6 tỷ người ở 94 quốc gia đang phải đối mặt với ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng về lương thực, năng lượng và tài chính. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết, các quốc gia phải hành động ngay bây giờ để cứu mạng sống và sinh kế của hàng triệu người.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng đang làm gia tăng hậu quả của những thách thức khác mà các quốc gia đang đối đầu. Chẳng hạn như tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đại dịch COVID-19 và sự bất bình đẳng về nguồn lực để phục hồi sau đại dịch. Dự kiến số người bị tác động bởi tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể lên đến con số 323 triệu vào cuối năm 2022. 

Trưởng bộ phận thương mại của Liên Hiệp Quốc Rebeca Grynspan nhận định: Thế giới đang "chạy đua với thời gian", hậu quả từ việc không hành động sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí để tìm kiếm giải pháp. Theo bà, nếu chiến tranh tiếp tục khiến tình hình giá ngũ cốc và phân bón cao tiếp tục kéo dài sang vụ mùa tiếp theo, tình trạng thiếu các lương thực cơ bản khác như gạo sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn thế giới. 

Tấn Vĩ  (theo UN, World Vision, Inquirer)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI