Phụ nữ bay vào vũ trụ sẽ chịu những tác động nào?

25/10/2019 - 12:00

PNO - Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc đi bộ ngoài không gian chỉ toàn các phi hành gia nữ. Đến nay, đã có những “bật mí” về sức khỏe của chị em khi bay vào vũ trụ.

Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc đi bộ ngoài không gian chỉ toàn các phi hành gia nữ. Nhân đó, lần đầu tiên có những “bật mí” về sức khỏe của chị em khi bay vào vũ trụ, từ một tiến sĩ ngành… phụ khoa không gian.

Người đầu tiên trên sao Hỏa có thể là phụ nữ 

“Nếu cô con gái 11 tuổi của tôi theo con đường mà cháu chọn lựa, chúng tôi sẽ có một người phụ nữ lên sao Hỏa trong tương lai không xa” - ông Jim Bridenstine, người phụ trách Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), nói vậy trong cuộc họp báo gần đây về cuộc đi bộ ngoài không gian đầu tiên gồm toàn các phi hành gia nữ. 

Phu nu bay vao vu tru se chiu nhung tac dong nao?
Cô Jessica Meir (trái) và cô Christina Koch - Ảnh: NASA

Ông Jim Bridenstine cho biết: sau nhiều tháng trì hoãn, kể cả các kế hoạch đầu năm nay cũng đã bị hủy vì thiếu những bộ đồ vũ trụ có… kích cỡ trung bình, để phù hợp với một trong các phi hành gia nữ trong nhóm, ngày 18/10, hai phi hành gia nữ của Hoa Kỳ - cô Christina Koch và Jessica Meir - đã được ghi tên vào lịch sử khi họ cùng bước ra khỏi Trạm Không gian quốc tế (ISS) trong chuyến đi bộ trong không gian lần đầu tiên chỉ có toàn phụ nữ.

Cô Jessica Meir có bằng tiến sĩ sinh học biển, lần đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Cô vừa trở thành người phụ nữ thứ 15 đi bộ trong không gian. Cô Christina Koch có bằng kỹ sư điện, trước đây từng thực hiện bốn cuộc đi bộ ngoài không gian cùng các phi hành gia nam.

Hai cô Koch và Meir, trong bộ đồ phi hành gia màu trắng được buộc dây nối với Trạm ISS đang ở cách trái đất khoảng 408km, đã bước ra ngoài không gian lúc 07:38 giờ miền Đông Hoa Kỳ, để thay thế bộ xả pin bị lỗi thiết kế, gắn ở mặt ngoài của Trạm ISS. 

Bay vào vũ trụ sẽ gây ảnh hưởng tới phụ nữ?

Đó là chủ đề xuyên suốt, do BBC Radio 5 Live thực hiện hôm 22/10 với tiến sĩ Varsha Jain, nhà hàn lâm đầu tiên đã làm việc bán thời gian với NASA, trong tư cách một bác sĩ phụ khoa không gian suốt chục năm qua. Hiện nay, cô đang công tác ở Trung tâm Sức khỏe sinh sản MRC, Đại học Edinburgh, và tham gia cùng NASA nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ trong không gian. 

Theo tiến sĩ Varsha Jain, sự thích nghi với môi trường không gian gần như giống nhau đối với cả nam và nữ, song vẫn có một số khác biệt. Đàn ông gặp nhiều vấn đề hơn với tầm nhìn và thính giác, khi họ quay trở lại từ không gian. Khi phụ nữ trở về trái đất, họ có vấn đề trong việc kiểm soát huyết áp. “Có một số khác biệt tinh tế, và chúng tôi không biết liệu điều đó có liên quan tới sự khác biệt về nội tiết tố, hay nhiều thay đổi sinh lý đang xảy ra. Về lâu dài, hiểu được những khác biệt đó sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về sức khỏe của con người trên trái đất” - cô Varsha Jain nói.

Khi Hoa Kỳ gửi Sally Ride lên vũ trụ, những câu hỏi mà NASA đặt ra là về những gì sẽ xảy ra với kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. 

Bởi vì du hành vào không gian hơi giống một chuyến… đi cắm trại, nên các kỹ sư phải lên kế hoạch cho rất nhiều việc, bao gồm cả việc cần bao nhiêu sản phẩm vệ sinh.

Hầu hết các phi hành gia nữ hiện nay sử dụng thuốc tránh thai để ngăn chặn kỳ kinh nguyệt của họ, và như vậy là an toàn với cách làm đó, bởi họ đều là những phụ nữ khỏe mạnh.

Cũng có những hạn chế về cách nước có thể được sử dụng để rửa, vì vậy tính thực tế của việc vệ sinh cá nhân trong khi hành kinh lúc bay vào không gian có thể là một thách thức. 

Nhựt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI