Phụ nữ Ấn Độ chịu đựng đớn đau vì những điều cấm kỵ

01/05/2023 - 22:13

PNO - Ở Ấn Độ, có 42 triệu phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung nhưng sự kỳ thị về văn hóa khiến họ không được chẩn đoán và chữa trị.

 

 Những điều cấm kỵ của Ấn Độ xung quanh nỗi đau của phụ nữ khiến những người bị lạc nội mạc tử cung đau đớn
Những điều cấm kỵ của Ấn Độ khiến phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đau đớn

Ruhi Singh đã trải qua những cơn đau bụng suốt thời gian thiếu nữ của mình. Trong hơn 13 năm, cô phải đi khám ở 20 phòng khám, bệnh viện khác nhau mới được chẩn đoán. Singh nói: “Tôi đi siêu âm hàng tháng và họ chỉ nói với tôi rằng mọi thứ đều ổn và tôi nên tập yoga hoặc có thai sẽ hết. Gặp bác sĩ nào họ cũng nói với tôi như vậy".

Singh, hiện là một luật sư ở Delhi, 31 tuổi lần đầu tiên bị đau trong kỳ kinh nguyệt là vào năm 18 tuổi. “Tôi bị chảy máu rất nhiều, nhưng tôi không nghĩ có gì phải lo lắng vì mẹ tôi đã trải qua các triệu chứng tương tự trong phần lớn cuộc đời của bà” - cô nói. 

Nhưng cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi Singh bị chảy máu ngày càng nhiều. Vào năm 2014, Singh bị đau dữ dội ở bên phải đến nỗi cô nghĩ rằng mình bị viêm ruột thừa. Sau đó, cô bị cắt bỏ một khối u nang. Hai năm sau, cô phát hiện thêm một u nang và bắt đầu dùng hormone, điều này làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm.

Singh cuối cùng được chẩn đoán vào tháng 9/2020, khi lạc nội mạc tử cung đã lan đến trực tràng, cổ tử cung và ống dẫn trứng của cô. Tử cung của cô đã bị cắt bỏ vào tháng 5 năm ngoái và các biến chứng buộc cô phải sử dụng ống thông trong 4 tháng. “Những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt khi đối mặt với bệnh lạc nội mạc tử cung ở Ấn Độ là vô cùng khủng khiếp. Phụ nữ thường được cho biết rằng một số cơn đau là bình thường" - Singh nói.

Những gì Ruhi trải qua không phải là bất thường. Trên toàn cầu, bệnh lạc nội mạc tử cung cũng phổ biến như bệnh tiểu đường, căn bệnh này ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ. Ở Ấn Độ, căn bệnh này ảnh hưởng đến 42 triệu phụ nữ. Sự kém hiểu biết của các chuyên gia y tế, kết hợp với những hạn chế về văn hóa khiến tình trạng của họ càng ít được chẩn đoán và điều trị hơn.

Siêu âm qua âm đạo, hoặc siêu âm, là một trong những cách tốt nhất để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung nhưng những điều cấm kỵ về văn hóa ở các quốc gia như Ấn Độ có nghĩa là bác sĩ thường không khuyến khích điều đó. Ảnh: Kateryna Kukota/Getty/iStock
Siêu âm qua âm đạo là một trong những cách tốt nhất để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung nhưng những điều cấm kỵ về văn hóa ở các quốc gia như Ấn Độ khiến các bác sĩ không thực hiện điều này 

Rahul Gajbhiye, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe, sinh sản và Trẻ em Quốc gia Ấn Độ, cho biết: “Vẫn còn sự kỳ thị liên quan đến các rối loạn liên quan đến kinh nguyệt ở Ấn Độ và chúng ta cần giải quyết vấn đề này thông qua giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức về bệnh lạc nội mạc tử cung. Những thách thức lớn mà bệnh nhân phải đối mặt là chẩn đoán chậm trễ, chẩn đoán sai" - Gajbhiye, đại sứ của Hiệp hội lạc nội mạc tử cung thế giới, đang dẫn đầu một nghiên cứu toàn quốc nhằm mở rộng hiểu biết về căn bệnh này ở Ấn Độ về căn bệnh này.

Preety R Rajbangshi , người đứng đầu chương trình sức khỏe phụ nữ toàn cầu tại Viện George về Sức khỏe Toàn cầu Ấn Độ cho biết việc bình thường hóa nỗi đau trong xã hội Ấn Độ đã làm chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị. “Quan điểm xem nhẹ nỗi đau của người phụ nữ và cho rằng nó sẽ giảm dần sau khi kết hôn khiến căn bệnh này bị xem nhẹ. Do đó, nhiều cô gái vị thành niên cảm thấy khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt vẫn không được chẩn đoán”.

Apoorva Joshi, một chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng 33 tuổi bị lạc nội mạc tử cung, cho biết: “Một trong những cách chẩn đoán bệnh này là siêu âm qua âm đạo. Nhưng do những quan niệm xã hội về trinh tiết và những điều cấm kỵ xung quanh đời sống tình dục trước hôn nhân khiến việc chẩn đoán bị trì hoãn thêm".

Trong thời gian chiến đấu với căn bệnh lạc nội mạc tử cung, đồng nghiệp và bạn bè đã đặt cho Singh biệt danh “bà ngoại” vì cô luôn mang theo rất nhiều loại thuốc theo người. “Cơn đau đã hủy hoại cuộc đời tôi. Tôi không có đời sống, sinh hoạt bình thường. Các mối quan hệ của tôi rất căng thẳng. Sức khỏe tinh thần của tôi cũng trầm trọng. Bên cạnh đó, chứng trầm cảm lại được cho là một sự xấu hổ ở Ấn Độ càng khiến tôi cảm thấy tệ hại hơn".

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung hoặc ngay tại tử cung, thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, tương tự như cách niêm mạc bên trong tử cung hoạt động hàng tháng, dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng khi hành kinh. 

“Nội mạc tử cung” là thuật ngữ chỉ lớp niêm mạc lót bên trong tử cung. Trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc này sẽ phát triển và bị bong ra nếu quá trình thụ thai không diễn ra. 

Nếu khối lạc nội mạc cổ tử cung tiếp tục tăng trưởng, sẽ gây ra một loạt vấn đề như:

- Làm tắc ống dẫn trứng khi khối u bao phủ hoặc làm tổn thương buồng trứng. Máu bị kẹt trong buồng trứng có khả năng tạo thành u nang.

- Viêm (sưng tấy), đau bụng nhiều khi hành kinh.

- Hình thành mô sẹo và kết dính (loại mô có khả năng liên kết các cơ quan với nhau). Mô sẹo này là nguyên nhân gây đau vùng chậu và khiến người bệnh khó thụ thai.

- Các vấn đề về ruột và bàng quang.


Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI