Philippines dùng lực lượng bảo vệ bờ biển giữ thế cân bằng ở Biển Đông

08/01/2020 - 09:00

PNO - Dưới thời Tổng thống Duterte, Cảnh sát biển Philippines có những bước phát triển quan trọng. Thông qua đó, Philippines duy trì sự hiện diện của mình ở Biển Đông.

Ưu ái nhân lực, vật lực

Philippines đã tăng số nhân viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thêm 4.000 người trong năm 2019 và dự kiến tăng thêm 6.000 người vào năm 2020. Nguồn nhân lực của PCG hiện lên tới gần 23.000 người, vượt số lượng của Hải quân Philippines (14.000 người).

Những con tàu trắng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines dường như trở thành át chủ bài để Tổng thống Duterte thực hiện chiến lược “hữu hảo đa phương” của mình tại Biển Đông Ảnh: PCG
Những con tàu trắng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines dường như trở thành át chủ bài để Tổng thống Duterte thực hiện chiến lược “hữu hảo đa phương” của mình tại Biển Đông Ảnh: PCG

Ông Duterte thể hiện sự ưu ái với PCG ngay từ những ngày đầu nắm quyền. Năm 2016, trong lễ kỷ niệm PCG lần thứ 115, ông nhấn mạnh, Philippines với hơn 7.000 hòn đảo cần nhiều tàu PCG hơn để đảm bảo an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và chống ma túy. 

Các nhà quan sát nhận định, sự ưu ái cả về nhân lực lẫn vật lực cho PCG có thể là do Tổng thống Duterte muốn giữ thế cân bằng thông qua các hoạt động hợp tác, thay vì một “vùng xám” căng thẳng.

Cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ

Năm 2012, xảy ra bế tắc tại bãi cạn Scarborough khi Trung Quốc chỉ trích Philippines quân sự hóa cuộc tranh chấp trên biển qua việc để tàu tuần tra lớp Hamilton PF-15 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Tổng thống Benigno Aquino lúc đó đã chuyển sang dùng các tàu bảo vệ bờ biển để duy trì sự hiện diện của Philippines ở Biển Đông. 

Dưới thời mình, Tổng thống Duterte quyết định tận dụng PCG để mở ra sự hợp tác với Trung Quốc thông qua bản ghi nhớ chung hai bên, và trao học bổng cho một số nhân viên PCG sang học tại Trung Quốc. Nhờ vậy, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc lớn hơn không còn thù địch và đáng sợ đối với các tàu PCG nhỏ hơn khi cả hai bên cùng tuần tra trên Biển Đông.

Năm 2016, ông Duterte từng đề nghị dừng các cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines. Tuy nhiên, kể từ khi ông lên nắm quyền, PCG đã gia tăng bất thường các cuộc tập trận trên biển cùng với nhân viên bảo vệ bờ biển nước ngoài. Chương trình Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á (SEACAT) được tổ chức ở Philippines liên tục trong 4 năm qua giúp tập hợp các nhà thực thi pháp luật hàng hải nước ngoài và các quan chức hải quân từ bảy quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, chỉ riêng trong năm 2019, hai tàu USCG của Mỹ chuyên dụng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tham gia hai cuộc tập trận hàng hải khác nhau với Philippines. Chính phủ Mỹ cũng tăng số lượng nhân viên PCG đến Mỹ tham gia các khóa đào tạo ở nhiều cơ sở bảo vệ bờ biển khác nhau.

Dường như ông Duterte đã sử dụng PCG như một tấm đệm để tránh xa ảnh hưởng của Mỹ trong an ninh hàng hải, nhưng mặt khác, ông liên tục lôi kéo Mỹ hợp tác hàng hải bởi sự cân bằng này là cần thiết khi Bắc Kinh luôn sẵn sàng thay đổi thái độ của mình.

Hợp tác với Đông Nam Á

Sự phát triển của lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông, là điều hiển nhiên. Tuy vậy, sự phát triển này cần nằm dưới ngưỡng quân sự hóa Biển Đông. Ông Duterte hiểu rằng, các vấn đề hàng hải vốn có ở khu vực nhạy cảm của Đông Nam Á có thể được giải quyết tốt hơn bằng các tổ chức bảo vệ bờ biển chứ không phải hải quân. 

Năm nay, ông Duterte cho phép PCG thực hiện một cuộc tập trận hàng hải đa phương với các tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản và Indonesia tại vịnh Davao. Gần đây, bản thảo ghi nhớ về thực thi pháp luật trên biển và an ninh hàng hải giữa Indonesia và Philippines đã được thảo luận tại thành phố Cebu (Philippines). Ngoài ra, khi Sáng kiến Vịnh Thái Lan (GOTI) được nâng cấp thành Sáng kiến Thực thi Luật Hàng hải Đông Nam Á (SEAMLI), Philippines đã trở thành một trong những thành viên cốt lõi.

Do sự bất lợi của khu vực trong việc xây dựng hợp tác an ninh, các nước Đông Nam Á đã đổi mới trong việc sử dụng các tàu bảo vệ biển để thúc đẩy sự hợp tác. Nhận thức rõ điều đó, Philippines đã tích cực dựa vào PCG trong việc thu hút các quốc gia láng giềng. Tổng thống Duterte hiểu rằng, lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ không làm gián đoạn sự phát triển kinh tế hay đưa đất nước vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc khác.

 Tấn Vĩ (theo The Diplomat)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI