Phía sau những cuộc di dân rời Ukraine

18/03/2022 - 16:22

PNO - Nếu chưa bao giờ tôi thấy một cuộc di dân hầu như chỉ toàn đàn bà và trẻ con, thì cũng chưa bao giờ tôi thấy một lực lượng tình nguyện viên đông đảo và kiên nhẫn đến thế.

Có lẽ chưa bao giờ - kể từ thế chiến thứ hai châu Âu chứng kiến một cuộc di dân bất đắc dĩ đông đến thế. Hơn hai triệu người Ukraine đã vượt qua biên giới của nhiều nước để tránh đạn bom. Hơn hai triệu người gần như chỉ có phụ nữ và trẻ con - một cuộc di dân quá đặc biệt trong lịch sử.

Hơn 2 triệu phụ nữ và trẻ em Ukraine phải tìm cách chạy khỏi đất nước để tránh chiến tranh - Ảnh: Emilio Morenatti/AP
Hơn 2 triệu phụ nữ và trẻ em Ukraine phải tìm cách chạy khỏi đất nước để tránh chiến tranh - Ảnh: Emilio Morenatti/AP

Có mặt tại biên giới Ba Lan và Ukraine những ngày này cũng là những tháng ngày mà tâm trạng, xúc cảm, nhận thức đều được thử thách một cách bất thường. Vừa muốn mở thật to mắt để nhìn, thật căng tai - để nghe, để ghi nhận cho không sót một thông tin hay sự kiện nào, vừa muốn quay đi, để tránh phải nhìn những điều đau lòng.

Tôi đã đi dọc qua ba cửa khẩu biên giới của Ba Lan và Ukraine, từ cửa khẩu Medyka gần Lviv của Ukraine nhất đến cửa khẩu gần biên giới Balarussia nhất, ở đâu cũng thấy cảnh những bà mẹ, kéo theo chiếc va li, tay cầm thật chặt bàn tay của con, lặng lẽ trên đường. Có nhiều người còn dẫn theo mẹ già, hoặc ôm một bé sơ sinh trong tay.

Có một điều khá kỳ lạ, nằm ngoài sự hình dung của tôi là những người đàn bà này thường rất im lìm, và những đứa trẻ hầu như không mè nheo, không khóc. Ngay cả những đứa trẻ lạc mẹ, lang thang trên đường một mình, chúng cũng không khóc. Tôi cứ tự thắc mắc cho đến khi chứng kiến một người đàn bà đứng lặng lẽ trên ga tàu ở gần biên giới, một bên là chuyến tàu đi Warsava, một bên là chuyến tàu đi Katowice. Bà không lên đâu cả, cứ đứng đó xua tay khi các tình nguyện viên Ba Lan có ý định chuyển vali của bà lên tàu. Bà bật khóc khi được nghe hỏi muốn đi đâu “chồng và con trai tôi đều đang ở Ukraine, tôi đi đâu thì cũng không có nghĩa, tôi thực lòng không biết đi đâu".

Phải rồi, khi để lại chồng cha, hoặc con trai của mình ở sau lưng, đi về một nơi không biết sẽ là đâu, bao lâu thì người ta còn gì nhiều để nói?

Cảm giác muốn được ôm những đứa trẻ lũn cũn sau lưng mẹ hoặc im lìm rất hiểu chuyện vào lòng xâm chiếm tôi suốt hành trình. Tôi đã gặp những đứa trẻ mới chỉ lên chín mà đã cùng mẹ trông một đàn em lít nhít ba đứa, đứa nhỏ nhất mới chỉ lên ba. Nhìn thằng bé lếch thếch gồng mình giúp mẹ kéo một chiếc va li cao gần bằng nó, nhường miếng ăn mà người ta tặng nó cho em, tất tả thu thu xếp xếp những gói đồ từ thiện được tặng, tôi có cảm giác chuyến đi đã biến nó thành một người đàn ông thực thụ, để cùng mẹ vượt tiếp một chặng dài nữa, hứa hẹn nhiều gian khó. Tôi cũng ngỡ ngàng khi thấy một cậu bé chạy loạn mà chỉ ôm theo duy nhất một chiếc túi dứa. Vượt được qua cửa khẩu, vào đến trạm nghỉ, cậu bé mới mở chiếc bao dứa, bế ra một chú chó. Cứ thế, chúng im lìm ngồi, ôm nhau thật chặt như tận hưởng phút giây yên bình sau một chặng vất vả.

Thật may, đất nước Ba Lan đã rộng lòng.

Nếu chưa bao giờ tôi thấy một cuộc di dân hầu như chỉ toàn đàn bà và trẻ con, thì cũng chưa bao giờ tôi thấy một lực lượng tình nguyện viên đông đảo và kiên nhẫn đến thế. Đêm biên giới lạnh đến âm 5-100C, súp nóng, đồ ăn và lửa luôn sẵn sàng cho những người mới đến. Nhà ga gần biên giới trở thành trạm đón tiếp, tình nguyện viên Ba Lan, Việt Nam, Đức với đủ màu áo luôn túc trực. Hướng dẫn đăng ký lưu trú tạm thời, hướng dẫn mua vé tàu, phục vụ ăn uống, mang đồ cứu trợ… Nếu như biên kia biên giới là những cuộc giao tranh súng đạn thì thật may, bên này biên giới là những cái nắm tay, thậm chí chẳng cần hiểu ngôn ngữ của nhau, chỉ nhìn thôi, rồi lặng lẽ rót cho nhau ly trà nóng, cũng đủ ấm lòng.

Nhiều người Việt tại Ba Lan đã vượt vài trăm km đi về trong đêm chỉ vì nghe có gia đình Việt Nam đã đến cửa khẩu và cần sự giúp đỡ. Nhiều tình nguyện viên Ba Lan cũng từ Warsava đến các trại lưu trú tạm thời ở gần biên giới để giúp chuyên chở người về thành phố. Có những chiếc xe minibus đi từ Berlin sang, lúc đi là chở phóng viên, rồi dùng xe để tranh thủ chở người có nguyện vọng được xin lưu trú tại Đức.  

Có Thomas từ Berlin vét hết vài ngàn euro tiết kiệm để sang mở quầy khoai rán tặng cho người sơ tán, có David là thầy giáo đi từ Warsava xuống chỉ để chuyên chở người trong đêm rồi sáng lại về đi làm (hành trình đi về hết tám giờ đồng hồ) có Olga tuần đi hai buổi từ Warsava xuống biên giới chở người, dứt khoát không cho tôi phỏng vấn vì cô thấy mình chả làm gì ngoài việc “cho trái tim tôi được sưởi ấm"… Rất nhiều người trong số họ, không thuộc hội nhóm hay tổ chức nào, chỉ đơn giản họ thấy cần có mặt, chỉ để không có người phụ nữ hay trẻ em nào đến từ Ukraine không được giúp đỡ.

Cuộc can thiệp vũ trang - theo cách nói của Nga vào Ukraine chắc chắn đã và đang làm thay đổi hình thái của châu Âu với dòng người di dân dự kiến có thể lên nhiều triệu người. Nó khiến châu Âu sẽ phải tìm ra những giải pháp có tính bền vững cho cộng đồng người đến từ Ukraine nhưng nó cũng khiến con người bắt buộc phải lớn lên theo nhiều nghĩa.

Những người đàn bà đến từ Ukraine bắt buộc phải rắn rỏi, những đứa trẻ con bắt buộc phải trưởng thành, phải sẵn sàng trở thành những người trụ cột trong gia đình sớm nhất có thể và nhiều trái tim bắt buộc phải tôi luyện để rộng lượng hơn khi việc nhường cơm sẻ áo trở thành gần như đương nhiên, đồng thuế của người châu Âu sẽ thêm một khoản chi nữa cho những người mà chính họ cũng không mong được nhận nó theo cách này.

Lịch sử châu Âu đang chứng kiến những điều mà chỉ cách đây một tháng, không ai có thể tin, và người ta sẽ phải lớn lên - theo cách mà lịch sử muốn.

Nguyễn Mỹ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI