Trẻ em về từ Ukraine sẽ học tập như thế nào?

17/03/2022 - 15:35

PNO - Nhiều phụ huynh lo lắng về việc học của con khi trở về từ Ukraine, nhất là với những học sinh lớp 1 nói tiếng Việt chưa sõi.

Theo thống kê đến ngày 16/3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.600 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó gần 1.200 người đã về nước an toàn trên 4 chuyến bay được tổ chức vào các ngày 7/3, 9/3 và 13/3. 

Theo đó, hầu hết bà con có nguyện vọng tại Romania và Ba Lan đều được các Cơ quan đại diện hỗ trợ hoàn thành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị về nước. 

Trở về từ Ukraine sau khi đất nước này xảy ra chiến sự, nhiều phụ huynh là người Việt đã vô cùng lo lắng về việc học tiếp theo của con mình.

Chị Đỗ Thị Hoài Thu (Hà Nội) cùng 2 con gái 6 tuổi và 14 tuổi trở lại Việt Nam trên chuyến bay VN58 từ Warsaw (Ba Lan), sau thời gian dài không về thăm quê. Mừng vui vì cùng các con về nước an toàn, tuy nhiên, chị Thu cũng không giấu được nỗi lo về tương lai của các con.

Trên chuyến bay VN58 từ Warsaw (Ba Lan), chị Đỗ Thị Hoài Thu và các con trở về Việt Nam - Ảnh: Đại Minh
Chị Đỗ Thị Hoài Thu và các con trở về Việt Nam an toàn - Ảnh: Đại Minh

“Gia đình tôi đã sinh sống và làm việc tại Ukraine nhiều năm qua và rất ít về nước nên khả năng nói tiếng Việt của các con tôi khá hạn chế. Điều tôi lo lắng nhất là thời gian tới phải bố trí việc học cho các con thế nào khi ngôn ngữ các con còn chưa thạo.

Việc tìm môi trường phù hợp với các con trong tình cảnh hiện tại cũng rất gian nan, đó là chưa kể liên quan đến các thủ tục nhập học và chờ phía trường tại Việt Nam đồng ý.

Trở về Việt Nam trong tình thế vội vàng nên tôi cũng không mang được sách vở gì cho con mà chỉ kịp tìm giấy tờ, quần áo”, chị Hoài Thu tâm sự.

Cùng cảnh ngộ, chị N.T.L. - một người Việt vừa trở về nước - cho biết: “Gia đình tôi đã ở thành phố Odessa (Ukraine) khoảng 6 năm. Khi di chuyển sang Warsaw (Ba Lan), do quá gấp gáp cũng như nghĩ tình hình căng thẳng kéo dài không lâu, gia đình tôi chỉ kịp mang theo quần áo, giấy tờ quan trọng. Toàn bộ sách vở của con đều phải bỏ lại vì hành lý mang nhiều cũng không tiện.

Không chỉ tôi mà các gia đình người Việt khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều lo lắng nhất khi trở về là bé nhà tôi hiện đang học lớp 1 chương trình của Ukraine. Trước mắt, chúng tôi cho con học trực tuyến thông qua Viber với các giáo viên của Ukraine”, chị L. nói.

Nội dung học của con chị L được giáo viên Ukraine gửi qua zalo
Nội dung học của con chị L được giáo viên Ukraine gửi qua Viber - Ảnh: Đại Minh

Theo đó, từ Ukraine, các giáo viên sẽ ra các bài học hằng ngày vào nhóm chat. Bố mẹ tại Việt Nam sẽ tải về sau đó hướng dẫn con thực hiện rồi gửi lại như một phương pháp dạy học trực tuyến.

“Cũng lo về Việt Nam con sẽ quên tiếng Ukraine nên tôi phải in sách giáo khoa và một số giáo trình để trực tiếp hỗ trợ thêm cho con.

Trước mắt thì đành như vậy, nếu tình hình Ukraine khá hơn chúng tôi sẽ quay lại và cho các con học tập tiếp ở đất nước này”, chị L. chia sẻ.

Về phía trường học tại Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT M.V Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 3 phụ huynh đến trường liên hệ cho con học, trong đó có hai học sinh lớp 8 và một học sinh lớp 10 từ Ukraine về nước học tập. 

“Với em học sinh lớp 10, do phụ huynh và con vẫn đang ở Ukraine nên gia đình làm thủ tục trước để chuẩn bị cho con trở về nước trong chuyến bay sớm nhất rồi mới nhập học.

Tinh thần của nhà trường là sẽ ưu tiên và hỗ trợ tốt nhất cho các em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và trước mắt, các em sẽ học dự thính trước khi văn phòng nhà trường hỗ trợ các thủ tục, chứng nhận của Đại sứ quán, dịch học bạ, thông qua Phòng Giáo dục đào tạo đối với học sinh cấp 2 và qua Sở GD&ĐT với học sinh cấp 3", thầy Tùng cho hay.

Trước đây, nhà trường cũng từng hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Iraq, có những trẻ mất cả cha lẫn mẹ, hay gần đây là bà con khu chợ Vòm (Nga) cho con cái về nước sống và học tập.

Ở bậc tiểu học Việt Nam, kiến thức môn tiếng Việt là nền tảng. Trong khi đó, ở nước ngoài, các em không được học môn tiếng Việt trong nhà trường. Vì thế, việc chuyển trường sẽ do các địa phương quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Về cơ bản, giữa gia đình học sinh và nhà trường sẽ có sự hợp tác với nhau để xác định trình độ tương đương mà học sinh có thể theo học.

Học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước xin học được gia hạn thêm 1 tuổi so với quy định chung về độ tuổi.

Về nguyên tắc phân cấp, Sở GD-ĐT là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu HS về trường với cấp THPT. Cấp THCS và tiểu học thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng GD-ĐT.

Ngoài ra, Thông tư 50/2021/BGDĐT về việc sửa đổi một số quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường THCS, THPT còn quy định về điều kiện văn bằng đối với học sinh THCS như sau:

- Học sinh vào học tại trường trung học cơ sở phải có học bạ hoặc giấy xác nhận kết quả học tập các lớp học trước đó, cùng với xác nhận của nhà trường về việc được chuyển lên lớp trên.

- Về hồ sơ tiếp nhận học sinh về nước và học sinh nước ngoài:

Học sinh có thể cung cấp học bạ hoặc giấy xác nhận của nhà trường về kết quả học tập các lớp học trước đó (bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực).

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI