Pfizer muốn phát triển mũi tiêm thứ 3 cho vắc xin COVID-19, WHO gọi đó là "lòng tham"

13/07/2021 - 08:42

PNO - Pfizer đệ trình lên FDA mũi tiêm vắc xin lần thứ 3 để chống lại biến thể Delta, chủng virus COVID-19 lây lan với tốc độ không thể kiểm soát. WHO bác bỏ nhận định này, gọi đó là "lòng tham" và khuyến cáo Pfizer cùng Moderna nên dốc hết sức để cung cấp vắc xin cho toàn cầu.

Hôm 12/7 (giờ địa phương), hãng dược Pfizer cho biết họ đang tìm kiếm sự đồng thuận từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA,) để được cấp phép cho mũi tiêm thứ 3 trong liều vắc xin COVID-19. Theo Pfizer, đây là mũi tiêm nhắc lại và nó được ra đời trong bối cảnh lo ngại biến thể Delta lây lan với tốc độ không thể kiểm soát và đe dọa gây nên một đợt tấn công SARS-CoV-2 mới trên toàn cầu. 

Thế nhưng, trong một thông điệp mới nhất được phát đi từ WHO, tổ chức này khẳng định không có đủ bằng chứng để thấy rằng cần phải tiêm liều thứ ba. Và theo WHO, thay vì tiến hành nghiên cứu và công bố mũi tiêm nhắc lại lần thứ ba thì Pfizer nên tập trung, phát triển để đảm bảo việc cung cấp vắc xin đủ dùng cho toàn thế giới.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Pfizer và Moderna nên dồn lực để cung cấp vắc xin cho châu Phi và nhóm các quốc gia có thu nhập kém. Ảnh Laurent Gilliéron / AP.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết sự phát sinh rất kỳ cục này của vắc xin Pfizer là do “lòng tham”. Ông nói: “Đây là một lựa chọn không phải để bảo vệ những người cần được hỗ trợ. Điều này sẽ làm chậm chạp tiến trình tiếp cận vắc xin của những người chưa được tiêm chủng ngừa virus, những người đáng lý ra nên được ưu tiên tiêm phòng”.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi Pfizer và Moderna nên dốc hết sức để cung cấp vắc xin cho COVAX, một tổ chức được thành lập nhằm điều phối các nguồn lực quốc tế với mục đích phân bố một cách công bằng quyền tiếp cận, chẩn đoán và điều trị cũng như cung ứng các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19. Tedros nhấn mạnh châu Phi cùng nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp là những nơi đang cần kíp cho các liều vắc xin chủng ngừa. 

Người đứng đầu tổ chức WHO cũng cảnh báo số lượng bệnh nhân tử vong do COVID-19 đang có dấu hiệu  tăng cao và khả năng gây nên làn sóng đại dịch thảm khốc với biến thể Delta, chủng loài có khả năng lây nhiễm cực cao là điều hiện hữu.

Trong một thống kê được báo cáo từ Mỹ đã xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh SARS-CoV-2, biến thể Delta đã lên 136.351 ca với số người chết là 1.629 người, tăng 47% chỉ trong một tuần. Đây là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Thông số dữ liệu này do Đại học Johns Hopkins và Bloomberg tổng hợp và cung cấp.

Trọng Trí (Theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI