Vắc xin Sputnik V có tác dụng chống biến thể Delta đến 90%

11/07/2021 - 17:23

PNO - Ông Sergey Netesov, Trưởng phòng thí nghiệm Đại học quốc gia Novosibirsk đồng thời là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), cho biết các loại vắc xin chứa vector virus (Sputnik V) và mRNA (Pfizer, Moderna) có đủ khả năng bảo vệ chống lại chủng Delta của virus SARS-CoV-2.

Theo phân tích tạm thời của một thử nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vắc xin Sputnik V có hiệu quả 91,6% - Ảnh: Hindustan Times
Theo phân tích tạm thời của một thử nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vắc xin Sputnik V có hiệu quả 91,6% - Ảnh: Hindustan Times

"Theo dữ liệu của Anh, Mỹ và các quốc gia khác, vắc xin mRNA và vector, bao gồm cả Sputnik V của chúng tôi, có thể bảo vệ cơ thể chống lại biến thể Delta, mặc dù ở mức độ thấp hơn, nhưng chúng có thể chống lại chủng virus này. Các loại vắc xin nói trên có hiệu quả 95% chống chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2, nay có hiệu quả 90% chống biến thể Delta”, viện sĩ Netesov nói.

Ông cho biết thêm, các loại vắc xin đã được phát triển nên được sử dụng, vì chúng có hiệu quả khá cao.

Cuối tháng 6 vừa qua, Vladimir Gushchin, giám đốc phòng thí nghiệm cơ chế biến đổi dân số của Trung tâm nghiên cứu Gamaleya - đơn vị đã phát triển vắc xin Sputnik V - cho biết rằng các mũi tiêm vắc xin của Nga đảm bảo gần như 100% khả năng chống lại các ca bệnh nặng và các trường hợp tử vong do chủng Delta gây ra.

Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vắc xin ngừa COVID-19 có tên là Sputnik V vào tháng 8/2020.

Sputnik V, còn được gọi là Gam-Covid-Vac, sử dụng hai adenovirus được thiết kế khác nhau (rAd26 và rAd5) cho liều tiêm chủng đầu tiên và liều thứ hai, để cung cấp mã di truyền cho protein đột biến của virus SARS-CoV-2 vào tế bào con người. Adenovirus thường chỉ gây bệnh nhẹ ở người và bằng cách chọn hai cơ chế phân phối khác nhau, thay vì chỉ sử dụng một adenovirus được thiết kế như vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J), các nhà khoa học Nga nhắm đến mục đích tăng hiệu quả của vắc xin.

Theo một phân tích tạm thời của một thử nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vắc xin Sputnik V có hiệu quả 91,6%. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, và Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) đã báo cáo rằng Sputnik V có hiệu quả đến 97,6%.

Không giống như vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson, không có báo cáo nào về tình trạng đông máu hiếm gặp ở những người được tiêm chủng Sputnik V từ các cơ quan y tế Nga, hoặc từ hơn 60 quốc gia hiện đang sử dụng Sputnik V.

Thanh Vân (theo Hindustan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI