Ông cụ 86 tuổi lánh mặt cơn đột tử bằng cách thay van tim qua da

27/10/2017 - 16:30

PNO - Một ông cụ 86 tuổi ở Kiên Giang từng nhiều lần ngất xỉu trên bờ ruộng, sau khi được thay hẳn van tim, các bác sĩ kỳ vọng sống thêm được đến 10 năm là ít.

Sống thêm được ít nhất 10 năm

Ông cụ Phan Văn Hưng, 86 tuổi ở tỉnh Kiên Giang nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, bất ngờ ngã xỉu trên ruộng. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị hẹp van tim, chỉ có thể thay van tim mới tránh được những lần ngất xỉu đột ngột.

Những lần bất tỉnh như vậy của ông Hưng chính là dấu hiệu cho thấy khả năng đột tử của ông cụ rất cao. Tháng 10/2017, ông cụ được một tổ chức từ thiện đưa đến gặp giáo sư, bác sĩ Võ Thành Nhân – người trước kia là Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Giáo sư Nhân sau khi về hưu, làm việc tại Bệnh viện Vinmec Central Park (TP.HCM). Nhẹ nhàng thực hiện thay van tim ông cụ bằng kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), ca phẫu thuật được thực hiện thành công chỉ sau khoảng 2 giờ.

Trả lời thắc mắc của ông Hưng: “Bác sĩ ơi, tui sống thêm được bao lâu?”, bác sĩ Nhân hứa chắc chắn với van tim sinh học mới này, ông cụ sống thêm ít nhất 10 năm nữa. Lão nông nhoẻn miệng cười: “Tui chỉ cần 5 năm là đủ rồi”.

Ong cu 86 tuoi lanh mat con dot tu bang cach thay van tim qua da

Ông Hưng là ca bệnh thứ 21 được thực hiện kỹ thuật TAVI thành công của bác sĩ Nhân. Kỹ thuật này được bác sĩ Nhân và các cộng sự của mình học hỏi từ nước Pháp. Vì là kỹ thuật mới trên thế giới, phía sau mỗi ca mổ của bác sĩ Nhân luôn có sự quan sát của các chuyên gia nước ngoài. Tuy vậy, 21 ca thành công cũng là điều khiến cho bác sĩ Nhân và các cộng sự là bác sĩ người Việt cảm thấy rất vui mừng.

TAVI tránh sự đau đớn cho người già

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Võ Thành Nhân, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Vinmec Central Park (TP.HCM) cho biết về bệnh lý hẹp van động mạch chủ thường gặp nhất ở người cao tuổi: “Khi người lớn tuổi bị hẹp van động mạch chủ, dùng thuốc điều trị là không hiệu quả. Do đó, thường bệnh nhân sẽ được chỉ định thay van khi hẹp van tim ở mức độ nặng. Tuy nhiên, người cao tuổi thường có bệnh lý nội khoa khác đi kèm với bệnh hẹp van động mạch chủ.

Nguy cơ biến chứng khi mổ tim hở do đó sẽ cao hơn so với TAVI. Bởi lẽ, khi mổ tim hở sẽ bắt buộc phải chạy tim phổi nhân tạo, thời gian nằm chờ tại phòng săn sóc đặc biệt sẽ lâu hơn. Chưa kể phải đặt nội khí quản, gây mê toàn thân, với người lớn tuổi, thời gian hồi phục sẽ rất chậm”.

Theo giáo sư Nhân, khi sử dụng kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), bệnh nhân chỉ cần phải gây tê tại chỗ, không cần nằm săn sóc đặc biệt lâu. Chỉ cần theo dõi 2 giờ sau được can thiệp tim và chỉ trong 12 giờ, có thể đi lại được, thời gian phục hồi nhanh hơn, chỉ từ 5 đến 7 ngày.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ ở tim qua ống thông (Transcatheter Aortic Valve Implantation, TAVI) tránh mang đến những biến chứng trong ca mổ, tránh những đau đớn hậu phẫu, nhất là cho những người già.

Một van tim sinh học được ép nhỏ lại, được đưa từ động mạch ở đùi đi theo ống thông đến tận van tim. Van tim sinh học được bung ra và thay cho van tim cũ đã trở nên dày, cứng hoặc dính vào các mép van, gây cản trở dòng máu. Do phải đặt van tim sinh học nên đường kính ống thông rộng đến 6 mm, gấp 3 lần so với ống thông khi thực hiện kỹ thuật nong mạch vành.

Ong cu 86 tuoi lanh mat con dot tu bang cach thay van tim qua da

Đây là một trong những kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp nhất hiện nay, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và ekip chuyên nghiệp. Việt Nam mới thực hiện được khoảng 63 ca theo phương pháp này.

Vì là kỹ thuật mới nên chi phí cho mỗi ca bệnh lên đến khoảng 1,2 – 1,3 tỷ đồng cho một lần thay van tim. Giáo sư Võ Thành Nhân tuy vậy vẫn rất kỳ vọng đây sẽ là xu hướng trong thay van tim tại Việt Nam cũng như nó đang là xu hướng lan rộng trên thế giới: “Cách đây 17 năm – khi mới bắt đầu kỹ thuật đặt stent cho động mạch vành, giá thành 1 stent rất cao, số lượng bệnh nhân đủ sức chi trả rất ít.

Sau này, khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, giá thành stent càng rẻ và được sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, vấn đề đặt stent trở nên rất phổ biến. Tôi hi vọng trong khoảng 10 năm tới, khi giá thành van tim nhân tạo giảm và có được sự hỗ trợ của bảo hiểm, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) sẽ phổ biến với người  Việt Nam hơn bây giờ”.

Các trường hợp nên thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông: Người cao tuổi (định nghĩa của nước ngoài là trên 65 tuổi, theo định nghĩa của Việt Nam là trên 60 tuổi) bị hẹp van tim ở mức độ nặng. Mức độ nặng gồm các tiêu chí: diện tích lỗ van dưới 1cm2, hoặc vận tốc dòng chảy của máu qua lỗ van động mạch chủ trên 4m/s hoặc dựa trên độ chênh áp trung bình qua lỗ van động mạch chủ là trên 40 mm thủy ngân.

Hoàng Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI