Ôm con ngồi ngoài đường tới sáng, không dám vào nhà vì sợ chồng đánh

27/08/2019 - 05:30

PNO - Ý nghĩ mình cô giáo mà lấy chồng thợ mộc khiến chị ngại. Sau thấy anh chàng đeo bám dữ quá, chị "thấy tội" nên dần xuôi lòng.

Chị bảo: "Mình không đẹp, chỉ có duyên, vậy mà lận đận mãi tới năm hai mươi tám tuổi mới có chồng".

Nói khôi hài vậy, chứ mười năm trời lăn lộn với ngôi trường trung học phổ thông mới xây dựng tại vùng ngã ba biên giới Kon Tum, xung quanh toàn đồng bào dân tộc thiểu số, muốn kiếm một ông chồng theo ý mình thật khó.

Cạnh trường có một đồn biên phòng, cán bộ, chiến sĩ ai cũng khỏe mạnh, ưu tú, kẹt nỗi là các chú lính trẻ lại ít tuổi hơn chị, đi nghĩa vụ quân sự ba năm, chưa kịp tìm hiểu thì anh em đã ai về quê nấy. Mấy anh cán bộ sĩ quan bằng tuổi thì đã vợ con cả rồi, có yêu cũng chẳng tới phần mình. 

Om con ngoi ngoai duong toi sang, khong dam vao nha vi so chong danh
Chị ngồi khóc suốt đêm vì chồng nướng hết tiền mừng cưới vào bài bạc. Hình minh họa.

Một cô giáo lớn tuổi dạy cùng trường, có lần bảo chị: "Mày lấy chồng đi, tao làm mai cháu tao cho. Nó vừa ngoài Bắc vô, dân làm mộc cũng rủng rỉnh tiền bạc, hai vợ chồng chẳng mấy lúc mà giàu". 

Chị cười rũ ra. Thời buổi này mà còn nhờ người mai mối sao? Thôi kệ, cái duyên trời se, lúc nào nó tới thì tới. Nhưng khi anh thợ mộc lân la tới trường làm quen, chị thấy người ấy cao ráo khỏe mạnh, có phần đẹp trai, ga-lăng, ăn nói dễ nghe. Nhưng ý nghĩ mình cô giáo mà lấy chồng thợ mộc khiến chị ngại. Sau thấy anh chàng đeo bám dữ quá, chị thấy tội nên dần xuôi lòng. Biết đâu duyên số mang tới. 

Chị tuổi Dậu, anh tuổi Mùi, có người xem số bảo hai mạng Thủy - Thổ khắc nhau, nhưng biết nhường nhịn thì cũng ổn. Ừ thì nhịn, gì chứ nhường nhịn vốn là đức tính của phụ nữ miền Trung quê chị.

Vậy mà đám cưới xong, chị đã choáng váng vì thất vọng. Anh chồng thợ mộc ôm mấy chục triệu tiền mừng đám cưới bài bạc suốt đêm, hết sạch. Chị ngồi giữa sân khóc cả đêm. Chồng dỗ vào ngủ không được thì cáu, chửi chị: "Mày tiếc tiền, nhảy xuống giếng mà chết đi". 

Đem chuyện đó méc bà cô chồng, bả nói lỡ rồi thì thôi. Cứ đám cưới, đám ma, đám giỗ, tập trung đông người là bài bạc. Thôi thì nhịn, mong là chồng chỉ đam mê nhất thời. Nhưng suốt hai năm sau cưới, thấy chồng không bớt mà có phần "chịu chơi" hơn. Làm được đồng nào, đem cờ bạc, ăn nhậu, cặp bồ hết. Về bị vợ nhắc thì chửi tàn tệ. 

Chị khóc ròng vì bị xúc phạm, từ bé chị chưa bị ai chửi bao giờ. Bố mẹ chồng động viên: "Tại lâu quá không có con nên thằng chồng con nó vậy". Năm ba mươi tuổi, trời cho chị đứa con đầu, nhưng mới mang thai đến tháng thứ bảy thì chị bị chồng đánh dã man, sinh non không nuôi được. Hai năm sau, lúc ba mươi ba tuổi chị mới có con gái đầu lòng. 

Cuộc sống thật chẳng khác gì địa ngục. Một mình nuôi con, đến lớp, lo việc nhà. Ủy ban huyện cấp cho chị một căn nhà theo tiêu chuẩn hỗ trợ giáo viên vùng sâu biên giới. Vậy mà có những đêm chị ôm con ngồi ngoài đường tới sáng, không dám vô nhà vì bị chồng đánh đập.

Om con ngoi ngoai duong toi sang, khong dam vao nha vi so chong danh

Ảnh minh họa

Năm ba mươi sáu tuổi, chị tìm cách tạm xa người chồng vũ phu, gửi con cho bà ngoại, đi học cao học tại Đại học Huế. Suốt ba năm đi học, ở nhà người chồng bán luôn căn nhà được cấp của chị, lấy tiền tiêu xài, cờ bạc.

Chán nản cùng cực, chị làm đơn ly hôn, nhưng chồng không ký mà còn dọa bắt con gái mang qua Trung Quốc bán rồi thuốc cho chết cả nhà. Chị không nộp đơn ly hôn nữa, hắn quay sang khóc lóc, năn nỉ xin tha thứ, để được làm lại từ đầu.

Thấy "tội nghiệp", chị lại mềm lòng tha thứ, rồi năm 2009 họ có thêm cô con gái thứ hai. Người ta nói "chứng nào tật nấy", con gái mới được năm tháng, chồng chị lại ngập trong ăn nhậu, cá độ, đòn roi lại tiếp tục trút xuống đầu chị.

Lúc đó thì chị phẫn nộ, một thạc sĩ ngành giáo dục, một giáo viên đứng lớp mà phải chịu bị đánh đập chửi bới như một nô lệ sao? Ôm hai đứa con về ở với bà ngoại, lần này chị quyết ly hôn. Ly hôn xong mới bảy ngày, người chồng cũ bỏ về quê, cặp với một cô góa chồng bán cá ở chợ Vĩnh Tường.

Bây giờ, sau mười năm ly hôn, chị thuê nhà sống với hai con gái cách trường học ba mươi cây số. Chưa thể làm nhà mới, chị tập trung nuôi dạy con ăn học, đem hết tâm trí xây dựng ngôi trường của mình nơi biên giới xa xôi. Mỗi khi tâm sự với các đồng nghiệp trẻ, chị vẫn nhắc: "Trong tình yêu, thấy tội nghiệp ai đó mà lấy làm chồng là một sai lầm lớn". 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI