Nước mưa khắp thế giới nhiễm hóa chất độc hại

10/08/2022 - 19:39

PNO - Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Stockholm, Thụy Điển, hiện nước mưa ở khắp mọi nơi trên hành tinh đều không an toàn để uống do hàm lượng hóa chất độc hại được gọi là PFAS vượt quá quy định.

 

Nước mưa không an toàn để uống do hàm lượng hóa chất độc hại được gọi là PFAS vượt quá các hướng dẫn mới nhất. ẢNH: AFP
Nước mưa không an toàn để uống do hàm lượng hóa chất độc hại được gọi là PFAS vượt quá các hướng dẫn mới nhất - Ảnh: AFP

PFAS (chất per- và poly-fluoroalkyl) thường được gọi là hóa chất vĩnh viễn vì nó phân hủy rất chậm. Ban đầu, chất này được tìm thấy trong bao bì, dầu gội đầu hoặc các loại mỹ phẩm trang điểm nhưng giờ nó đã lan ra trong mọi môi trường sống của chúng ta, bao gồm cả nước và không khí.

Giáo sư Ian Cousins, tác giả chính của nghiên cứu đã đăng báo cáo này trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, cho biết: “Theo chuẩn phép đo mà các nhà khoa học quy định thì nước mưa trên Trái đất không có nơi nào ở mức an toàn. Vì thế nó không an toàn để uống".

Một thống kê từ năm 2010 do nhóm của Giáo sư Ian Cousins nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở Nam Cực hay cao nguyên Tây Tạng thì nồng độ trong nước mưa vẫn đều cao hơn những hướng dẫn về nước uống mà US EPA (Environmental Protection Agency - Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ) đề xuất.

Giáo sư Cousins ​​lưu ý, gần đây EPA nâng cấp hướng dẫn PFAS một cách đáng kể sau khi phát hiện ra các hóa chất có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch với vắc xin ở trẻ em. Thậm chí, sau khi uống vào, PFAS sẽ tích tụ trong cơ thể.

Theo một số nghiên cứu khác, phơi nhiễm cũng có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản, chậm phát triển ở trẻ em, tăng nguy cơ béo phì hoặc một số bệnh ung thư (tuyến tiền liệt, thận và tinh hoàn) và tăng mức cholesterol.

Theo Giáo sư Cousins, PFAS hiện tồn tại lâu dài, bền bỉ và nhiều đến mức sẽ không bao giờ biến mất khỏi hành tinh. "Nước mưa bây giờ không còn gì là sạch nữa nhưng chúng ta không thể thoát khỏi nó. Chúng ta sẽ phải sống chung với nó", ông nói.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI