Nước mắt đàn ông trên những chiếc ô tô '50TĐ' ở Sài Gòn

31/07/2019 - 07:32

PNO - 'Gọi là ô tô nhưng nó chạy còn tệ hơn xe ba gác. Loại xe này chẳng những không giúp người nghèo cải thiện cuộc sống mà còn làm cho họ khổ sở hơn' - một người vừa bán tháo chiếc xe loại này, chua chát nói.

Trên đường phố Sài Gòn, có một loại ô tô mang biển số khá lạ. Đó là xe “50TĐ”, tức xe thí điểm (TĐ), sản xuất từ năm 2009 theo đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm thay thế xe thô sơ, xe ba gác. Tuy nhiên, sau 10 năm, nhiều chiếc xe TĐ vẫn chạy trên đường phố trong tình trạng gần như vô thừa nhận.

Cuộc sống của hàng ngàn người từng chạy xe ba gác chuyển sang chạy xe TĐ ở TP.HCM ngày càng bấp bênh; có người phải bán tháo xe, tìm kế khác mưu sinh, có người tiếp tục chạy xe này trong tình trạng khổ sở ngày càng chồng chất.

Nuoc mat dan ong tren nhung chiec o to '50TD' o Sai Gon
Hàng ngàn chiếc xe “vô thừa nhận”, không đăng kiểm vẫn âm thầm chạy trên đường ở TP.HCM - Ảnh: Sơn Vinh

Tiền chở hàng không đủ đóng phạt

9g sáng, anh Nguyễn Hoàng - ở Q.Tân Phú - vẫn còn nằm dài trên gác lửng phòng trọ. Nghe tiếng người lạ vào hỏi thăm, từ trên gác, anh nói vọng xuống: “Hôm nay không nhận chở hàng đâu. Cảnh sát giao thông (CSGT) đang “làm cao điểm”, ló xe ra là bị phạt liền, tiền công chở hàng không đủ đóng phạt”.

Phía trước khu trọ anh Hoàng sống, chiếc xe bốn bánh biển số “50TĐ” được phủ tạm bằng tấm bạt rách, “đứng bánh” cả tuần nay. “Hổm rày mấy mối cũng kêu chở hàng nhưng ổng đâu có dám chạy. CSGT đang tổng kiểm tra các loại xe, mình không có đăng kiểm, ra là bị phạt ngay” - chị Nga, vợ anh Hoàng, phân bua.

Xe mua theo đề án của Chính phủ nhưng ra đường lại sợ bị CSGT thổi phạt, chuyện nghe có vẻ ngược đời. Nhưng, nhiều ngày theo chân cánh tài xế, chúng tôi mới biết, điều tréo ngoe này vẫn diễn ra nhiều năm nay.

Năm 2013, anh Nguyễn Hoàng - người địa phương quen gọi là “Hoàng ba gác” - quyết định “lên đời”, mua xe bốn bánh loại TĐ. Anh kể rành mạch: “Hồi đó, vợ chồng tôi để dành được 20 triệu đồng, ông bà già bán bò, cho mượn  20 triệu, cầm sổ đỏ vay thêm 30 triệu nữa mới đủ mua xe. Tưởng đổi đời, ai dè 6 năm vẫn chưa trả hết nợ”.

Theo anh Hoàng, tưởng xe TĐ thế nào, hóa ra nó không khác xe ba gác là mấy: dài 3,5m, rộng 1,5m, cao 2m. Đã vậy, thùng xe phía sau chỉ cao được 0,5m nên chở được rất ít đồ. Mua xe về được vài tháng, phải thay sửa đủ thứ.

Để phù hợp với việc chở hàng thuê, anh Hoàng phải ra tiệm làm lại thùng xe, gắn khung sắt để phủ bạt cho hàng khỏi ướt. Chính việc thay đổi kết cấu này khiến xe anh Hoàng không thể đăng kiểm được. Từ đó, anh chạy “lụi” và trở thành tài xế vô thừa nhận.

“Bây giờ chạy thuê theo chuyến, mỗi ngày trừ hết chi phí, tôi dư khoảng 300.000 đồng nhưng hôm nào bị CSGT phạt thì coi như hụt vốn. Đã vậy, loại xe này cứ bị hư, phải sửa liên tục. Tôi từng định dẹp xe nhưng nghĩ không biết phải làm nghề gì. Không lẽ quay lại “nghề” ba gác?” - anh Hoàng tâm sự.

Cánh lái xe “50TĐ” chở hàng thuê đặt cho chiếc xe của Mai Văn Bé (Q.Bình Tân) biệt hiệu “ngựa già” dù tuổi đời xuất xưởng của nó mới hơn 5 năm.

Để xe vận hành, anh Bé phải lắp ráp đủ thứ phụ tùng của các xe khác vào rồi hàn thêm mấy thanh sắt cho xe cứng cáp. Vậy mà nhiều hôm, xe giở chứng, chết máy nằm im, phải kêu ba gác kéo về. Cái tên “ngựa già” ra đời từ đó.

Anh Bé phân trần: “Nếu xe họ sản xuất ra sao, mình để vậy chạy thì chỉ có nước chở bông gòn. Xe chở thuê chủ yếu là hàng nặng (gỗ, sắt) nên mình phải làm lại nhiều chi tiết cho phù hợp. Xe TĐ nhưng có cả phụ tùng ô tô, xe máy, ba gác”.

Ban đầu, các bác tài như anh Bé cứ nghĩ xe TĐ thì không cần đăng kiểm. Về sau, khi có quy định buộc phải đăng kiểm, xe anh Bé bị “rớt” vì thay đổi kết cấu quá nhiều. Từ đó, anh phải chạy “lụi”. Mấy hôm nay, CSGT TP.HCM ra quân “cao điểm”, xe anh Bé phải “đắp chiếu” dài dài. Anh chỉ dám nhận chở hàng cho một số mối gần và tranh thủ chở vào giữa trưa, ban đêm, thu nhập giảm hẳn.

Ở nhà, anh Bé còn người vợ thất nghiệp và ba đứa con. Nhưng mấy hôm nay, anh kiếm mỗi ngày chưa tới 200.000 đồng. Anh đang lo tháng tới, vào năm học mới, không đủ tiền đóng học phí cho ba đứa con.

“Xe TĐ là hỗ trợ người nghèo chuyển đổi nghề nghiệp nhưng bao năm rồi, chúng tôi có khá lên đâu. Chất lượng xe thì tệ, không đáp ứng yêu cầu, cộng với quy định này nọ biến chúng thành vô thừa nhận. Từ xe kéo, lên ba gác rồi đến xe thí điểm, cả đời chở hàng thuê rồi, bây giờ thành ra thế này, chúng tôi biết sống sao?” - anh Bé than.

Nuoc mat dan ong tren nhung chiec o to '50TD' o Sai Gon
Tài xế Hoàng cho biết, xe 50TĐ của anh “đứng bánh” trong cao điểm vì sợ chạy không đủ tiền đóng phạt - Ảnh: Sơn Vinh

Lo mất mạng, phải bán tháo xe

Mới đây, khi chúng tôi theo chân một tổ công tác của Đội CSGT Phú Lâm tuần tra ở gần cầu vượt Hương Lộ 2 thì thấy cánh chạy xe “50TĐ” ở khu vực này gần như án binh bất động. Một số người lỡ nhận chở hàng, khi thấy bóng dáng CSGT từ xa, lập tức chuyển hướng, quay đầu xe để trốn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều tài xế xe “50TĐ” cho rằng, nếu tổng kiểm tra, sẽ có ít nhất 95% xe loại này bị phạt.

“Loại xe này gần như không xe nào đăng kiểm được, nên chắc chắn bị phạt lỗi “chưa qua đăng kiểm”. Đây là lỗi rất nặng. Ngoài ra, còn rất nhiều lỗi như thay đổi kết cấu, cơi nới thêm thùng. Chúng tôi biết là vi phạm luật giao thông, nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chạy lụi”  - một tài xế bộc bạch.

Đã bỏ nghề chở hàng từ lâu, nhưng mỗi khi thấy xe “50TĐ”, anh Trần Minh Tuấn (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) vẫn nổi da gà. Nửa đời ôm vô-lăng đủ loại xe nhưng theo anh Tuấn, xe “50TĐ” là loại xe khó lái nhất.

Anh ví von, chiếc xe này giống như “chuồng gà di động” vì bất cứ bộ phận nào trên xe cũng có thể rớt ra thình lình: “Mấy năm trước, tôi chạy xe ba gác. Khi nhà nước có chủ trương loại bỏ phương tiện này, tôi cũng vay tiền mua một chiếc xe TĐ với giá hơn 65 triệu đồng. Tưởng xe này giống như xe tải nhỏ nhưng thật ra nó còn tệ hơn xe ba gác. Xe này không những không giúp người nghèo cải thiện cuộc sống mà làm cho họ còn điêu đứng hơn”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Tuấn thường bị ngắt quãng mỗi khi có chiếc xe TĐ chạy qua đầu hẻm. Nhìn những chiếc xe TĐ cũ kỹ, trông chẳng khác gì xe ba gác, anh Tuấn lại lắc đầu ngao ngán: “Mấy cái xe đó dễ gây tai nạn lắm, vì ốc vít không có cái nào vặn chặt cả, chân số, chân ga thì cứng ngắt, có khi đạp một hồi mới “ăn”. Lúc còn chạy, sau mấy lần suýt gặp nạn, tôi sợ quá nên bán xe với giá chỉ hơn chục triệu đồng. Bán được là mừng rồi, nhiều người bán không ai mua. Xe này bây giờ gần như không có chiếc nào đăng kiểm được, ai liều mới dám chạy”.

Theo anh Tuấn, xe “50TĐ” là loại xe bốn bánh nên theo quy định, phải chạy vào làn xe ô tô. Thế nhưng, loại xe này chỉ chạy tối đa khoảng 50km/h; khi chở hàng, chỉ chạy được khoảng 30-40km/h, tay lái lại rất cứng, khó giữ thẳng nên chạy vào làn ô tô rất nguy hiểm, nhất là khi chạy chung làn với xe tải lớn hoặc xe container.

“Nói thiệt, lúc còn chạy chở hàng, canh khu vực nào ít có CSGT là tôi chạy vào làn xe máy, chứ chạy ở làn ô tô, có ngày mất mạng như chơi” - anh Tuấn lắc đầu.

Chúng tôi hỏi chiếc xe TĐ cũ bán cho ai, giấy tờ mua bán ra sao, đăng kiểm thế nào, anh Tuấn nói với vẻ ái ngại: “Xe chạy được 2 năm, hư hỏng liên tục, lốc máy bể mấy lần phải làm lại nên không còn số sê-ri. Do xe không đăng kiểm được nên tôi bán giấy tay thôi. Tôi chỉ biết người mua có nhà ở H.Hóc Môn. Ở ngoại thành, đường trống, nếu không bị CSGT kiểm tra xử phạt gắt gao thì chắc cũng chạy chở hàng, kiếm cơm được”.

Nuoc mat dan ong tren nhung chiec o to '50TD' o Sai Gon
Bỏ mấy chục triệu đồng mua xe 50TĐ nhưng tài xế Bé vẫn phải “chạy lụi” - Ảnh: Sơn Vinh

Mưu sinh ngày càng khó

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại xe TĐ này được nhiều người chạy ba gác ở TP.HCM mua sử dụng từ năm 2009, khi thành phố thực hiện chương trình chuyển đổi xe thô sơ. Xe TĐ có hình dáng giống như xe tải nhỏ, nhưng thùng xe lại chẳng khác gì xe ba gác. Nhiều người cho biết, loại xe này phần lớn do một công ty có trụ sở ở TP.Hà Nội cung cấp. Hiện nay, ở TP.HCM, không tìm thấy thông tin đơn vị nào sản xuất hoặc bán mới loại xe này.

Nhiều người chạy xe TĐ cho rằng, sau khi chuyển đổi từ xe ba gác sang loại xe này, việc mưu sinh ngày càng khốn khó. “Lúc đầu, không có quy định loại xe này phải đăng kiểm nên tôi mới mua. Nhưng sau đó, nhà nước lại bắt phải đăng kiểm. Chưa hết, ban đầu chạy xe này chỉ cần bằng A3 hoặc A4 như xe mô tô nhưng bây giờ lại quy định phải có bằng B2 (dành cho ô tô số sàn). Đó là chưa kể, xe này sản xuất kiểu tạm bợ nên chạy chừng 1-2 năm đã hư hỏng nặng, phải sửa chữa hoặc “độ” lại nên hầu như không thể đăng kiểm được” - anh T., chạy xe TĐ ở Q.Tân Bình, thất vọng.

Chúng tôi thử chụp ảnh biển số của nhiều xe TĐ đang lưu thông trên đường và gửi thông tin xác minh qua hệ thống đăng kiểm nhưng không thấy có xe nào qua đăng kiểm. Một đăng kiểm viên ở TP.HCM cho hay, gần đây, hầu như không thấy xe TĐ nào đến đăng kiểm: “Mấy năm trước, cũng có vài trường hợp đến đăng kiểm nhưng không chiếc nào đạt yêu cầu, do khung sườn quá yếu, độ rung lắc cao, phụ tùng trên xe không đảm bảo”.

Dù lượng xe TĐ lưu thông ở TP.HCM khá lớn nhưng khi nhìn vào thông số kỹ thuật của loại xe này, các chuyên gia đăng kiểm xe đều bày tỏ lo ngại về sự thiếu an toàn. Một chuyên gia nhận định: “Nói thật, cho chạy thí điểm loại xe này là mạo hiểm, vì không đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật. Mặt khác, xe chỉ được phép chở 320kg - tương đương khoảng sáu bao xi măng - nên khả năng chở hàng của loại xe này còn thua xa xe ba gác. Nếu tài xế chở đúng tải trọng thì chắc chắn thu nhập sẽ không đảm bảo, do vậy, rất dễ dẫn đến tình trạng chở quá tải, làm tăng độ nguy hiểm”. 

Sơn Vinh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI