Nữ danh ca Yokoi Kumiko qua đời, người dân Việt Nam tiếc thương người bạn

17/01/2021 - 19:21

PNO - Theo tin từ báo chí Nhật Bản, ca sĩ Yokoi Kumiko (tên thật là Tomoyori Kumiko) vừa từ trần ở tuổi 76 do mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư thận).

Tờ báo The Mainichin đưa tin, Yokoi Kumiko được biết đến là người có nhiều hoạt động, thực hiện các buổi biểu diễn hòa nhạc ở Nhật Bản và Việt Nam gây quỹ giúp đỡ trẻ em nhiễm chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam; gần đây bà còn có những hoạt động giúp đỡ những nạn nhân tai nạn hạt nhân do động đất ở Nhật Bản.

Từ TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bà Trần Phương Liên là người bạn, người em thân thiết của ca sĩ Yokoi Kumiko cho biết thêm, nữ ca sĩ qua đời tại nhà riêng ở Tokyo ngày 14/1. Do dịch bệnh nên gia đình sẽ tổ chức tang lễ chính thức nhỏ gọn trong gia đình vào ngày 20/1 tới đây.

Ca sĩ Yokoi Kumiko hát phát đối Mỹ gây chiến ở Việt Nam ở trận địa pháo Quảng Bình năm 1973 (Ảnh tư liệu)
Ca sĩ Yokoi Kumiko hát phản đối Mỹ gây chiến ở Việt Nam trên trận địa pháo Quảng Bình năm 1973: Ảnh tư liệu

"Sensha wa ugokenai” (Hãy dừng chiến xa lại) là bài hát do Yokoi Kumiko cùng nhiều người dân Nhật Bản hát trong khi “xuống đường” ngăn chặn quân đội Mỹ chuyển những chiếc xe tăng và khí tài từ căn cứ quân sự Nhật Bản sang tiến hành chiến tranh ở Việt Nam năm 1972.

Bài hát này cũng được nữ ca sĩ Yokoi Kumiko trình diễn ở Hà Nội và trận địa pháo Quảng Bình năm 1973 trong các hoạt động cá nhân, nhằm nỗ lực phản đối những hoạt động chiến tranh Mỹ do gây ra tại Việt Nam lúc ấy.

Bài hát này sau đó được Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Hà Nội thu âm và phát lại nhiều lần và cũng là tiền đề “nhân duyên” xây nên tình bạn khó tin giữa Yokoi Kumiko với bà Trần Phương Liên - cô giáo khuyết tật dạy tiếng Nhật nổi tiếng xứ Huế.

– Ca sĩ Yokoi Kumiko trong một lần cùng cố giáo khuyết tật giao lưu với trẻ em khuyết tật, khó khăn ở Huế - Ảnh Trần Phương Liên
Ca sĩ Yokoi Kumiko trong một lần cùng cô giáo khuyết tật giao lưu với trẻ em khuyết tật, khó khăn ở Huế - Ảnh: Trần Phương Liên

Bố mẹ bà Liên là người Huế tập kết ra Bắc trong kháng chiến chống Mỹ. Bà Liên lên 4 thì bị bệnh bại liệt sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau ngày giải phóng bà Liên trở về Huế đi học và mang theo cả ký ức về bài hát Hãy chặn chiến xa lại. Sau khi tốt nghiệp ngành Sử học Trường đại học Tổng hợp Huế mà không xin được việc làm do khuyết tật, bà Liên tự mày mò học tiếng Nhật trong khi mưu sinh với chiếc tủ thuốc lá lẻ ven đường.

Hay tin có cô gái Huế khuyết tật hiếu học tiếng Nhật, một số giáo viên Nhật Bản tìm tới tư gia bà Liên để chỉ bày, dạy dỗ thêm. Bà Liên học nhanh, tiến bộ từng ngày và sau đó thì trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng tại tư gia.

Khoảng năm 2005 – 2006, bà Liên quyết định tìm lại nữ ca sĩ người Nhật gây ấn tượng mạnh cho bà lúc còn nhỏ qua bài hát Sensha wa ugokenai”. Sau một thời gia kiên trì, bà Liên được một vị giáo sư người Nhật Bản giúp đỡ, cung cấp địa chỉ e mail của ca sĩ Yokoi Kumiko. Năm 2006, một bức thư bằng tiếng Nhật được bà Liên gửi đến nữ ca sĩ và bà nhận được hồi âm với những dạt dào cảm xúc từ nữ ca sĩ chưa một lần gặp mặt.

Ngày 3/5/2007, Kumiko cùng đoàn thiện nguyện Nhật Bản đến thăm và giao lưu với các em có hoàn cảnh đặc biệt tại làng Hòa Bình, TP. Huế. Ở đó Kumiko và bà Liên gặp nhau với bao cảm xúc dâng trào. Tháng 5/2008 cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên cùng các học trò của mình đã bước lên sân khấu hòa ca cùng nữ ca sĩ Yokoi Kumiko nhân sự kiện kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Ca sĩ Yokoi Kumiko trong lần gặp, mời bà Trần Phương Liên sang Nhật Bản biểu diễn hòa nhạc nhân kỷ niệm 50 năm sự nghiệp ca hát năm 2019 (Ảnh tư liệu)
Ca sĩ Yokoi Kumiko trong lần gặp, mời bà Trần Phương Liên sang Nhật Bản dự buổi biểu diễn hòa nhạc nhân kỷ niệm 50 năm sự nghiệp ca hát năm 2019 - Ảnh tư liệu

Không chỉ trong chiến tranh, mà sau này bà Kumiko thường xuyên sang Việt Nam để thực hiện các chương trình giúp đỡ trẻ em nhiễm chất độc da cam, giao lưu văn hóa, dạy học, tìm kiếm học bổng… giúp trẻ em Việt Nam. Với những tình cảm cao quý ấy, năm 2005 bà được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị quốc tế.

Nhật Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI