NSƯT Thanh Hoàng - Người ở lại sau cùng

27/07/2018 - 06:00

PNO - Riêng Thanh Hoàng là người ở lại đến sau cùng. Cái lý do không rời ấy cũng giản dị, trước sau như con người anh: “5B đã cho tôi quá nhiều”, “tôi mang ơn sân khấu này”.

Không biết có phải vì sinh ra ở ruộng muối Bạc Liêu, cả cha lẫn mẹ đều bước ra khỏi cánh cổng nhà công tử “đốt tiền nấu cháo tỏ ra mình giàu” với thân phận người ở đợ, tá túc Sài Gòn kiếm sống; để sau này, khi bắt đầu đặt bút lên trang viết chuyên nghiệp, Thanh Hoàng đều mang theo cái tình sông nước Nam bộ - buồn mà không lụy, man mác mà vừa đủ day dứt, hào sảng mà không bất cần.

NSUT Thanh Hoang - Nguoi o lai sau cung
NSƯT Thanh Hoàng

Nhưng từ con sông Gành Hào ấy, ở cái “xứ cơ cầu” người xa kẻ… không lạ ấy, chỉ một tiếng trống vọng canh thâu cũng là mạch nguồn cho Dạ cổ hoài lang mang chất ngũ cung mà tự tình, đĩnh đạc lên sàn diễn kịch nói. Bỗng chốc, tiếng nói có thanh âm, có làn điệu, có cái hồn vía sông nước quê nhà, để càng đi xa, lòng người càng chùng lại, chỉ muốn quay gót trở về.

Một tiếng đàn kìm tấu lên trong đêm, cô độc đến hoang vu. Tiếng ông Tư khàn đặc vì lạnh, trơ trọi cất lên giữa tiếng gào rít của gió tuyết trời Tây: “Từ là từ phu tướng/ Báo kiếm sắc phán lên đàng…” (Dạ cổ hoài lang). Cái cơi trầu chỏng chơ nơi góc phản, cũng là ông Tư quày quả đẩy chiếc xích lô chở “bà già trầu” như thể trốn chạy trong đêm (Trầu cau)… Đó là những nét khắc họa đậm dấu ấn Thanh Hoàng trong các tác phẩm kịch nói thành công của anh, với tư cách tác giả. Đó cũng là những chạm trổ tinh tế mà không dễ gì, không mấy ai còn quay quắt, tiếc xót cho những dấu tích văn hóa còn lưu lại.

Chắc chắn phải yêu lắm, phải nặng lòng lắm với văn hóa đất phương Nam thì sự theo đuổi, tìm tòi, khai thác mới cần mẫn, chỉn chu và thấu đáo như thế. Cho nên, sau này, khi tham gia chuyển thể và đảm nhận các vai diễn trong nhiều tác phẩm phim từ trước tác của cụ Hồ Biểu Chánh, hầu như không mấy ai ngạc nhiên về những gì Thanh Hoàng viết và diễn. Thậm chí, Thanh Hoàng như sinh ra từ đó và đó chỉ là sự trở về. Tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh coi trọng đạo lý, nghĩa tình, đề cao nhân quả, trả vay. Người-đọc-hậu-thế - Thanh Hoàng, có lẽ đã sống theo cái đạo ấy nên cứ miệt mài chuyển và tải thành ngôn ngữ kịch, điện ảnh.

NSUT Thanh Hoang - Nguoi o lai sau cung
NSƯT Thanh Hoàng (ngồi), vai bố của Năm Triều, trong phim Dạ cổ hoài lang

Anh làm việc tận tụy, say mê - cũng như cái cách anh bước lên sàn diễn - chẳng có bất cứ sự bóng loáng, tài hoa, tinh quái nào hết. Mực thước, trầm tĩnh, thong dong, đôi khi thả một tiếng cười hay chút quặn lòng vì sự… lùi lại nhẹ nhàng, tinh tế. Nhưng trên hết là sự trọn vẹn, trước sau.

Viết về Thanh Hoàng, hay về bất cứ nghệ sĩ biểu diễn nào, cái tư liệu “sân khấu quần chúng” hay quần quật những năm tháng làm công nhân hậu đài dường như được nhấn nhá như thể để tạo nên chút… kịch tính cho sau này một Thanh Hoàng thành danh trên vai trò diễn viên, tác giả. Nhưng, chính cái ngẩng lên từ lòng cống khi đang thi công tại khu vực Trường Nghệ thuật Sân khấu II, bắt gặp Thành Lộc, Khánh Hoàng đang… rực rỡ ngôi vị; hay chăm chỉ đảm nhận công tác hậu trường cùng Hồng Phúc (sau này là đạo diễn Diễn kịch một mình)… đã thắp trong Thanh Hoàng cái khoảnh khắc muốn thay đổi, đã tích lũy cho anh cái vốn nghề, vốn đời mà từ đó, đủ hiểu để sống, để cư xử tận tình, thấu đáo với anh em làm nghề.

Trong sự rời bỏ đến rời rã của 5B (Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ), mỗi người đều có sự lựa chọn của riêng mình, cho mình. Riêng Thanh Hoàng là người ở lại đến sau cùng. Cái lý do không rời ấy cũng giản dị, trước sau như con người anh: “5B đã cho tôi quá nhiều”, “tôi mang ơn sân khấu này”.

Ở lại để gìn giữ, để gầy dựng. Ở lại cũng có nghĩa là chối từ những cuộc “gá nghĩa”, bởi có lẽ, với Thanh Hoàng, trăm năm đâu phải chỉ tính bằng ngày mà từ đây, gầy dựng và trao truyền cho những lớp đến sau, để ít nhất, giữa lòng thành phố này, một góc nhỏ thanh cao, vẫn còn vẳng lên tiếng đàn Dạ cổ… “Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi! Gan vàng quặn đau í a”. 

NSƯT Thanh Hoàng sinh năm 1963, là tác giả, đạo diễn của nhiều tác phẩm sân khấu, truyền hình như Trầu cau, Con nhà nghèo, Cha yêu… và đặc biệt là kịch bản Dạ cổ hoài lang từng được dàn dựng trên sân khấu 5B vào năm 1994, tái dựng trên sân khấu IDECAF năm 2014. Trong hơn 20 năm, tác phẩm này đã có hơn 1.000 suất diễn và từng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Chiều 26/7, ông qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng, hưởng dương 55 tuổi.

Lễ nhập quan diễn ra hồi 6g sáng nay - 27/7. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn (25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP.HCM). Lễ động quan diễn ra vào sáng 29/7.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI