NSND Thái Thị Liên - người mẹ, người thầy vĩ đại của những tài năng âm nhạc

01/02/2023 - 06:17

PNO - Bà đích thực là một tài năng piano xuất sắc, một người thầy đặc biệt và luôn truyền cảm hứng về tình yêu âm nhạc cho nhiều thế hệ.

NSND Thái Thị Liên - thân mẫu của danh cầm, NSND Đặng Thái Sơn vừa qua đời trong ngày cuối cùng của tháng 1/2023, hưởng thọ 106 tuổi.

Bà là một người phụ nữ nổi tiếng, không phải vì là mẹ của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới, mà bởi bản thân bà cũng chính là một trong những nữ nghệ sĩ piano đầu tiên của Việt Nam.

Đồng thời, bà là một trong 7 nhạc sĩ có công sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay… Quan trọng hơn, bà vẫn luôn “cháy” hết mình vì âm nhạc suốt hơn một thế kỷ cuộc đời.

Nghệ sỹ Nhân dân Thái Thị Liên trong đêm nhạc vinh danh bà vào năm 2017 khi bà tròn 100 tuổi do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức. Khi đó, bà là người duy nhất còn lại trong bảy thành viên sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên trong đêm nhạc vinh danh bà vào năm 2017 khi bà tròn 100 tuổi do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức. Khi đó, bà là người duy nhất còn lại trong bảy thành viên sáng lập Học viện Âm nhạc Quốc gia (Ảnh: TTXVN)

Người truyền lửa âm nhạc

NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Sài Gòn. Bà là nhân chứng sống, chứng kiến lịch sử ra đời của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam những ngày đầu tiên. Bà đã dạy dỗ nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Bà đích thực là một tài năng piano xuất sắc, một người thầy đặc biệt, và luôn truyền cảm hứng về tình yêu âm nhạc cho nhiều thế hệ.

Bà sinh ra trong một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Cha của bà là kỹ sư Thái Văn Lân - một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Anh ruột của bà là luật sư nổi tiếng Thái Văn Lung - người đã được đặt tên đường ở TPHCM và một số tỉnh thành khác. Chị ruột của bà là nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Lang, cũng là một nghệ sĩ piano danh tiếng.

Thế nên, từ năm 4 tuổi, bà Thái Thị Liên bắt đầu học piano với các nữ tu trong trường dòng. Sau năm 1946, bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Nhạc viện Paris…

Ở Pháp, bà kết hôn với nhà hoạt động cách mạng Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng bí thư Trần Phú), lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bà theo chồng công du sang Tiệp Khắc năm 1949, và hoàn thành chương trình đại học piano tại Nhạc viện Praha.

Năm 1951, khi kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, bà ôm con gái đầu lòng từ Tiệp Khắc về chiến khu ATK với chồng đang đau ốm, bệnh tật.

Chiến khu khó khăn, thiếu thốn trăm bề, rồi người chồng qua đời khi bà đang mang thai người con thứ hai. Nhưng bà vẫn nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc, dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền địch vận, hát cho trẻ em nghe ở lớp học chữ do bà mở, dạy ký xướng âm cho các đoàn văn nghệ, đôi khi chỉ huy dàn hợp xướng.

Rồi bà chính thức tham gia Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương - nơi bà gặp người chồng sau này - nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, cha của NSND Đặng Thái Sơn...

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà cùng Đội Hợp xướng Hòa Bình do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dẫn đầu đã sang Thượng Hải, Trung Quốc thu thanh những đĩa nhạc đầu tiên của Việt Nam.

Chương trình còn thiếu dân ca Nam Bộ, thế là bài hát Ru con Nam Bộ kết hợp từ Lý giao duyên Lý bốn mùa được ghi âm với tiếng hát của ca sĩ Thương Huyền trên phần đệm piano của nghệ sĩ Thái Thị Liên. Sau này, bà đã soạn lại cho piano độc tấu, đưa vào giáo trình của trường.

Năm 1955, bà cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp lập nên trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay). Bà cũng trở thành chủ nhiệm khoa piano đầu tiên của Nhạc viện và giữ cương vị này cho đến năm 1976.

Bà tập hợp một số cô giáo dạy đàn nghiệp dư tại Hà Nội lúc bấy giờ, rồi bồi dưỡng thêm về chuyên môn. Đội ngũ giảng viên piano đầu tiên còn có bà Vũ Thị Hiển (thân mẫu của nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh) từng học luật tại Pháp, và là một tay đàn có tiếng ở Hà Nội thời đó…

Tận hiến cho nghệ thuật

Theo PGS.TS Lê Tuấn Anh - giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, thì tất cả xuất phát từ con số 0. Bằng chuyên môn, tâm huyết, tình yêu và sự đam mê âm nhạc của mình, NSND Thái Thị Liên đã tự tay biên soạn bộ giáo trình để dạy piano.

Đây là sách dạy dàn piano đầu tiên dành cho sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ. Trong giáo trình này có điểm rất đặc biệt là NSND Thái Thị Liên đã đưa đến 60% lượng bài chuyển thể từ hàng loạt làn điệu dân ca, lấy yếu tố dân tộc để đưa vào giảng dạy piano chuyên nghiệp...

GS.TS.NGND Trần Thu Hà, con gái đầu của NSND Thái Thị Liên, nguyên Chủ nhiệm Khoa Piano, nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ: "Bà vừa là một nghệ sĩ tài năng, một người mẹ hết mình vì con cái, một người phụ nữ hoàn hảo. 

Mẹ tôi đã có một cuộc đời nhiều biến động, vinh quang và cay đắng, khổ đau và hạnh phúc đi liền với nhau. Dẫu vậy, bà chưa khi nào không sống hết mình với nghệ thuật, với cuộc đời, với gia đình và các thế hệ học trò kế cận".

Nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã viết: Với Trường Âm nhạc Việt Nam, bà là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên và giữ vai trò đó lâu nhất. 20 năm hết lòng với Trường Âm nhạc, bà là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, một người thầy quyết đoán, năng động, nhiệt tâm và chu đáo với trò.

Nhiều học trò của bà đã trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt trong số đó có một tên tuổi làm rạng danh nước Việt trên nhạc trường quốc tế - Đặng Thái Sơn. NSND Thái Thị Liên là người mẹ - người thầy đầu tiên của NSND Đặng Thái Sơn (nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin).

Là cánh chim đầu đàn trong việc đào tạo piano chuyên nghiệp, người phụ nữ nhỏ bé còn chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt trong lĩnh vực biểu diễn. Ngay cả khi đã ngoài 90, bà vẫn có thể quay lại diễn tấu trong các sự kiện lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Người thầy có tuổi đời và tuổi nghề cao nhất giới nhạc vẫn chơi đàn cùng các thế hệ học trò, trong đó có NSND Đặng Thái Sơn, trong các buổi hòa nhạc vinh danh chính bà.

Nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu khẳng định: Cuộc đời bà là một huyền thoại. Huyền thoại đang được viết tiếp bằng kỷ lục hiếm có: Một nghệ sĩ tuổi đời tròn thế kỷ vẫn dạy đàn và biểu diễn trên sân khấu. Bà không chỉ là mẹ của 3 người con, mà còn là người mẹ - người thầy của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam.

Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI