Nổ súng, 7 người chết trong cuộc biểu tình hôm nay ở Myanmar

28/02/2021 - 21:13

PNO - Lực lượng an ninh nổ súng vào những người biểu tình ở một số thành phố, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Lực lượng an ninh ở Myanmar nhanh chóng đàn áp các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của quân đội vào hôm 28/2, bắn đạn thật vào người dân ở Yangon và các thành phố khác, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong ngày đẫm máu nhất của tháng 2/2021.

Cảnh sát có mặt sớm và nổ súng ở các khu vực khác nhau của Yangon sau khi lựu đạn gây choáng, hơi cay và các phát súng chỉ thiên không giải tán được đám đông. Binh lính cũng tăng cường hỗ trợ cảnh sát.

Nhóm truyền thông Frontier Myanmar cho biết một người đàn ông đã thiệt mạng tại Hledan, Yangon vào snag1 28/2 sau khi cảnh sát nổ súng vào một trạm xe buýt
Nhóm truyền thông Frontier Myanmar cho biết, 1 người đàn ông đã thiệt mạng tại Hledan, Yangon vào sáng 28/2 sau khi cảnh sát nổ súng vào 1 trạm xe buýt

Nhóm truyền thông Myanmar Now đã đăng video cho thấy 1 người đàn ông bị thương nằm trên đường phố gần giao lộ Trung tâm Hledan ở Yangon, và cho biết anh ta đã bị “bắn vào vùng ngực bởi thứ có vẻ là đạn thật”.

Một bác sĩ tại bệnh viện mà người đàn ông được đưa đến đã xác nhận cái chết của anh ta với hãng tin Reuters.

Một người đàn ông chứng kiến ​​vụ xả súng nói với Tạp chí Frontier rằng cảnh sát đã bắn đạn thật vào những người biểu tình đang trú ẩn tại một bến xe buýt, khiến "1 người chết và nhiều người khác bị thương".

Theo chính trị gia Kyaw Min Htike, cảnh sát cũng nổ súng ở thành phố Dawei phía Nam, khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Một tổ chức từ thiện cung cấp dịch vụ cứu hộ khẩn cấp báo cáo có 2 người chết ở thị trấn trung tâm Bago. Tài xế xe cứu thương Than Lwin Oo nói với hãng tin AFP rằng anh đã đưa thi thể của 2 thanh niên khoảng 18 tuổi đến nhà xác tại bệnh viện chính của Bago.

Hãng truyền thông trực tuyến Irrawaddy đưa tin, 1 người khác đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay.

Người dân yangon lập hàng rào trên đường phố hôm 28/2
Người dân yangon lập hàng rào trên đường phố hôm 28/2

Một phụ nữ cũng qua đời, nghi do lên cơn đau tim, sau khi cảnh sát trấn áp cuộc biểu tình của giáo viên bằng lựu đạn gây choáng ở thành phố Yangon. Ngoài ra, cảnh sát cũng phá vỡ các cuộc biểu tình ở một số đô thị khác bao gồm Lashio ở phía Đông Bắc và Myeik ở miền Nam.

Hành động của cảnh sát hôm 28/2 được đưa ra sau khi truyền hình nhà nước thông báo rằng đặc phái viên của Myanmar tại Liên Hiệp Quốc - Kyaw Moe Tun - đã bị sa thải vì phản bội đất nước. Hôm 26/2, ông Kyaw Moe Tun đã kêu gọi cơ quan toàn cầu sử dụng "bất kỳ biện pháp cần thiết" nào để đảo ngược cuộc đảo chính ngày 1/2 khiến nhà lãnh đạo đắc cử bị Aung San Suu Kyi phế truất và giam lỏng tại nhà.

Sự thâu tóm quyền lực của quân đội và việc giam giữ giới lãnh đạo dân sự của đất nước đã khiến Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn mới, chỉ một thập niên sau khi kết thúc gần 50 năm cai trị nghiêm ngặt của quân đội.

Trong 3 tuần nay, đám đông khổng lồ đã xuống đường ở các thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar, kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và khôi phục chế độ dân sự.

Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Lashio, phía bắc bang Shan
Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình ở Lashio, phía Bắc bang Shan

Khi cuộc nổi dậy của quần chúng ngày càng thu hút người tham gia, lực lượng an ninh đã trở nên hung hãn hơn trong việc sử dụng vũ lực. 3 người biểu tình khác đã bị giết trong tuần qua, trong khi quân đội cho biết 1 cảnh sát cũng thiệt mạng.

Bất chấp chiến dịch trấn áp, hàng trăm người biểu tình vẫn cố trụ trên đường phố Yangon vào chiều 28/2, họ dựng rào chắn tạm thời và mang theo khiên để bảo vệ mình.

Nhà hoạt động thanh niên Esther Ze Naw nói với Reuters rằng mọi người đang chiến đấu để vượt qua nỗi sợ hãi mà họ đã phải sống chung bấy lâu nay.

Cô ấy phát biểu: “Nỗi sợ hãi này sẽ chỉ lớn lên nếu chúng tôi tiếp tục sống chung với nó và những người đang tạo ra nỗi sợ hãi biết điều đó. Rõ ràng là họ đang cố gieo rắc nỗi sợ hãi bằng cách bắt chúng tôi phải chạy trốn. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó”.

Maung Zarni - một nhà hoạt động nhân quyền người Myanmar tại London (Anh) - nói với đài Al Jazeera :“ Người Myanmar đã làm điều này qua 3 thế hệ. Hành động từ quân dội và cảnh sát sẽ chỉ củng cố quyết tâm của người dân… trong việc từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ đảo chính”.

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI