Nhường mẹ chồng khó lắm sao?

27/11/2022 - 20:57

PNO - Mặc dù tôi cũng chẳng nói hỗn câu nào, nhưng bà không thể chấp nhận kiểu con dâu cãi tay đôi với mẹ chồng như vậy.

Hồi mới về làm dâu, tôi lâm vào tình trạng dăm bữa nửa tháng lại xung đột với mẹ chồng. Mẹ chồng quen kiểu xưng hô "mày-tao" rồi góp ý mọi thứ như quát vào mặt tôi. Tôi cảm thấy bị đe dọa nên cao giọng lên, xù lông nhím ra đáp trả. Mặc dù tôi cũng chẳng nói hỗn câu nào, nhưng bà không thể chấp nhận kiểu con dâu cãi tay đôi với mẹ chồng như vậy. 

Chồng tôi đứng giữa chịu trận. Anh phân tích, khuyên nhủ, đêm đêm tỉ tê để tôi nín nhịn cho không khí gia đình bớt căng thẳng. Tính tôi sai đúng rõ ràng và ghét sự bất công nên không có chuyện tảng lờ đi cho xong. Tôi nhận ra mình thật hả hê mỗi khi “cãi” được câu nào mà bà không còn lý lẽ để nói nữa.

Đã có lần vì chuyện nói qua nói lại với mẹ chồng mà thành ra vợ chồng tôi cãi nhau đến mức định ly hôn. Tôi hận chồng không đứng ra bênh vực tôi, dù bà sai rành rành. Nhưng cuối cùng, thay vì xoa dịu vợ, chồng tôi lại bất lực nói: “Tại sao lại phải vạch lá tìm sâu với người thân của mình? Nghĩ cách giải quyết mọi chuyện không tốt hơn sao?”

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Vì tình yêu với chồng và các con nên tôi đã dừng lại để suy nghĩ. Tôi nhận ra dường như bao nhiêu lâu mình chỉ bảo vệ cái tôi trước mặt mẹ chồng, luôn phải cố để chứng tỏ mình là đúng. Tôi đã thầm nghĩ rằng mình học cao hơn chồng, lại tự chủ về kinh tế, nên được quyền đòi hỏi một sự nhường nhịn từ mẹ chồng. 

Nhưng khi đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ chồng, tôi bắt đầu thấy đằng sau những đòi hỏi vô lý của bà là cả một nỗi cô đơn lạc lõng. Ông mất sớm, bà mất đi người đồng hành trong cuộc sống. Trong căn nhà trống vắng, bà cảm thấy mất mát đi điều gì đó không gọi thành tên. Con cái đều có gia đình riêng, đi làm cả ngày, không cần nhờ tới bà cả việc cơm nước như gia đình khác.

Cách nuôi dạy trẻ của hai thế hệ cũng mâu thuẫn vì con cái không chấp nhận những kiểu xưa cũ. Bà góp ý cũng bị bỏ ngoài tai. Các cháu tự lập nên bà rảnh rỗi rồi hay suy nghĩ, buồn lòng. Bà muốn mình có ích hơn khi dạy bảo được điều gì đó cho con cháu: từ cách đi chợ, chọn thực phẩm, đến việc lau dọn vệ sinh bếp núc…

Câu cửa miệng bà hay nói là “tao chết đi thì chúng mày còn biết mà làm”. Nhiều năm trôi qua, chỉ tới lúc từng trải hơn, tôi mới biết đó là nỗi khao khát được con cháu công nhận. 

Tôi nhớ đến câu nói của một vị hiền triết: “Khi hai người giận nhau thì trái tim đã không còn ở gần nhau nữa. Trong thâm tâm, họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe, họ phải dùng hết sức để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy”.

Chẳng phải tôi vẫn luôn mong ngóng sự thân thiết với mẹ chồng hay sao, mình bắt đầu cũng được chứ đâu phải cố để phân định đúng hay sai cho bằng được? 

Khi tôi dùng tình yêu để thấu hiểu bà, tôi không còn cảm thấy khó chịu mỗi khi bà nói to nữa. Bà càng nói to thì tôi sẽ phải hít thở sâu và dịu giọng lại để không căng lên với bà. 

Vì cả cuộc đời bà đã nấu ăn cho gia đình, nên chỉ vài năm làm dâu của tôi không tránh được việc bà không hợp khẩu vị với đồ ăn tôi nấu. Thế nên có những món ăn là sở trường của bà, thì tôi sẽ nhờ bà trổ tài vào bếp. Mẹ nào chẳng mong muốn con cháu được ăn ngon miệng nên bà vui vẻ đồng ý ngay.

Là người ít nói, lại chẳng quen nói ngọt, nên khó mà tôi thể hiện tình cảm với bà, tôi luôn thấy gượng gạo quá. Nhưng tôi đã dần dần học cách quan tâm từ những điều giản dị: bà đi chơi thì gọi điện hỏi han, hỏi ý kiến bà những việc quan trọng trong gia đình hay đơn giản chỉ là vui vẻ chào hỏi bà khi đi làm về mà thôi. Có những lúc mẹ con tâm sự vui vẻ thì tôi cũng lựa lời góp ý nhẹ nhàng nên bà cũng mở lòng đón nhận và thay đổi. Mẹ con hiểu nhau hơn khiến cuộc sống gia đình yên ấm.

Chẳng thế mà đợt COVID-19 vừa rồi, khi mọi người đều làm việc tại nhà, lẽ ra mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn bình thường đã căng như dây đàn, sẽ càng dễ tới đỉnh điểm. Vậy mà nhà tôi sóng êm biển lặng. Mẹ con nhìn nhau ấm áp với sự biết ơn. Bà còn đi khoe với hàng xóm là dạo này “dâu tây” thay đổi lắm. 

Tôi hiểu rằng, mình cần học cách thích nghi với cuộc sống nhà chồng. Người xưa có câu: “Một điều nhịn là chín điều lành”, con dâu cư xử khéo léo sẽ giữ được hòa khí gia đình yên ấm, hạnh phúc. Điều đó không chỉ giúp con cái được sống trong môi trường tích cực mà còn giữ lửa cho cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi.

Nhâm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI