Những tiếng kêu vô vọng bên kia 'làng xẻ xác máy bay'

27/08/2018 - 12:15

PNO - Văn Môn đổi môi trường sống để lấy tiền bạc, trong khi hơn hai vạn dân ở hai xã Thụy Lâm và Vân Hà (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) phải hứng đầy khí thải độc hại suốt gần hai chục năm qua.

Quá nhiều văn bản, quá nhiều chỉ đạo, thậm chí cả lời nhận lỗi từ các cơ quan chức năng trước tình trạng người làng Quan Độ, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đốt rác thải từ năm này qua năm khác. Nhưng sau tất cả, rác công nghiệp nguy hại vẫn bị đốt bất kể ngày đêm. Văn Môn đổi môi trường sống để lấy tiền bạc, trong khi hơn hai vạn dân ở hai xã Thụy Lâm và Vân Hà (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) phải hứng đầy khí thải độc hại suốt gần hai chục năm qua.

Nhung tieng keu vo vong ben kia 'lang xe xac may bay'
Ánh nhìn đầy ám ảnh của người phụ nữ giữa bãi rác làng Quan Độ

Một lần đi về phía... đốt rác

Tối 21/8. Tôi đang ngồi trong nhà một người dân ở xóm Chùa, thuộc khu 5, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm thì mùi khét lẹt từ đâu xộc đến làm cổ họng đắng nghét rồi ho sặc sụa. Các thành viên trong gia đình này vội vàng buông đũa, bỏ mâm cơm đứng dậy đi đóng cửa. Tôi nhìn nhanh phía cửa đang khép, thấy sáng rực cả một vùng. Chủ nhà giải thích: “Họ đốt rác đấy. Hôm qua đốt lúc 22g, mà hôm nay tầm này đã đốt. Đám cháy này lớn quá. Xóm Chùa nhà tôi cách bãi rác chỉ khoảng 500m nên mỗi lần họ đốt là ở đây phải hứng nặng nhất”.

Theo chân mấy người trong thôn ra phía bãi rác đang đốt, càng đến gần, thứ mùi tôi hít vào phổi càng khủng khiếp. Lửa cháy phừng phừng, liếm từng cuộn cao su, hộp nhựa… Có chỗ, ngọn lửa bùng lên trông ma quái và chết chóc. Nhiệt độ cao cộng mùi khét, mùi hóa chất sặc sụa khiến không khí nặng trịch. Đầu óc tôi váng vất, hoa mắt chóng mặt vì cái thứ mùi kinh khủng từ những đống lửa ngùn ngụt như đám cháy rừng.

Không thể tiếp tục đi dọc bãi rác đang rực lửa, tôi loạng choạng quay đầu. Cả đêm đó, tôi không thể nào tròn giấc, đầu óc cứ quay quay, mũi lúc nào cũng phảng phất mùi khét đắng; mỗi lúc hé cửa nhìn ra cánh đồng, đều thấy từng đám lửa bập bùng như ma trơi. Đến sáng bảnh, lửa vẫn âm ỉ cháy.

Bãi rác tự phát ấy nằm ngay lối vào bãi tha ma, cỡ 200m toàn rác thải công nghiệp, như muốn lấp cái hồ ven đường. Bãi rác ven sông Ngũ Huyện Khê còn khủng khiếp hơn, mấy trăm mét ngồn ngộn rác. Những bãi đó là của làng Quan Độ, giáp ranh với xã Thụy Lâm và xã Vân Hà. Quan Độ nổi tiếng từ gần hai mươi năm trước với nghề “xẻ xác máy bay”.

Không chỉ thu mua máy bay cũ hỏng, họ còn mua xe máy cũ nát, xích xe tăng, tổng đài điện thoại cổ lỗ sĩ của quân đội, cỗ máy công nghiệp khổng lồ, dây cáp điện bị lỗi… Họ “mổ” tất cả để lấy linh kiện, sắt thép, bù-loong, ốc vít. Những gì không phải là kim loại đều bị tống ra bãi rác chờ hỏa thiêu.

Nhung tieng keu vo vong ben kia 'lang xe xac may bay'
Người làng Quan Độ đốt rác bất kể ngày, đêm trong khi gần 20 năm nay, người dân xã Thụy Lâm, Vân Hà phải hứng những cột khói đen khổng lồ

Ban ngày, bãi rác la liệt đồ làm từ nhựa, có hôm là đống vỏ hộp công-tơ điện, đống dây cáp; có hôm là vỏ, khay, khuôn nhựa lỗi của một hãng điện thoại. Ông Nguyễn Khắc Đạt - Phó trưởng thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm - bức xúc: “Họ đốt liên tục, trừ ngày mưa. Cứ hôm nào họ đốt là khói đen đặc cuộn lên. Đốt ở bờ sông, ven lộ chưa đủ, họ còn chất đống lên đường vào bãi tha ma, chất lên đường đất giữa cánh đồng để đốt rác”.

Nguy cơ ung thư từ khói rác công nghiệp

Bà Hoàng Thị Đoàn - ở thôn Vân Điềm, xã Vân Hà - gay gắt: “Khi trên Quan Độ đốt rác, hôm nào gió Bắc thì khói đen kịt, đặc quánh thổi xuống Vân Điềm. Chúng tôi đã bao lần đề nghị nhưng họ không giải quyết, xử lý đến nơi đến chốn. Mỗi khi gió thốc vào là không ai chịu được, nhất là trẻ con và người già như tôi. Chúng tôi chỉ còn một cách là hễ có khói thì đóng kín cửa lại, rồi bật quạt thông gió để hút bớt khói ra ngoài. 

Có hôm tức quá, tôi bảo cứ rình khi nào “nó” đốt thì cánh đàn ông Vân Điềm, mỗi người vác một cái gậy ra nện cho chừa đi. Làng tôi bây giờ, người mới ngoài bốn mươi tuổi đã ung thư rất nhiều”. Bà Nguyễn Thị Dương cũng uất ức: “Làng tôi hơn 4.000 dân, bây giờ nhiều người chết vì ung thư phổi, chưa kể viêm mũi, viêm xoang rất nhiều. Bao lần trưởng thôn và bí thư xã chúng tôi đã sang đề nghị họ chấm dứt đốt rác nhưng có dập được đâu”.

Là tiến sĩ hóa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Vũ nói: “Việc đốt rác, đặc biệt là rác công nghiệp, sẽ thải ra những chất độc vô cùng nguy hại, nhất là dioxin và furan, hai loại chất có nguy cơ gây ung thư cao nhất”. Dù lượng dioxin, furan mỗi ngày có thể không nhiều, nhưng Quan Độ đã đốt quanh năm suốt tháng, thì lượng dioxin đã “tích” trong gần hai mươi năm qua là rất đáng ngại, đặc biệt với những thế hệ sau này. Tiến sĩ Vũ xót xa: “Biết vậy nhưng chính tôi và gia đình sinh sống ở Thụy Lôi đã, đang, và sẽ tiếp tục chịu vạ vì việc đốt rác của xã Văn Môn”.

Đã mười mấy năm qua, dân xã Thụy Lâm và Vân Hà liên tục kêu cứu. Tuy nhiên, như tiến sĩ Vũ cho biết, khi nào báo chí vào cuộc thì việc đốt rác có bớt, nhưng được vài bữa là bãi rác lại đỏ rực. Vừa rồi, gần 3.000 dân của xã Thụy Lâm cùng khoảng 60 hộ dân của thôn Vân Điềm đã ký vào “đơn kêu cứu - đề nghị xử lý khẩn cấp” để tiếp tục gửi các cơ quan, ban ngành.

Nhung tieng keu vo vong ben kia 'lang xe xac may bay'
Sau quá nhiều năm “kêu” đến các cơ quan chức năng mà thảm trạng đốt rác thải công nghiệp ở Quan Độ vẫn nguyên vẹn, người dân hai xã Thụy Lâm, Vân Hà bây giờ chỉ biết “kêu” với nhà báo và đăng trên Facebook

Ở Quan Độ, chỉ có khoảng 1/5 hộ dân theo nghề “xẻ xác máy bay”, buôn bán phế liệu, nên số dân phải cắn răng sống trong bầu không khí ô nhiễm ở ngay Quan Độ không hề nhỏ. Thế nhưng, sống chung làng, không bà con cũng hàng xóm, nên người dân chỉ biết than thở cùng nhau. Tôi đã thất bại trong việc thuyết phục người Quan Độ chia sẻ những nỗi khốn khổ của họ khi phải sống giữa cái làng ô nhiễm cực độ ấy. 

Ai cũng đây đẩy từ chối nhưng lên Facebook thì thấy rất nhiều bức xúc của chính họ: “Đến thở thôi mà cũng vất vả. Từ chiều đến giờ thật khủng khiếp. Khét lẹt không ngủ được. Nhà nào kín cửa còn đỡ chứ nhà tôi tắc thở đến nơi rồi”; “Khổ bọn trẻ con, ốm đã mệt rồi, còn phải ngửi mùi khét thì bao giờ hết ốm”; “Ngày hít bụi “sa mạc”, đêm thì ngạt mũi”. Một người dân ở xã Văn Môn tiết lộ: “Giữa trung tâm xã Văn Môn, người ta cũng thường xuyên đốt rác. Chúng tôi ở trong làng không dám kêu nên không ai biết đấy thôi”. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Kế Sơn - Giám đốc dự án Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam - cho biết, Nhật Bản từng có thời kỳ phát triển công nghiệp ồ ạt sau thế chiến II và họ đã phải trả giá đắt do ô nhiễm dioxin từ hoạt động công nghiệp, trong đó có vấn đề sữa mẹ nhiễm dioxin vượt mức cho phép. Ban đầu họ kết luận, thức ăn chứa dioxin khiến sữa mẹ nhiễm dioxin.

Sau đó họ giám sát chặt chẽ, không còn nồng độ dioxin trong nguồn thực phẩm nhưng nồng độ dioxin trong sữa mẹ vẫn rất cao. Họ đã phát hiện ra, ngoài thức ăn, khí thải chính là nguyên nhân khiến dioxin nhiễm vào cơ thể con người. “Ở Việt Nam ta, một số nơi không có dioxin do chiến tranh, vẫn đo được nồng độ dioxin trong máu, mỡ và sữa mẹ” - ông Sơn nói.

Sự thật sau lý giải của cán bộ

Chủ tịch UBND xã Văn Môn từng giải thích với nhà báo rằng: “Nhiều hộ sau khi lấy lõi đồng đã mang phần vỏ dây điện vứt tại bãi rác và bị đốt trộm, không phải họ tự đốt”. Thế nhưng, người dân thôn Thụy Lôi đã không ít lần ghi được hình ảnh người ta đốt dây cáp để mang lõi đồng về (chứ không phải lấy lõi đồng rồi đổ vỏ ra bãi như lời ông chủ tịch xã nói).

Họ đốt giữa thanh thiên bạch nhật thì có phải là “đốt trộm” hay không? Chưa kể “không phải họ tự đốt”, chẳng lẽ người làng khác, nơi khác vô duyên vô cớ nhảy vào cái bãi rác kinh tởm đó để phóng hỏa hết lần này đến lần khác, từ năm này sang năm khác?

Trưởng thôn Quan Độ thì nói: “Toàn bộ phế liệu của dây diện, đồ điện tử đều được tập kết ra khu vực bãi rác sinh hoạt. Có một bộ phận người dân thiếu ý thức đã lợi dụng đêm khuya, mang dây điện ra ruộng đốt trộm hoặc vứt nham nhở đầy cánh đồng. Chúng tôi mật phục nhiều lần, nhưng chưa bắt tận tay được đối tượng nào”. Sự thực là, từ hình ảnh mà người dân cung cấp cho chúng tôi thì không ít lần, người ta trút rác xuống bãi và đốt giữa ban ngày.

Họ đẩy rác xuống từ xe đạp, xe máy, xe công nông. Có khi, người dân Thụy Lâm bắt tận tay việc người Quan Độ đốt dây điện lấy lõi kim loại, khi báo cán bộ xã Văn Môn thì họ chạy đến nhắc nhở vài câu rồi thôi. Có nhà chở cả một xe cải tiến đầy rác thải cồng kềnh, vừa tháo dây định trút cái tủ lạnh hỏng xuống thì cán bộ đến, nhắc nhở không được đổ những thứ này. Họ chằng lại dây, kéo cái xe rời bãi. Khi cán bộ rời đi, xe rác ấy lại được kéo đến, trút xuống ven sông chờ đốt. 

Ông phó thôn Thụy Lôi tiết lộ, làng ông có anh công chức đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Trong mười ngày, có ba hôm, anh thu xếp công việc để đêm tối “đi tuần” các bãi rác của làng Quan Độ thì cả ba ngày anh đều thấy họ đốt rác. Có ông cụ 70 tuổi người làng Quan Độ còn thật thà nhận thỉnh thoảng chính tay ông châm lửa đốt, vì không đốt thì bãi rác đầy ú ụ, biết xử lý ra sao: “Tôi phải lựa hướng gió mới đốt”. Và cái kết trong câu chuyện lựa hướng gió của ông cụ là: khói đen cùng bụi độc không thổi vào làng Quan Độ của ông mà xộc thẳng vào phổi của người dân hai xã Vân Hà, Thụy Lâm.

Kẻ gây ô nhiễm từng kêu cứu về ô nhiễm 

Những ngày này, người dân Thụy Lâm lại kêu đến nhà báo. Đồng thời, bà con cũng ghi lại hình ảnh những ngọn lửa khủng khiếp đó rồi cùng nhau chia sẻ, lên án trên mạng xã hội. Anh Công Cương - người xã Uy Nỗ, cách xã Văn Môn hơn 10km - ghi lại bằng chứng những đêm, ngày đốt rác ở Văn Môn. Anh bảo môi trường là của tất cả mọi người, khoanh tay đứng nhìn chẳng khác nào chấp nhận, đồng tình với việc người ta hủy hoại môi trường sống. Theo anh, không chỉ là chuyện hít khói bụi, chất độc hại hằng ngày, dioxin còn làm nhiễm độc chuỗi thức ăn, cả động vật và thực vật.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định ở nhiều hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước: “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường”. Nhưng ở xã Văn Môn, bấy lâu nay, chính người dân đã thải độc vào không khí, nguồn nước mà mình đang hít thở, đang ăn uống hằng ngày. Năm 2017, chính người dân Văn Môn kêu cứu về việc một công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường đóng tại xã Văn Môn suốt 10 năm qua ngày đêm đốt rác. 

Dân xã Văn Môn không chịu được ô nhiễm từ việc đốt rác của công ty nọ. Có nực cười không khi chính họ thản nhiên bắt hai vạn dân địa phương khác phải hứng khí thải độc hại từ rác mà họ đốt? Hay bởi họ “đốt rác ra tiền” bỏ vào túi mình nên đã xem việc mình đốt rác là bình thường, còn khi đơn vị khác đốt rác, tiền không vào túi họ nên họ mới kêu? 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI