Rác thải xây dựng vẫn bị đổ bừa ra bãi

14/05/2018 - 11:10

PNO - Do nguồn nhân lực, vật lực còn hạn chế nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn phổ biến ở các quận, huyện và công tác quản lý rác vẫn chưa hiệu quả.

Tại TP.HCM, chất thải xây dựng chiếm đến 10% lượng chất thải rắn đô thị. Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong tổng lượng rác xây dựng phát sinh trên toàn thành phố khoảng trên dưới 2.000 tấn/ngày, gần một nửa được thải ra môi trường hoặc chuyển nhượng tự do trên thị trường, không qua xử lý. 

Rác thải xây dựng đi đâu?

Bà Lê Thị Thủy - sống tại khu phố 1, P.Hiệp Thành, Q.12 - than: “Cạnh nhà tôi có nền đất trống, mấy năm nay bỗng dưng thành nơi đổ xà bần, rồi dần dần biến thành một bãi rác mi-ni, tập hợp cả những rác thải sinh hoạt, vừa chướng mắt, vừa gây ô nhiễm”.
Hiện tượng mà bà Thủy nêu hiện rất phổ biến tại TP.HCM. Các bãi phế liệu xây dựng nhan nhản khắp nơi, đặc biệt là ở các bãi đất trống.

Chất thải rắn xây dựng (CTRXD) như gạch, vữa, thạch cao, xi măng được xếp vào loại chất thải nguy hại như chất phóng xạ, kim loại nặng, đồng thời là chất thải rắn khó phân hủy. CTRXD của những công trình cũ đập bỏ sẽ được vận chuyển đi đổ, nhưng bãi đáp cuối cùng của nó thường là một bãi đất trống nào đó nằm ở vùng ven đô thị. Lâu dần, những bãi đất này bị biến thành bãi thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. 

Rac thai xay dung van bi do bua ra bai
Một đống rác xây dựng hình thành tự phát tại đường Hoàng Sa, P.7, Q.3, TP.HCM

Trong Thông tư số 08/2017/TT-BXD ra ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã quy định về công tác quản lý CTRXD từ công đoạn phát sinh đến thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý. Theo thông tư này, các dự án, công trình khi xin giấy phép xây dựng phải có thông báo kế hoạch quản lý CTRXD, đồng thời phải phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; khuyến khích các giải pháp công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu phù hợp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. 

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan về quản lý, sử dụng CTRXD, như trách nhiệm lập kế hoạch quản lý, theo dõi, kiểm tra nguồn phát thải xây dựng trong thu gom, vận chuyển và xử lý, tránh rò rỉ, rơi vãi gây phát tán mùi, bụi.

Rất cần nhà máy xử lý đạt chuẩn

Thực tế, việc triển khai thực hiện Thông tư 08 của Bộ xây dựng không hề đơn giản. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, do thành phần các loại CTRXD phức tạp nên việc thu gom và xử lý cũng được chia thành nhiều dạng khác nhau. Theo đó, số ít CTRXD là các loại vật liệu có khả năng tái chế, làm vật liệu san lấp như cát, bê tông, gạch, đá... thì được các công trường sử dụng lại làm vật liệu san nền trong công trường hoặc tự bán cho các đơn vị thu gom để chuyển đến công trường khác có nhu cầu san lấp.

Đối với một số các loại chất thải còn lại (không làm vật liệu san lấp được), sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh để xử lý. Nhưng quy mô của nhà máy này cũng không đủ lớn để xử lý tất cả rác thải thạch cao trên toàn thành phố nên các chủ đầu tư công trình thường mang đổ bừa tại các bãi đất trống, vùng ven.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết, ngoại trừ lượng CTRXD do công ty thu gom và xử lý theo hợp đồng với các chủ đầu tư (khoảng 1.250 tấn/ngày), số còn lại được các chủ nguồn thải đem thải bỏ vô tội vạ. Phổ biến nhất là ở những công trình hộ gia đình, chủ công trình thường thuê xe ba gác thu gom và đổ ra môi trường.

Lý giải thực tế trên, các doanh nghiệp cho rằng, do TP.HCM chưa có nhà máy xử lý chất thải xây dựng hiện đại đáp ứng yêu cầu thu gom và xử lý lượng CTRXD hiện tại. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong hoạt động chuyển giao chất thải, đẩy giá xử lý CTRXD lên cao, gây khó cho doanh nghiệp. 

Tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM - đơn vị được UBND TP.HCM giao trách nhiệm thu gom và xử lý CTRXD - giá thu gom tuy hợp lý nhưng vẫn chưa có địa điểm tập trung để xây dựng nhà máy xử lý CTRXD theo đúng quy định tại thông tư 08 nói trên nên chỉ có thể thu gom với số lượng nhất định. Rác xây dựng sau khi thu gom được vận chuyển về trạm trung chuyển rác xây dựng Q.11 và Q.Gò Vấp để phân loại, tái chế. Lượng rác còn lại không có khả năng tái chế sẽ được chuyển tiếp đến công trường xử lý rác Đông Thạnh. 

Thế nhưng, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, đến hết năm 2018, toàn bộ hoạt động xử lý chất thải tại khu vực công trường Đông Thạnh phải ngưng hoạt động để dời về khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp, H.Củ Chi. Trong khi đó, công ty chưa được UBND TP.HCM chấp thuận cho phép điều chỉnh quy hoạch theo hướng tận dụng diện tích dôi dư giữa các ô chôn lấp rác tại bãi rác Phước Hiệp để xây dựng nhà máy xử lý rác xây dựng. Cả thành phố lại tiếp tục loay hoay việc nhận thu gom và xử lý rác xây dựng.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Xây dựng để tham mưu UBND TP.HCM tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý rác xây dựng. Trước mắt, để ngăn chặn và xử lý tình trạng rác xây dựng đổ bừa bãi, UBND TP.HCM đã phân cấp trách nhiệm quản lý rác nói chung và rác xây dựng nói riêng cho các quận, huyện.

Theo đó, lãnh đạo các quận, huyện phải đảm bảo chất lượng vệ sinh tại địa phương, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm nói chung. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực, vật lực còn hạn chế nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn phổ biến ở các quận, huyện và công tác quản lý rác vẫn chưa hiệu quả. 

Theo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, từ năm 2005, việc thu gom và xử lý rác xây dựng được công ty chuyển sang hình thức xã hội hóa, chủ nguồn thải phải chi trả chi phí xử lý. Công ty đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hóa công tác thu gom và xử lý rác xây dựng trong thời gian tới, công ty đã có văn bản trình UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải xây dựng tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, H.Củ Chi để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý và tái chế chất thải xây dựng. 

Quy hoạch một bãi thải xây dựng và xây dựng nhà máy xử lý rác thải xây dựng là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.HCM. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI