Những tay máy quyết định hình ảnh của các ông chủ Nhà Trắng

23/01/2019 - 06:09

PNO - Ấn tượng về các Tổng thống Mỹ ăn sâu trong tâm trí công chúng do chính nhiếp ảnh gia Nhà Trắng một tay thầm lặng tạo ra, chứ không phải bất kỳ ai khác.

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Tổng thống John F. Kennedy cùng con trai đi dạo ở hành lang cánh Tây Nhà Trắng. Ảnh do Robert Knudsen chụp.

Có những điều người ta sẽ nghĩ ngay đến khi nhắc tên một tổng thống Mỹ: John F. Kennedy là một người cha tình cảm, chơi với con trong phòng làm việc. Barack Obama nghiêm nghị theo dõi cuộc bố ráp tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden và vui vẻ cúi xuống cho một cậu bé 5 tuổi chạm vào tóc.

Trước khi ông Kennedy trở thành tổng thống năm 1961, vai trò nhiếp ảnh gia Nhà Trắng không hề tồn tại. Tổng thống đi công du hay đãi yến tiệc thì sẽ có các nhiếp ảnh gia quân đội đảm nhiệm phần chụp hình.

Nhà báo Kenneth T. Walsh kể trong cuốn sách xuất bản năm 2017 "Ultimate Insiders: White House Photographers and How They Shape History" (Những người trong cuộc đích thực: Nhiếp ảnh gia Nhà Trắng và cách họ viết nên lịch sử) rằng, Tổng thống Kennedy "hiểu rõ tầm quan trọng của hình ảnh" và đã chọn nhiếp ảnh gia quân đội Cecil Stoughton đảm nhiệm việc ghi lại nhiệm kỳ của ông.

Nhờ sự gần gũi với tổng thống, Stoughton đã tạo nên một truyền thống mới, lần đầu tiên đem đến cho công chúng những hình ảnh đời thường của người đứng đầu đất nước. Nhưng Stoughton cũng phải báo cáo mọi việc với Kennedy, các dịp được chụp ảnh cũng hạn chế và ảnh phải được kiểm soát trước khi phổ biến.

"Nhà Kennedy rất khắt khe trong việc bảo vệ hình ảnh cặp đôi duyên dáng, sang trọng của mình", Walsh viết. Ví dụ, chụp ảnh tổng thống ở hồ bơi, nhất định phải đợi đến khi "nước dâng đến cổ" ông thì mới được chụp để không lộ ra đai cố định lưng.

Những tác phẩm của Stoughton – chủ yếu là về vẻ trẻ trung, lịch lãm và viên mãn của gia đình đệ nhất – đã đóng góp rất nhiều vào truyền thuyết mà đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy tạo dựng.

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1963. Ảnh do Cecil Stoughton chụp.

Một trong những dịp quan trọng nhất mà Stoughton chụp ảnh là vài giờ sau khi ông Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963. Khi đó, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức trên chiếc Không lực 1 sau khi rời bệnh viện nơi ông Kennedy được xác nhận qua đời.

Khoảng khắc đó thật đáng nhớ: ông Johnson đứng giơ tay, bà Jacqueline Kennedy ở bên trái (máu vương trên trang phục của bà không bị lộ ra) và phu nhân Lady Bird Johnson đứng bên phải. Nhờ sự thân thiết với tổng thống Kennedy mà Stoughton đã có thể ghi lại được thời điểm chuyển giao quyền lực hòa bình này, diễn ra rất khẩn trương trong hoàn cảnh bi kịch, cho người dân Mỹ xem được hình ảnh mà nếu không có thì họ sẽ chỉ được nghe qua đài phát thanh.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Johnson khiến công việc của nhiếp ảnh gia Nhà Trắng thêm quan trọng khi cho phép Yoichi Okamoto, người đã phục vụ khi ông còn là Phó Tổng thống, được tiếp cận dễ dàng hơn.

Okamoto đã chụp ảnh Tổng thống Johnson vui vẻ "hát" cùng chó cưng; có cuộc gặp lịch sử với các lãnh đạo phong trào Dân quyền; hồi phục trên giường bệnh sau cuộc phẫu thuật… Những bức ảnh này như thể “tai mắt” đặt trong phòng của một trong những người quyền lực nhất thế giới.

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Tổng thống Lyndon B. Johnson “hát” cùng chú chó cưng Yuki năm 1968. Ảnh do Yoichi Okamoto chụp.

"Tôi luôn ngưỡng mộ Yoichi Okamoto... vì đó là mức độ tiếp cận mà tôi mong muốn có được", Pete Souza, nhiếp ảnh gia Nhà Trắng của Tổng thống Barack Obama, nói. Souza từng làm việc cho tờ Chicago Tribune, đã ghi lại hành trình vươn lên của ông Obama từ tân thượng nghị sĩ năm 2005 đến tổng thống năm 2009.

Ông miêu tả Obama là "người hiểu rõ giá trị của những tư liệu lịch sử bằng hình ảnh về chính quyền của mình", nên đã cho phép Souza tiếp cận rất gần, kể cả ở những nơi tuyệt đối an ninh, trong suốt thời gian tại nhiệm.

"Tôi thấy vai trò của mình là cố gắng lập ra một kho tư liệu hình ảnh cho lịch sử; đó là ưu tiên số một trong đầu tôi", Souza chia sẻ. "Những việc khác không mấy quan trọng đối với tôi. Điều quan trọng là tôi đang phục vụ cho tương lai, thực sự, để có những tư liệu trường tồn".

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
 
Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Nhiếp ảnh gia Pete Souza có quyền tiếp cận rất lớn, kể cả những nơi tuyệt đối an ninh, trong suốt thời gian giữ chức của ông Obama. Ảnh do Pete Souza chụp.

Cơ sở dữ liệu quốc gia đã lưu trữ gần 2 triệu hình ảnh mà Souza đã chụp trong những năm ông Obama nắm quyền, cùng với tác phẩm của các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng trước đó, cho dù mỗi tổng thổng đều có thư viện riêng và cũng lưu giữ cẩn thận các tư liệu này, và không phải hình ảnh nào cũng có thể công khai.

Chính quyền Obama là chính quyền đầu tiên sử dụng website và các mạng xã hội của riêng mình, như Flickr và Instagram, để đều đặn công bố các bức ảnh. Thời trước đó, như Mike Davis, người phụ trách hình ảnh của Tổng thống George W. Bush, cho biết thì mỗi tuần chỉ có 1-2 bức ảnh của tổng thống được cung cấp cho báo chí, không kể những yêu cầu đặc biệt.

Souza lần đầu vào chụp ảnh trong Nhà Trắng là thời ông Reagan làm tổng thống từ năm 1983 đến năm 1989, khi việc công khai các hình ảnh còn rất thận trọng. "Thời đó đã làm gì có internet hay mạng xã hội, nếu có ảnh nào được công khai thì chắn chắn là trên ABC, CBS, và NBC, và phải rất cẩn thận vì 3 đài này có ảnh hưởng rất lớn", Souza nói. "Tôi nghĩ là hồi đó họ kiểm sát hình ảnh hơi quá".

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Tổng thống Barack Obama cùng Phó Tổng thống Joe Biden, cùng các thành viên hội đồng an ninh quốc gia, ngồi trong Phòng Tình huống ở Nhà Trắng theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011. Ảnh do Pete Souza chụp.

Dưới thời Tổng thống Obama, Souza cho biết ông có quyền đưa ra lựa chọn cuối cùng việc công khai bức ảnh nào, miễn là chúng không có những chi tiết nhạy cảm. Vì ông làm việc năng suất và không gặp trở ngại gì nên khó tránh bị nói ra nói vào: Chính quyền Obama hạn chế phóng viên ảnh vào một số sự kiện; thay vào đó, họ phát các hình ảnh của Souza, khiến Hiệp hội phóng viên ảnh Nhà Trắng gọi đùa là phát "thông cáo báo chí bằng hình ảnh".

Tháng 11/2013, phó phát ngôn viên Nhà Trắng lúc đó là Josh Earnest trả lời đại ý rằng: "Chúng tôi đã tận dụng lợi thế của công nghệ mới để giúp người dân Mỹ tiếp cận những hình ảnh hậu trường về tổng thống khi ông làm việc".

Shealah Craighead, người hiện đang là nhiếp ảnh gia Nhà Trắng, lại có cách tiếp cận công việc hơi khác với người tiền nhiệm xuất sắc. Cô từng làm nhiếp ảnh gia riêng của bà Laura Bush, cũng làm việc cho Sarah Palin và Marco Rubio, và được bổ nhiệm ngay sau khi chụp ảnh lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.

Nhung tay may quyet dinh hinh anh cua cac ong chu Nha Trang
Tổng thống Donald J. Trump vẫy chào người ủng hộ năm 2018. Ảnh do Shealah Craighead chụp.

Trên tờ The New Yorker số tháng 3/2017, nhà báo Ian Crouch nhận định: "Tổng thống Trump có hình ảnh gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ: qua Twitter, người ta liên hệ trực tiếp với phần cá tính có chút tùy hứng của ông. Nhưng trong những tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, những hình ảnh công khai của ông Trump hầu hết là mô phạm, và chính quyền của ông dùng hình ảnh hạn chế hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm ngay trước đó".

So với thời ông Obama, đội ngũ của ông Trump đưa ra rất ít hình ảnh, và cũng là những bức ảnh thường hơi xa cách, lên các trang như Flickr. Các bức ảnh của Craighead thường cứng nhắc và không nói lên điều gì về con người ông Trump.

Trả lời PBS NewsHour hồi tháng 8/2017 về mức độ tiếp cận tổng thống, Craighead nói đại ý: "Chúng tôi cần thiết lập một mức độ tin tưởng lẫn nhau. Điều đó, đến lúc nào đó, sẽ dẫn đến một mức độ thoải mái và tiếp cận lớn hơn".

Tổng thống Nixon từng nổi tiếng với việc cấm cửa chính nhiếp ảnh gia của mình, Ollie Atkins, còn ông Jimmy Carter là thổng thống duy nhất không thuê nhiếp ảnh gia chính thức cho Nhà Trắng kể từ khi vị trí này ra đời. Với cả hai ông, và đến giờ là ông Trump, công chúng không có cơ hội hiểu thêm gì về nhà lãnh đạo của mình ngoài những hình ảnh “bắt tay và cười” lặp đi lặp lại.

Đại An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI