Những sáng tác làm dịu thương đau

20/11/2021 - 07:06

PNO - Dù trải qua vinh quang hay đau thương, văn hóa nghệ thuật chưa bao giờ thôi rung cảm trước những diễn biến của thời cuộc.

Với đại dịch COVID-19 cũng thế. Thêm một lần những trang viết, thước phim, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… kể cùng một câu chuyện, đau một nỗi đau chung, nhưng vẫn thắp sáng hy vọng về những điều tốt đẹp, làm dịu những thương đau.

Những thước phim xúc động

Đại dịch COVID-19 là thời khắc buồn đau đặc biệt đối với cả nhân loại, và Việt Nam không đứng ngoài biến cố ấy. Với sứ mệnh của dòng phim tài liệu, những tác phẩm phát trên màn ảnh nhỏ VTV, HTV thời gian qua không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đau thương, khắc nghiệt trong cuộc chiến với COVID-19, mà còn truyền đi những câu chuyện nhân văn, giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Ranh giới- bộ phim tài liệu để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc mạnh cho người xem
Ranh giới- bộ phim tài liệu để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc mạnh cho người xem

Chưa bao giờ bối cảnh Bệnh viện Dã chiến số 6, Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ lại trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình như vậy, bởi đó là “trường quay” của hầu hết những bộ phim tài liệu chạm đến tâm can người xem: Ranh giới, Ngày con chào đời, Bình yên con nhé, HTV từ tâm dịch, Cùng nhau vượt qua đại dịch. Đối tượng hướng đến đều là lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ tình nguyện viên, bệnh nhân… với những câu chuyện phong phú, hình thức thể hiện đa dạng.

Sự hòa quyện giữa yếu tố báo chí và nghệ thuật đã tạo nên sức hấp dẫn cho những bộ phim tài liệu về dịch COVID-19. Nhiều phim chọn lối kể không lời bình như Ranh giới, Ngày con chào đời, Bình yên con nhé, Trở về cuộc sống. Đạo diễn để chính những người trong cuộc dẫn dắt người xem, vì chỉ có họ - những nhân chứng trực tiếp trải qua thời khắc đặc biệt - bằng tâm tình từ tận đáy lòng, mới đủ sức tác động đến xúc cảm khán giả.

Không chỉ kể về những sự thật đau đớn, những “trận chiến” giành lấy mạng sống cho bệnh nhân, những bộ phim như Lựa chọn của tôi, Niềm tin vững bước xoay quanh câu chuyện của những tình nguyện viên giúp lan truyền niềm tin vào tình người, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Những ngày cao điểm của dịch bệnh, toàn xã hội phải giãn cách, những gì được phản ánh trong phim tài liệu Chuyện ở thành phố thức về lực lượng chống dịch làm việc trong đêm, về việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân như tiếp thêm sự an tâm cho người xem rằng, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho người dân. Đến khi thành phố “mở cửa” trở lại, ký sự Thành phố hồi sinh lại kịp thời phản ánh những câu chuyện tươi vui, đổi mới ở TP.HCM sau thời gian giãn cách, truyền đi niềm tin vào sự hồi sinh mạnh mẽ của nơi này.

Trailer phim tài liệu Ngày về:

 

Để mang đến những góc nhìn đa chiều về cuộc sống mùa dịch với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả những sẻ chia ấm áp, sự dấn thân của đội ngũ làm phim là điều đáng được trân trọng.

 

Những khúc nhạc động viên đồng bào

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, âm nhạc trong nước đã làm tốt vai trò cổ vũ, động viên tinh thần người dân. Còn nhớ tháng 2/2020, khi Ghen Cô Vy - bản nhạc được nhạc sĩ Khắc Hưng biến tấu từ một sáng tác có sẵn - nhận được sự chú ý từ khán giả trong nước và truyền thông quốc tế, giới nhạc sĩ mới quan tâm nhiều hơn đến thể loại âm nhạc cổ động mà bấy lâu vẫn bị cho là cũ kỹ, khó được đa số công chúng yêu thích.

Sau Ghen Cô Vy, nhiều nhạc phẩm viết về chủ đề COVID-19 được trình làng, nhưng không chỉ có âm nhạc cổ động với giai điệu tươi vui, những sáng tác đã khai thác sâu hơn vào sự hy sinh, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu chống dịch, gieo vào lòng người nghe niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là Sài Gòn tôi sẽ của thầy giáo 9X Thái Dương, là Đồng lòng Việt Nam với sự hòa giọng của 40 nghệ sĩ khắp hai miền Nam Bắc, là Ngày mai lại tươi sáng như nói thay tiếng lòng của hàng triệu người dân Việt, là Niềm tin chiến thắng, Việt Nam cần nắng, Thank you - Những chiến binh thầm lặng, Lắng nghe nhịp đập Tổ quốc…

 

Tranh của họa sĩ Trần Trung Lĩnh
Thầy giáo 9X Thái Dương

Một điều đặc biệt của âm nhạc sinh ra trong thời COVID-19 là sự dung dị, giản đơn nhưng giàu tình cảm, thông điệp. Âm nhạc trước biến động của thời cuộc hoàn toàn khác với những MV được đầu tư công phu hay những bản nhạc thị trường chỉ vừa xuất hiện đã rơi vào vòng xoáy bão hòa. 

Thầy giáo 9X Thái Dương chỉ với cây đàn guitar và giọng hát không qua trường lớp, nhưng lại làm lay động biết bao trái tim, vì chúng giàu sức gợi, cho thấy những đau đáu của người sáng tác, trước ngày Sài Gòn thực hiện đợt cao điểm giãn cách xã hội. Áo trắng thiên thần, Sài Gòn ta thương, Màu áo anh hùng cũng đơn giản nhưng không phải trong âm nhạc, mà nằm ở hình thức, cách thức thực hiện.

Có nhiều ca khúc được ca sĩ thu âm bằng điện thoại, tận dụng bối cảnh quay tại phòng thu, tại nhà hay thậm chí chính những nơi nghệ sĩ đi làm thiện nguyện, tận dụng hình ảnh tư liệu… Tất cả đều vì một mục đích chung, rằng âm nhạc sẽ chữa lành những vết thương lòng, vực dậy tinh thần và gieo cho họ niềm tin, hy vọng.

Những trang viết ăm ắp nỗi niềm

Dòng chảy COVID-19 cũng neo lại nơi trang viết của những nhà văn, nhà thơ nhiều tâm sự. Họ không chỉ kể về nỗi đau hay chuyện cá nhân đơn thuần trong ngõ nhỏ, mà thông qua trang viết là ăm ắp những lời tỏ bày cùng biến thiên thời cuộc, từ đời sống riêng đến vận mệnh chung của đất nước.

Một số tác phẩm in dấu trong dòng chảy “sách COVID” có thể kể đến như: I’m Home - Con đã về nhà (Tăng Quang), Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua (Sương Nguyệt Minh), Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể (bác sĩ Ngô Đức Hùng), Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa), 120 ngày Mây thì thầm với gió (Nuage Rose - Hồng Vân), COVID-19 và cuộc chiến sinh tử (Nhiều tác giả)…

Tranh của họa sĩ Trần Trung Lĩnh
Tranh của họa sĩ Trần Trung Lĩnh

Sắp tới, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cũng sẽ in tập tản văn Quyền được sống của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Tác phẩm là những ghi chép suốt thời gian giãn cách căng thẳng của thành phố. “Viết những điều từ trái tim, tôi tin sẽ chạm đến trái tim, chạm đến lòng trắc ẩn, chạm đến trữ lượng yêu thương mà ít nhiều mỗi người đều gìn giữ…” - nhà văn Bích Ngân bày tỏ.

Ngoài việc ra mắt các tác phẩm viết về chủ đề dịch COVID-19, nhiều hoạt động sáng tác cũng được tổ chức. Trong thời gian qua, cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” (do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức) và cuộc thi viết - vẽ tranh “Con thương chiếc áo blouse” (Nhà sách Phương Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế tổ chức) được chú ý. Trong đó, cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” gây tiếng vang vì quy tụ nhiều tác giả, tác phẩm chất lượng, giàu xúc cảm.

Bài thơ Tưởng niệm - tác phẩm được trao giải nhất cuộc thi thơ của tác giả Tự Hàn (bác sĩ Đỗ Phước Thanh) viết để tiễn người đồng nghiệp đáng kính của mình, thật sự chạm vào trái tim bạn đọc. Hội họa, nhiếp ảnh rưng rưng trước thời cuộc.

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh - người có nhiều tranh vẽ về Sài Gòn đợt giãn cách xã hội - cho biết anh từng nghĩ một ngày nào đó, anh sẽ “trả ơn” Sài Gòn - miền đất dung dưỡng anh từ một cậu sinh viên cho đến hiện tại - bằng một dự án nghệ thuật, nhưng không nghĩ rằng chúng đến cùng COVID-19.

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long
Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Trong mùa dịch, dự án “Sài Gòn tử tế, sống tử tế” đã được họa sĩ Trần Trung Lĩnh thực hiện. Anh tập trung vẽ lại những mảnh đời mưu sinh tại Sài Gòn. Nhân vật của anh làm nhiều công việc khó nhọc, vất vả, nhưng trong toàn bộ tranh đều ánh lên tình thương, nghĩa đồng bào sâu nặng.

Họa sĩ Lê Sa Long cũng dành nhiều thời gian vẽ tranh trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Trong tranh của anh có hai mảng đề tài lớn, một về chân dung những nhân vật đặc biệt đã có đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, phần còn lại vẽ về những câu chuyện, hình ảnh xúc động trong đại dịch. Trong đó, những bức phác họa Sài Gòn mùa giãn cách và các tranh vẽ về hành trình hồi hương của người dân khỏi thành phố lớn được đặc biệt chú ý.

Bìa cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 2021 dự kiến ra mắt vào năm sau của nhiếp ảnh gia Thế Phong
Bìa cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 2021 dự kiến ra mắt vào năm sau của nhiếp ảnh gia Thế Phong

Riêng về nhiếp ảnh, thời gian qua, nhiều nhiếp ảnh gia liên tục xông pha để ghi nhận lại những thời khắc đặc biệt của đất nước trong dịch bệnh. Nhiếp ảnh gia Thế Phong là đại diện tiêu biểu trong giới nhiếp ảnh, khi thực hiện cuốn sách ảnh và triển lãm cá nhân mang tên Sài Gòn COVID-19 tháng 10/2020. Nhiếp ảnh gia Thế Phong cho biết đang hoàn thiện để tiếp tục ra mắt cuốn sách ảnh thứ hai.

“Tôi biết dịch bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này, sẽ là sự hối tiếc cho người nghệ sĩ. Bởi, tôi muốn thông qua những bức ảnh, thế hệ sau sẽ biết năm tháng ấy, dân tộc đã vượt qua cuộc biến động mang tên COVID-19 một cách đau thương nhưng quả cảm và mạnh mẽ như thế nào!”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Diễm Mi - Hương Nhu - Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI