Thơ viết trong đại dịch: Dự phần cùng nỗi đau là phẩm hạnh của người cầm bút

18/11/2021 - 12:47

PNO - Sáng ngày 18/11, lễ trao giải cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam" đã diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM.

Trong tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, lễ trao giải được tổ chức trong phạm vi hạn chế số lượng người tham dự, đảm bảo các nguyên tắc 5K.

Lễ trao giải diễn ra sáng 18/11 tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM
Lễ trao giải diễn ra sáng 18/11 tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM

Lễ trao giải thơ dành một phút tưởng niệm đồng bào và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong do đại dịch COVID-19. Chương trình bắt đầu bằng bài thơ Tưởng niệm - tác phẩm được trao giải nhất cuộc thi thơ của tác giả Tự Hàn (bác sĩ Đỗ Phước Thanh, hiện công tác tại Khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Long Khánh, Đồng Nai): 

"Tôi chưa kịp về anh đã theo mây

Những đám mây quặn thắt

Những đám mây ngơ ngác

Những đám mây thép gai cào cắt

Sài Gòn mưa trong lòng âm âm...".

Tưởng niệm là bài thơ tác giả dành tặng người đồng nghiệp của mình - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã hy sinh khi làm việc nơi tuyến đầu - nhưng cũng có thể là một thay lời đau xót và tiễn biệt bao người đã mất.

Ngày mai, vào lúc 19g tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM sẽ tổ chức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Vì vậy, những vần thơ vang lên lúc này, thật sự xúc động. 

Tác giả Thanh Hoàng với những vần thơ xa xót trong tác phẩm được trao tặng thưởng Hai quê: "Trụ lại đất phương Nam/Việc đầu tiên con làm là lập bàn thờ cha mẹ/Di ảnh theo con bao ngày mưa gió/Phai màu trong chiếc bao lô"... "Vu Lan con làm cơm cúng mẹ/Từ gạo rau được chuyển tặng 0 đồng/Chưa chan mắm cơm đã vừa mẹ ạ/Nghĩa ân đầy như nước biển mênh mông...".

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại lễ trao giải: "Khi đọc những bài thơ đầy ắp nhân văn, tôi càng thấm thía điều này: nếu chúng ta dửng dưng và thờ ơ với con người, với cuộc sống, là hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau. Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút". 

72 bài thơ vào chung khảo và 15 bài thơ hưởng ứng cuộc thi của các nhà thơ được chọn in thành sách
72 bài thơ vào chung khảo và 15 bài thơ hưởng ứng cuộc thi của các nhà thơ được chọn in thành sách

Các bài thơ dù được trao giải cao nhất hay là tặng thưởng, cũng đều là những vần thơ rung động. Thơ viết trong dịch bệnh rồi sẽ ở lại cùng thành phố với những hình ảnh không thể nào quên về các y bác sĩ tuyến đầu, hình ảnh người lính vào các ngõ đường giúp dân, những quán cơm 0 đồng, những phận người nghèo trong đại dịch; trao gửi tâm tình, cảm xúc yêu thương dành cho thành phố, những tiếng hát trong khu cách ly, tiếng lòng của bệnh nhân F0 và những hy sinh, mất mát…

Nhà thơ Lê Minh Quốc, Trưởng ban giám khảo nhìn nhận: "Với cuộc thi này, điểm sáng, điểm mạnh là sự đồng hành của nhiều tiếng thơ cùng nghĩ về nhân nghĩa đất phương Nam. Tất cả đều hòa quyện vào nhau tạo nên một sắc màu phong phú, đa dạng, những cung bậc đa thanh. Đọc những bài thơ viết từ đại dịch, tôi nhận thấy tiếng nói của họ tích cực như một cách chung tay vì cộng đồng". 

Tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam (Sbooks và nhà xuất bản Văn học ấn hành) được ra mắt vào những ngày thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”. Cũng có thể xem đây là một trong số tác phẩm viết về đề tài COVID-19 có chất lượng, có sức lan tỏa. Trong dịch bệnh, những bài thơ hay, cảm động từ cuộc thi thật sự chạm đến trái tim người đọc.

Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam diễn ra từ ngày 2/8-15/9, thu hút đông đảo tác giả trong và ngoài nước gửi tác phẩm dự thi. Hơn 1.500 bài thơ của 700 tác giả được gửi về, trong đó 72 bài thơ của 53 tác giả được chọn vào chung khảo.

Kết quả giải thưởng cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam:

Giải Nhất: Chùm thơ Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau của Tự Hàn; Giải Nhì: chùm thơ Hãy nhẹ tay thôi, Viết cho đêm không ngủ (Yên Khang) và Đau mấy chỗ rách mái nhà (Nguyễn Thanh Hải). 

Giải Ba: chùm thơ Trong chuỗi ngày Sài Gòn, Tiếng Saxophone đêm tháng Bảy của Lữ Mai, Má ơi của Nguyễn Thanh Thế, Chốt gác, Đôi mắt của Trần Ngọc Mai.

Giải Tư dành cho các tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Loan (Bó hoa bên hàng rào phong tỏa), Diễm Thuyên (Ru phố thôi đau, Thèm quá một cái ôm), Vũ Thanh Hoa (Vẽ nước mắt), Phạm Tuấn (Quà quê lên phố, Thức qua đêm phong tỏa) và Hương Thu (Chúng tôi không đào thoát).

Các tặng thưởng: Thanh Hoàng (Hai quê), Hồ Đắc Thiếu Anh (Ly mì lúc 0 giờ), Hương Giang (Đêm khó thở nhất của em), Lan Hương (Lạc vào giấc mơ) và Vũ Việt Thắng (Tiếng rao đêm).

 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI