Những phụ nữ Sri Lanka và cuộc cách mạng lướt sóng “ngầm”

05/03/2022 - 22:22

PNO - Vượt qua những định kiến và quan niệm bảo thủ, một số phụ nữ Sri Lanka đã đến với bộ môn lướt sóng, tạo cho mình nguồn năng lượng tích cực và niềm vui trong cuộc sống.

Lớn lên trong một làng chài nhỏ dọc theo bờ biển phía đông Sri Lanka, thuở nhỏ, Shamali Sanjaya thường ngồi trên bãi biển và nhìn ra những con sóng đánh dập dìu ngày đêm. Khi nhìn thấy những người đàn ông, trong đó có cả cha và anh trai của mình, trên những tấm ván lướt sóng, lao nhanh ra biển rồi sau đó lại “cưỡi” trên những con sóng để nhẹ nhàng quay vào bờ, trong lòng cô dấy lên một cảm giác “ganh tỵ”. “Tôi từng khao khát được lướt sóng như họ”, Sanjaya kể.

Shamali Sanjaya (giữa) với các thành viên của Câu lạc bộ lướt sóng nữ Vịnh Arugam
Shamali Sanjaya (giữa) với các thành viên của Câu lạc bộ lướt sóng nữ Vịnh Arugam

Tuy nhiên, vì là một phụ nữ Sri Lanka, ước mơ giản dị ấy trở nên xa vời đối với Sanjaya. Bởi lẽ, theo quan niệm trong xã hội bảo thủ của nước này, nơi dành cho phụ nữ là ở nhà, và chỉ có nam giới hoặc nữ du khách nước ngoài mới được phép lướt trên những con sóng cuồn cuộn ở vùng Vịnh Arugam, nơi được xem là địa điểm lướt sóng lý tưởng của Sri Lanka.

Nhưng giờ đây, Sanjaya, bà mẹ 34 tuổi có 2 con và đang mang thai một bé khác, lại đang đi đầu trong “cuộc cách mạng lướt sóng dành cho phụ nữ”, tuy diễn ra thầm lặng nhưng đã lan rộng không chỉ trong ngôi làng của cô, mà còn ra khắp đất nước Sri Lanka.

Năm 2018, Sanjaya đã giúp thành lập câu lạc bộ lướt sóng dành cho phụ nữ đầu tiên của Sri Lanka, ở Vịnh Arugam. Đến năm 2020, cô đã tham gia tranh tài ở hạng mục chỉ dành cho nữ đầu tiên của Sri Lanka trong một cuộc thi lướt sóng quốc gia. Mặc dù đang mang thai 4 tháng, Sanjaya vẫn lướt sóng đều đặn vài lần mỗi tuần, và dự định sẽ thi đấu trở lại sau khi sinh.

Sanjaya bắt đầu thực hiện ước mơ lướt sóng của mình vào năm 2011. Khi đó, Tiffany Carothers - một người đam mê lướt sóng và là mẹ của 2 đứa trẻ, vừa mới chuyển đến Sri Lanka từ California (Mỹ) - đã hỏi Sanjaya liệu cô có muốn đến với môn lướt sóng không. Sau đó, Carothers đã động viên Sanjaya, cho cô mượn một tấm ván lướt sóng, chỉ cho cô một số kỹ thuật cơ bản, để cô có những trải nghiệm đầu tiên về hoạt động này.

“Tôi đã bắt đầu với lướt ván như thế. Và việc này đã đem lại cho tôi một cảm giác thật hạnh phúc. Tôi cảm nhận mình luôn tràn đầy năng lượng và mạnh mẽ. Cuộc sống có nhiều điều rắc rối, phiền não, nhưng ngay khi xuống nước, tôi có thể quên hết những điều đó”, Sanjaya chia sẻ.

Shamali Sanjaya đã giúp thành lập câu lạc bộ lướt sóng toàn nữ đầu tiên của Sri Lanka ở Vịnh Arugam vào năm 2018
Shamali Sanjaya đã giúp thành lập câu lạc bộ lướt sóng nữ đầu tiên của Sri Lanka ở Vịnh Arugam vào năm 2018

Tuy nhiên, cô đã gặp phải sự phản đối gay gắt, nhất là từ anh trai của mình. Do cha mẹ mất sớm, khi Sanjay chỉ mới lên 7, nên người anh đã phải thay cha mẹ bảo bọc các cô em gái, và tin rằng vị trí của người phụ nữ phải là trong nhà.

“Anh trai nói với tôi rằng, lướt sóng không phải là hoạt động dành cho phụ nữ, và tôi nên ở trong nhà nấu nướng và dọn dẹp”, Sanjaya kể lại.

Nhưng vốn là một cô em gái “bướng bỉnh” trong nhà, Sanjaya đã quyết định phớt lờ lời khuyên của anh trai, và tìm cách “bí mật” hẹn bạn bè cùng đi lướt sóng vào những giờ nghỉ trưa, lúc anh trai cô đang ăn, hoặc đang đi chơi vào sáng sớm.

Năm 2015, khi có nhiều phụ nữ khác trong làng của Sanjaya cũng quan tâm đến môn lướt sóng, Carothers đã quyết định tổ chức một sự kiện để dạy họ cách tham gia bộ môn này. Cô và Sanjaya đã đến từng nhà từng người, nói chuyện với họ và gia đình của họ để thuyết phục họ đến với môn lướt sóng.

Ban đầu, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra miễn cưỡng, lo ngại về sự an toàn, và cho rằng những người chơi lướt sóng thường dính đến tiệc tùng, ma túy và rượu. Họ cũng cũng không muốn con gái của mình bị sạm da khi tham gia vào hoạt động này (vì đa số người Sri Lanka vẫn quan niệm một người phụ nữ đẹp phải có làn da trắng sáng).

“Chúng tôi đã nói với cha mẹ rằng sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì thiếu tôn trọng văn hóa của đất nước. Chúng tôi không mặc bikini, không uống rượu, đó chỉ là việc hòa mình vào những con sóng”, Sanjaya kể lại.

Sau khi sự kiện đầu tiên được nhiều phụ nữ quan tâm, Carothers và Sanjaya đã quyết định tổ chức các buổi dạy lướt sóng hàng tuần cho họ. Nhưng với nhiều lời bàn tán và sự phản đối của người dân địa phương, Carothers đã bị hội đồng du lịch Sri Lanka “tuýt còi”.

“Họ buộc tội tôi đã làm thay đổi văn hóa của Sri Lanka, cho rằng các cô gái ở nước này không được lướt sóng, và nếu muốn giúp đỡ gia đình các cô gái, tôi nên đưa cho họ chiếc máy may. Các quan chức còn đe dọa sẽ trục xuất gia đình tôi ra khỏi Sri Lanka nếu họ thấy tôi dạy lướt sóng cho các cô gái”, Carothers cho biết.

Nhiều cô gái địa phương bắt đầu tham gia lướt ván sau một sự kiện dạy họ cách lướt sóng vào năm 2015
Nhiều cô gái địa phương bắt đầu tham gia lướt ván sau một sự kiện dạy họ cách lướt sóng vào năm 2015

Cảnh sát địa phương còn thẩm vấn các thành viên tham gia lớp học lướt sóng, hỏi liệu Carothers có cho họ uống rượu và sử dụng ma túy hay không. Điều này đã khiến hơn một nửa các cô gái không muốn tiếp tục. Tuy nhiên, những người phụ nữ còn lại vẫn duy trì một câu lạc bộ “ngầm”, thu xếp bí mật gặp nhau trên bãi biển, và tổ chức các đợt lướt sóng đến các khu vực khác của hòn đảo.

Cuối cùng, sự kiện Liên đoàn lướt sóng Sri Lanka được thành lập vào năm 2017 đã mở đường cho việc xây dựng một câu lạc bộ lướt sóng chính thức của phụ nữ nước này. Và vào tháng 8/2018, Câu lạc bộ lướt sóng Arugam Bay Girls đã ra đời.

Hiện, câu lạc bộ này có khoảng 10 thành viên chủ chốt, với độ tuổi từ 13 đến 43. Tuy đã vượt qua nhiều định kiến của địa phương, nhưng nhiều thành viên vẫn còn phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ gia đình và cộng đồng.

Nandini Kaneshlingam, một bà mẹ 43 tuổi có 4 con và có chồng, đã tự sát vào năm 2011, cho biết cô đã phải chịu đựng sự kỳ thị quá lớn khi tham gia môn lướt sóng trong hoàn cảnh như vậy, và điều đó đã khiến cô vài lần suýt bỏ câu lạc bộ.

Tuy nhiên, nhờ các thành viên nữ khác đã luôn kiên trì động viên, Kaneshlingam cho biết lướt sóng đã mang lại cho cô một cuộc đời mới. “Chính các con tôi cũng đã động viên tôi đến với bộ môn này. Sau khi chồng tôi mất, tôi rất buồn và mọi thứ rất khó khăn, nhưng với lướt sóng, tôi đã tìm lại được niềm vui cho mình”, Kaneshlingam chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI